Hiện nay nhóm thuốc kháng Histamin ở thụ thể H1 được sử dụng rất rộng rãi, đặc biệt ở những người bệnh viêm mũi dị ứng. Một trong những hoạt chất thuộc nhóm này là thuốc Terfenadine. Vật Terfenadine là thuốc gì và cần sử dụng như thế nào?
1. Terfenadin là thuốc gì?
Thuốc Terfenadine là một hoạt chất thuộc nhóm thuốc kháng histamin, cạnh tranh đối kháng ở thụ thể H1. Terfenadine thuốc có cấu trúc hóa học tương tự với Astemizol và Haloperidol, một thuốc chống loạn thần nhóm butyrophenon. Sau khi vào cơ thể, Terfenadine sẽ chuyển hóa thành dạng hoạt chất có hoạt tính là fexofenadine. Ở Mỹ, Terfenadine đã được thay thế hoàn toàn bằng sản phẩm Fexofenadine vào những năm 1990 do nguy cơ gây ra các rối loạn nhịp tim liên quan đến tình trạng kéo dài khoảng QT trên ECG.
Cơ chế hoạt động của thuốc Terfenadine cụ thể như sau:
- Cạnh tranh với histamin để liên kết tại các vị trí thụ thể H1 trên đường tiêu hóa, mạch máu lớn, cơ phế quản và tử cung;
- Khả năng gắn kết thuận nghịch của Terfenadine tại vị trí thụ thể H1 sẽ mang lại tác dụng ngăn ngừa các triệu chứng phù nề và ngứa do các chất trung gian hóa học gây nên;
- Do khả năng vượt qua hàng rào máu não của thuốc Terfenadine không dễ dàng nên tác dụng gây ức chế thần kinh trung ương của thuốc ở mức rất thấp, không đáng kể.
2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Terfenadine
Terfenadine trong đa số trường hợp được sử dụng phổ biến để điều trị bệnh lý viêm mũi dị ứng, có thể kèm theo sốt và biểu hiện dị ứng trên da.
Ngoài ra, một số trường hợp có thể sử dụng thuốc Terfenadine để hỗ trợ giảm các triệu chứng dị ứng như sau:
- Ngứa mắt, chảy nước mắt;
- Hắt hơi, chảy nước mũi;
- Ngứa;
- Biểu hiện kích ứng.
Một số trường hợp chống chỉ định sử dụng thuốc Terfenadin:
- Tiền sử từng được ghi nhận tình trạng dị ứng với Terfenadine hoặc các thuốc kháng Histamin khác;
- Mẫn cảm với với bất cứ thành phần nào khác có trong thuốc Terfenadine.
3. Hướng dẫn sử dụng thuốc Terfenadine
Người bệnh sử dụng thuốc Terfenadine bằng đường uống, kèm theo một lượng nước vừa đủ.
Liều dùng thuốc Terfenadine phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, giữa những người bệnh khác nhau sẽ dùng liều khác nhau và cụ thể như sau:
- Người trên 12 tuổi và cân nặng trên 50 kg:
- Sử dụng 60 – 120mg/ngày, uống 1 lần duy nhất vào buổi sáng;
- Hoặc có thể uống 60mg/lần, 2 lần mỗi ngày;
- Liều dùng tối đa là 120mg/ngày;
- Các trường hợp suy thận: Nếu độ thanh thải creatinin dưới 40 ml/phút thì khuyến cáo giảm liều còn 1⁄2 liều thông thường.
4. Tác dụng phụ của thuốc Terfenadine
Bên cạnh các tác dụng điều trị, việc sử dụng thuốc Terfenadine có thể dẫn đến một số tác dụng phụ không mong muốn. Đây là vấn đề mà rất nhiều người dùng cảm thấy lo lắng vì những lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Theo đó, một số tác dụng phụ thường gặp trong quá trình uống thuốc Terfenadine bao gồm:
- Cảm giác lo lắng, hồi hộp, đánh trống ngực;
- Rối loạn giấc ngủ, hay gặp là tình trạng mất ngủ;
- Các triệu chứng rối loạn đường tiêu hóa mức độ nhẹ;
- Nổi ban đỏ đa dạng ngoài da;
- Tiết sữa bất thường ở nữ giới (galactorrhoea).
Một số trường hợp hiếm gặp sử dụng thuốc Terfenadine và gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn như sau:
- Rối loạn nhịp thất, bao gồm cả tình trạng xoắn đỉnh;
- Đánh trống ngực, tim đập nhanh;
- Chóng mặt, ngất xỉu hoặc thậm chí co giật do rối loạn nhịp tim gây ra;
- Viêm gan;
- Nghiêm trọng nhất là tử vong.
5. Một số tương tác thuốc của Terfenadine
- Kháng nấm Triazole và Imidazole;
- Thuốc kháng sinh nhóm macrolid, như erythromycin, azithromycin...;
- Kháng sinh streptogramin;
- Thuốc ức chế chọn lọc tái hấp thu serotonin;
- Các thuốc ức chế protease HIV;
- Thuốc ức chế men sao chép ngược;
- Ngoài ra, thuốc Terfenadine có thể xảy ra tương tác với các thuốc chống loạn nhịp khi dùng đồng thời.
6. Một số lưu ý khi dùng thuốc Terfenadine
- Cần tuyệt đối thận trọng khi sử dụng thuốc Terfenadine trên các đối tượng đặc biệt như trẻ em và người cao tuổi;
- Hạn chế và tốt nhất không chỉ định Terfenadine cho các bệnh nhân đã chẩn đoán xác định mắc bệnh tim mạch hoặc bệnh gan.
- Ngoài ra, cẩn thận khi sử dụng thuốc Terfenadine cho những trường hợp rối loạn hay mất cân bằng các chất điện giải hoặc xác định chính xác/nghi ngờ tình trạng kéo dài khoảng QT trên ECG.
- Phụ nữ có thai và phụ nữ cho con bú cần thận trọng những vấn đề sau: Đối tượng này cần cân nhắc cẩn thận trước khi sử dụng Terfenadine, trong đó phải đảm bảo lợi ích điều trị cho mẹ bên cạnh những rủi ro nguy hại cho sức khỏe thai nhi và trẻ bú mẹ;
Việc sử dụng Terfenadine phải đảm bảo tính hiệu quả và mức độ an toàn tuyệt đối. Do đó, người bệnh cần thông báo với bác sĩ tình trạng sức khoẻ của bản thân, từ đó nhận được những lời khuyên phù hợp về việc có nên dùng thuốc Terfenadine hay không và dùng với liều lượng như thế nào để đảm bảo an toàn.
Thận trọng sử dụng Terfenadine cho người lái xe và vận hành máy móc:
- Tình trạng đau đầu, chóng mặt khi dùng thuốc Terfenadine là rất hiếm gặp nhưng thực tế vẫn ghi nhận ở một số ít người bệnh;
- Do đó cần phải thật thận trọng khi dùng Terfenadine cho những bệnh nhân đòi hỏi sự tập trung cao độ khi làm việc như khi lái xe hoặc điều khiển máy móc phức tạp.
7. Xử trí khi quên một liều Terfenadine
- Người bệnh cần uống thuốc ngay sau khi nhớ ra;
- Nếu liều đã quên gần kề so với liều Terfenadine kế tiếp thì không cần uống bù mà hãy uống theo lịch trình bình thường;
- Tuyệt đối không tự ý dùng gấp đôi liều Terfenadine với mục đích bù đắp cho liều đã quên.
Các chuyên gia khuyến cáo cách bảo quản thuốc Terfenadine như sau:
- Để thuốc Terfenadine tránh xa tầm tay của trẻ em và vật nuôi trong nhà;
- Bảo quản thuốc Terfenadine ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời hoặc để ở những nơi ẩm ướt;
- Nhiệt độ bảo quản tốt nhất là từ dưới 25 độ C;
- Khi thuốc Terfenadine có dấu hiệu ẩm mốc hay thay đổi màu sắc thì tuyệt đối không được sử dụng. Ngoài ra, khi thuốc đã hết hạn thì nên loại bỏ đúng cách.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.