Adefovir dipivoxil là dược chất tương tự nucleotide có hiệu quả trong việc điều trị viêm gan B mạn tính cho người trên 12 tuổi, giúp làm chậm sự phát triển của virus. Tuy nhiên đây không phải là phương pháp chữa khỏi hoàn toàn viêm gan B cũng như không ngăn chặn được sự lây lan của viêm gan B cho người khác.
1. Thuốc Adefovir là gì?
Thuốc Adefovir được chứng minh là một hoạt chất tương tự acyclic nucleotide của adenosin monophosphate, được phosphoryl hoá thành chất chuyển hoá có hoạt tính adefovir diphosphat bởi các men kinase của tế bào. Lúc này, Adefovir diphosphat sẽ ức chế men DNA polymerase của HBV bằng cách cạnh tranh với chất nền tự nhiên deoxyadenosine triphosphat và sáp nhập vào DNA của virus gây kết thúc chuỗi DNA. Nhờ vậy thuốc Adefovir có tác dụng trong việc điều trị bệnh gan. Ngoài ra, thuốc Adefovir cũng có tác dụng ở bệnh gan mất bù khi kết hợp với một thuốc thứ hai không đề kháng chéo với adefovir.
Tóm lại, sau khi uống thuốc Adefovir thì adefovir dipivoxil nhanh chóng chuyển hoá thành adefovir, sự hấp thu chuyển ra chậm nhưng không bị giảm khi dùng chung với thức ăn. Adefovir được phân bố rộng rãi trong các mô của cơ thể, đặc biệt ở thận, gan và ruột. Dưới 4% liên kết với protein huyết tương hoặc huyết thanh. Adefovir được bài tiết ở thận bằng sự lọc ở cầu thận và bài tiết chủ động qua ống thận. Thời gian bán thải cuối cùng khoảng 7 giờ. Adefovir bị loại trừ một phần bằng thẩm phân máu.
2. Sử dụng thuốc Adefovir như thế nào?
Thuốc Adefovir 10mg được sử dụng bằng đường uống, không phụ thuộc vào bữa ăn. Liều dùng tham khảo như sau:
- Người lớn viêm gan B mạn tính và còn chức năng thận tốt: 10mg lần/ ngày
- Bệnh nhân suy thận nên được thay đổi khoảng cách giữa các liều tuỳ thuộc theo độ thanh thải creatinin của bệnh nhân: nếu độ thanh thải creatinin từ 30-49 ml/phút nên để liều 10 mg mỗi 48 giờ, còn nếu độ thanh thải creatinin từ 10-29 ml/phút nên chỉnh liều còn 10mg mỗi 72 giờ.
- Bệnh nhân được thẩm phân máu: 10mg mỗi 7 ngày sau khi thẩm phân
- Bệnh nhân suy gan có thể dùng liều như bình thường
- Chưa có khuyến cáo về liều cho bệnh nhân trên 65 tuổi.
3. Các tác dụng phụ của thuốc Adefovir:
Thuốc Adefovir có thể gây ra nhiễm độc acid lactic nghiêm trọng dần theo thời gian, các triệu chứng gợi ý nhiễm acid lactic gồm:
- Đau yếu cơ
- Tê hoặc lạnh ở cánh tay và chân
- Khó thở
- Cảm giác chóng mặt, choáng váng, mệt mỏi
- Đau dạ dày, buồn nôn hoặc nôn
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều
- Nghiêm trọng hơn bệnh nhân có thể tiểu ít, vô niệu, ngứa, vàng da, vàng mắt
4. Các chống chỉ định của thuốc Adefovir:
Thuốc Adefovir chống chỉ định cho các trường hợp bệnh nhân quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc hoặc phụ nữ đang cho con bú. Ngoài ra, cần phải thận trọng khi sử dụng thuốc Adefovir trong các trường hợp sau:
- Bệnh gan có tăng nhanh nồng độ aminotransferase, gan to tiến triển hoặc gan nhiễm mỡ, toan chuyển hoá, toan lactic nên ngưng điều trị ngay. Chức năng gan cần được theo dõi chặt chẽ định kỳ trong suốt một thời gian sau khi ngưng dùng adefovir dipivoxil
- Bệnh nhân suy thận dùng thuốc Adefovir cần được kiểm tra các dấu hiệu suy giảm chức năng thận mỗi 3 tháng, đặc biệt là bệnh nhân có hệ số thanh thải creatinin dưới 50 ml/phút
- Bệnh nhân HIV: việc dùng thuốc Adefovir để điều trị viêm gan B mạn tính ở người bệnh HIV chưa được phát hiện hoặc chưa được điều trị có thể dẫn đến đề kháng với HIV. Do đó, nên kiểm tra kháng thể HIV cho mọi bệnh nhân trước khi bắt đầu điều trị adefovir dipivoxil
- Tính an toàn và hiệu quả của thuốc Adefovir ở bệnh nhân dưới 18 tuổi chưa được xác định hoàn toàn
Nếu bệnh nhân sử dụng thuốc Adefovir quá liều trong nhiều tuần có thể gây ra các rối loạn tiêu hoá hoặc chứng biếng ăn. Khi xuất hiện quá liều nên theo dõi dấu hiệu nhiễm độc và áp dụng các biện pháp điều trị hỗ trợ chuẩn nếu cần. Có thể loại trừ adefovir bằng thẩm phân máu, hệ số thanh thải bằng thẩm phân máu trung bình là 104 ml/phút.
Trên đây là những thông tin quan trọng về thuốc Adefovir. Việc nắm rõ sẽ giúp quá trình dùng thuốc trở lên hiệu quả và an toàn hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.