Aclocivis thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng được bào chế dưới dạng kem bôi ngoài da. Thành phần chính của thuốc là Acyclovir cùng các tá dược vừa đủ khác. Thuốc có công dụng, cách điều trị như thế nào, bạn hãy cùng tham khảo trong bài viết dưới đây.
1. Thuốc Aclocivis có tác dụng gì?
Hoạt chất acyclovir trong thuốc tương tự nucleosid (acycloguanosin). Nó có tác dụng chọn lọc trên tế bào nhiễm virus Herpes. Ðể phát huy công dụng acyclovir phải được phosphoryl hóa thành dạng có hoạt tính là aciclovir triphosphat. Ở giai đoạn đầu, nhờ vào enzym của virus là thymidinkinase, acyclovir sẽ được chuyển thành aciclovir monophosphat. Sau đó, nhờ vào một số enzym khác của tế bào, nó chuyển tiếp thành aciclovir diphosphat và triphosphat. Aciclovir triphosphat gây ức chế tổng hợp DNA và sự nhân lên của virus mà không ảnh hưởng đến chuyển hóa của tế bào bình thường.
Acyclovir có tác dụng mạnh nhất trên virus Herpes simplex typ 1 (HSV - 1) và kém mạnh hơn đối với virus Varicella zoster (VZV), virus Herpes simplex typ 2 (HSV - 2). Acyclovir tác dụng yếu nhất cytomegalovirus (CMV). Ở xét nghiệm lâm sàng, người nhiễm CMV không bị tác động bởi acyclovir. Chưa có nghiên cứu cụ thể về tác dụng chống virus Epstein Barr của acyclovir. Một số chủng kháng thuốc và virus Herpes simplex tiềm ẩn trong các hạch không bị tiêu diệt khi sử dụng acyclovir.
Trong điều trị viêm não thể nặng do virus HSV - 1, acyclovir có tác dụng tốt, có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong từ 70% xuống 20%. Một số bệnh nhân được chữa khỏi thì những biến chứng nghiêm trọng cũng giảm đi. Acyclovir cũng có thể điều trị tốt với thể viêm não - màng não nhẹ hơn do HSV - 2.
Sinh khả dụng theo đường uống của acyclovir khoảng 20% (15 - 30%). Sự hấp thu của thuốc không bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Acyclovir phân bố rộng trong dịch cơ thể và các cơ quan như: niêm mạc, tử cung, thủy dịch, dịch âm đạo, tinh dịch, não, dịch não tủy, thận, cơ, nước mắt, gan, phổi, ruột, lá lách. Acyclovir liên kết với protein thấp chỉ từ 9 - 33%.
Một lượng lớn (30 - 90% liều) được đào thải qua thận dưới dạng không biến đổi và số ít thuốc được chuyển hóa ở gan.
Do vậy, Aclocivis được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Thuốc có công dụng trong dự phòng và điều trị tái nhiễm viêm não Herpes simplex, virus Herpes simplex type 1+ 2 ở da và niêm mạc.
- Sử dụng điều trị trong trường hợp nhiễm Herpes zoster (bệnh zona) cấp tính, zona mắt, viêm phổi do Herpes zoster ở người lớn.
- Điều trị nhiễm Herpes sinh dục khi lần đầu bị hoặc tái nhiễm.
- Chỉ định sử dụng trong các trường hợp: thủy đậu ở người suy giảm miễn dịch, thủy đậu ở trẻ sơ sinh, thủy đậu xuất huyết.
Mặt khác, thuốc không được phép kê đơn trong trường hợp dị ứng hoặc mẫn cảm với Acyclovir hoặc các thành phần khác của thuốc.
2. Liều dùng Aclocivis tham khảo
Ðiều trị bằng Aclocivis cần được sử dụng càng sớm càng tốt đặc biệt là khi mới có dấu hiệu và triệu chứng của bệnh.
Trường hợp mới nhiễm hoặc tái phát Herpes simplex môi và sinh dục thì cần điều trị càng sớm càng tốt. Nếu nhiễm ở miệng hoặc âm đạo thì có thể phải dùng điều trị toàn thân ở dạng uống. Nhiễm herpes zoster cũng cần cân nhắc điều trị toàn thân qua đường uống.
Liều bôi:
- Thuốc mỡ: Cách 4 giờ mỗi lần thì bôi lên vị trí bị tổn thương, trung bình từ 5 đến 6 lần một ngày. Sử dụng trong vòng 5 đến 7 ngày và dùng ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.
- Thuốc mỡ tra mắt: Bôi 5 lần mỗi ngày, sử dụng ít nhất 3 ngày sau khi đã kết thúc thời gian điều trị.
Nếu xuất hiện kết tủa trong ống thận khi nồng độ thuốc ở đó vượt quá độ hòa tan 2,5 mg/ml, hoặc suy thận, creatinin huyết thanh cao, trạng thái kích thích, run, co giật, bồn chồn, đánh trống ngực, cao huyết áp, khó tiểu tiện thì cần thẩm tách máu bệnh nhân cho đến khi chức năng thận phục hồi, ngừng thuốc, cho truyền nước và điện giải.
3. Tương tác của Aclocivis với các loại thuốc khác
- Có thể xảy ra trạng thái mơ màng và ngủ lịm đi khi dùng đồng thời acyclovir và zidovudin.
- Probenecid gây ức chế cạnh tranh khi acyclovir đào thải qua ống thận, chính vì vậy, nên tăng 40%, giảm thải trừ qua nước tiểu và độ thanh thải của acyclovir.
- Hiệu lực chống virus của acyclovir được tăng lên khi sử dụng cùng amphotericin B và ketoconazol.
- Tác dụng chống virus in vitro của acyclovir được tăng lên khi dùng cùng interferon.
4. Tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc Aclocivis
Có thể gây cảm giác nóng rát hoặc đau nhói ở vị trí bôi và xuất hiện ban đỏ nhẹ kèm theo khi khô. Với thuốc mỡ bôi mắt thì hiện tượng đau nhói nhẹ ngay khi bôi sẽ diễn ra ít hơn. Có thể xuất hiện viêm mi mắt, viêm giác mạc chấm, viêm kết mạc. Tuy nhiên, các trường hợp này sẽ tự khỏi mà không để lại di chứng, chính vì vậy không cần ngưng thuốc.
5. Chú ý đề phòng khi dùng thuốc Aclocivis
- Cần có chỉ định sử dụng Aclocivis của bác sĩ khi dùng trong trường hợp mang thai hoặc cho con bú.
- Lưu ý không thoa trong miệng, trong mắt hoặc niêm mạc âm đạo.
- Sử dụng đúng theo liều được đề nghị, không kéo dài thời gian điều trị.