Thuốc Scilin M30 40IU chứa hoạt chất insullin, thuốc được chỉ định trong điều trị đái tháo đường phụ thuộc insullin (tuýp 1). Cùng tìm hiểu về công dụng và các lưu ý khi sử dụng thuốc Scilin M30 40IU qua bài viết dưới đây.
1. Công dụng của thuốc Scilin m30 40iu
1.1. Chỉ định
Thuốc Scilin M30 chứa hoạt chất insullin được chỉ định trong các trường hợp sau đây:
- Người bệnh bị đái tháo đường tuýp 1 (đái tháo đường phụ thuộc insullin);
- Người bệnh bị đái tháo đường tuýp 2 (đái tháo đường không phụ thuộc insullin) khi điều trị bằng các thuốc chống đái tháo đường tổng hợp không hiệu quả, hôn mê đái tháo đường, nhiễm toan máu, nhiễm khuẩn nặng hoặc khi phải thực hiện phẫu thuật lớn;
- Cấp cứu tăng đường huyết trong các trường hợp sau: Hôn mê tăng đường huyết, đái tháo đường nhiễm acid cetonic, tăng thẩm thấu không nhiễm toan ceton;
- Sử dụng ở người bệnh truyền tĩnh mạch dung dịch tăng dinh dưỡng nhưng kém dung nạp glucose;
- Người bệnh bị bệnh võng mạc tiến triển do đái tháo đường;
- Đái tháo đường thai kỳ
1.2. Dược lực học
Hormone Insulin do tế bào beta của đảo Langerhans tuyến tụy tiết ra. Yếu tố điều hòa sự tiết insulin là nồng độ glucose máu. Ở người bình thường, quá trình tiết insulin xảy ra không đều, trong đó tiết nhiều nhất là vào bữa ăn. Tác dụng của insulin lên sự ổn định nồng độ đường huyết có được sau khi insulin gắn vào thụ thể đặc hiệu trên bề mặt tế bào của mô nhạy cảm với insulin, đặc biệt là cơ vân, mô mỡ và gan.
Insulin hoạt động ức chế quá trình tạo glucose tại gan, tăng sử dụng glucose ở ngoại vi và từ đó làm giảm nồng độ glucose trong máu. Ngoài ra, insulin còn ức chế quá trình phân giải mô mỡ, ngăn chặn sự tạo thành các thể ceton. Tác dụng đồng hóa của insulin do ảnh hưởng lên quá trình chuyển hóa lipid, glucid và protid. Thuốc bị phân hủy ở các mô cơ, gan và thận.
Insulin được sử dụng trong phác đồ điều trị thay thế ở người bệnh thiếu hụt một phần hoặc hoàn toàn insulin trong cơ thể. Insulin người được bào chế theo công nghệ DNA tái tổ hợp dùng một chủng phòng thí nghiệm không gây bệnh của Escherichia coli.
1.3. Dược động học
Ở người bình thường khoảng 5% insulin gắn với protein huyết tương, dịch não tủy được phát hiện là nơi có độ tập trung insulin khoảng 25% hàm lượng insullin trong huyết thanh. Thuốc được chuyển hóa tại thận và gan, một số ít được chuyển hóa trong cơ, mô mỡ.
Chuyển hóa insulin ở người bình thường và người bệnh đái tháo đường là giống nhau. Phần lớn thuốc được thải trừ qua thận, một lượng nhỏ được thải trừ qua mật. Thời gian bán thải (t1/2) của insullin đạt khoảng 4 phút. Suy thận, suy gan có thể làm tăng thời gian bán thải của thuốc. Người cao tuổi thì quá trình thải trừ insulin chậm hơn, tác dụng hạ đường huyết kéo dài hơn.
2. Liều dùng và cách dùng thuốc Scilin m30 40iu
2.1. Cách dùng
Thuốc scilin M30 40IU được dùng bằng tiêm dưới da, chỉ một số trường hợp ngoại lệ mới dùng đường tiêm bắp. Tiêm thuốc vào các vị trí đùi, bụng, mặt ngoài bắp tay, mông. Tiêm thuốc trước bữa ăn 30 phút. Các bước thực hiện như sau:
- Vệ sinh tay sạch sẽ trước khi tiêm;
- Làm sạch vị trí cần tiêm bằng cồn y tế;
- Làm sạch nút cao su trên lọ (lưu ý không mở nắp cao su ra);
- Lắc nhẹ lọ thuốc để phần dung dịch trong lọ được trở nên đồng nhất;
- Dùng bơm tiêm vô trùng cắm xuyên qua nút cao su, hút lượng thuốc cần dùng;
- Thực hiện tiêm thuốc dưới da theo đúng kỹ thuật.
2.2. Liều dùng
Liều dùng thuốc phụ thuộc vào tình trạng người bệnh và được điều chỉnh theo kết quả giám sát đều đặn nồng độ glucose máu. Người bệnh cần sử dụng thuốc theo đúng liều lượng chỉ định của bác sĩ điều trị. Liều dùng khuyến cáo của thuốc scilin M30 40IU như sau:
Liều khởi đầu thông thường ở người trưởng thành: Khoảng 20 – 40IU/ngày, tăng liều khoảng 2IU/ngày đến khi đạt được nồng độ glucose mong muốn trong máu. Tổng liều dùng trong ngày không quá 80IU.
Nhiễm toan ceton, hôn mê đái tháo đường: Sử dụng Insullin để xử trí cấp cứu nhiễm toan ceton do đái tháo đường. Lưu ý chỉ sử dụng insulin tác dụng ngắn hòa tan. Điều chỉnh liều thuốc theo nồng độ glucose máu.
Trẻ em dưới 12 tuổi: Liều thuốc khởi đầu được khuyến cáo sử dụng ở trẻ em phát hiện sớm tăng glucose huyết trung bình và không xuất hiện tình trạng ceton niệu là khoảng từ 0,3 – 0,5IU/kg/ngày tiêm dưới da.
Người bệnh suy thận, suy gan, người già trên 65 tuổi: Liều dùng và cách dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị, tùy thuộc vào nhu cầu của người bệnh.
2.3. Quá liều và cách xử trí
Các triệu chứng khi dùng quá liều thuốc: Cảm giác lo âu, đói dữ dội, vã mồ hôi, run tay chân, khó tập trung, nôn. Trường hợp người bệnh bị hạ đường huyết nhẹ chỉ cần ăn thức ăn có chứa hydratcarbon, uống nước ngọt... Bên cạnh đó, người bệnh nên được nghỉ ngơi. Hạ đường huyết nghiêm trọng có thể dẫn đến mất ý thức, co giật hoặc tử vong.
Cách xử trí: Trường hợp người bệnh bị hôn mê cần truyền glucose vào tĩnh mạch. Sử dụng quá liều thuốc Insulin sẽ dẫn đến tình trạng giảm kali máu, từ đó làm giảm trương lực cơ. Trong trường hợp hạ đường huyết cấp và người bệnh không thể ăn uống thì nên tiêm 1g glycogen vào cơ hoặc tiêm tĩnh mạch glucose.
3. Tác dụng phụ thuốc Scilin m30 40iu
Thuốc Scilin M30 có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như sau:
- Hạ đường huyết: Tác dụng phụ này thường xuất hiện đột ngột với các triệu chứng như hoa mắt, đổ mồ hôi, cảm giác đói, run tay chân, lo âu, cảm giác kiến bò ở tay chân, lưỡi hoặc môi, mất ngủ, rối loạn tập trung, rối loạn giấc ngủ, giãn đồng tử, mất kiểm soát, rối loạn lời nói, rối loạn thị giác, dễ cáu kỉnh. Hạ đường huyết nghiêm trọng có thể dẫn đến suy giảm chức năng não tạm thời, bất tỉnh hoặc tử vong;
- Tăng đường huyết: Có thể dẫn đến nôn, buồn nôn, đỏ mặt, buồn ngủ, khô miệng, khát nước, tăng niệu, chán ăn, hơi thở có mùi ceton, mất nước, hôn mê và tử vong;
- Khác: Đề kháng insulin, dị ứng với insulin, loạn mỡ sau tiêm (phì đại mô mỡ hoặc teo mỡ).
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Scilin m30 40iu
4.1. Chống chỉ định
Chống chỉ định sử dụng thuốc scilin M30 40IU trong những trường hợp sau:
- Người đang bị hạ đường huyết;
- Quá mẫn với insulin hay bất kỳ thành phần nào của thuốc Scilin M30 40IU;
- Người bệnh điều trị bằng insulin đơn thuần tác dụng trung gian và tác dụng kéo dài trong trường hợp hôn mê đái tháo đường, nhiễm toan máu.
4.2. Thận trọng khi sử dụng
Chỉ bác sĩ điều trị mới có thể thay đổi liều dùng và các dạng phối hợp insulin. Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị nếu xuất hiện bất kỳ biểu hiện sớm của dị ứng với insulin cũng như các loại thuốc khác, các loại đồ ăn, thức uống...
Trong thời gian điều trị bằng insulin, người bệnh cần theo dõi lượng đường huyết trong máu và trong nước tiểu, nồng độ HbA1C, nồng độ đường fructose trong máu. Bên cạnh đó, người bệnh cần học cách tự kiểm tra lượng đường máu và nước tiểu bằng các xét nghiệm đơn giản.
Triệu chứng hạ đường huyết do thuốc xảy ra khác nhau ở từng người. Vì vậy, người bệnh cần học cách tự nhận biết các triệu chứng hạ đường huyết cho bản thân. Trường hợp xảy ra tình trạng hạ đường huyết, thậm chí ở mức độ nhẹ cũng cần thông báo cho bác sĩ để thay đổi liều dùng insulin hoặc chế độ ăn uống.
Sử dụng thuốc cần kết hợp với chế độ dinh dưỡng và luyện tập hiệu quả. Nhu cầu insulin giảm trong trường hợp tăng hoạt động thể lực, vận động mạnh mà việc tiêm insulin sẽ thúc đẩy hạ đường huyết xảy ra nhanh hơn.
Khả năng lái xe, vận hành máy móc: Các rối loạn về khả năng lái xe, vận hành máy móc khi mới điều trị bằng insulin có thể xảy ra.
Phụ nữ đang mang thai: Phụ nữ đang mang thai bị bệnh đái tháo đường vẫn được điều trị bằng insulin. Duy trì nồng độ đường huyết trong thời gian thai kỳ vô cùng quan trọng, bởi tăng đường huyết ở phụ nữ đang mang thai có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ, nhu cầu sử dụng insulin giảm nhanh nên cần thiết phải giảm liều trong giai đoạn này. Trong giai đoạn 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ, liều thuốc thông thường bằng 75% liều thuốc trước khi mang thai.
Phụ nữ đang cho con bú: Trong thời gian cho con bú, người bệnh vẫn có thể điều trị bằng insulin, bởi hormon này được hòa tan trong đường tiêu hóa. Nhu cầu insulin khi đang cho con bú thấp hơn khi có thai và trở về bình thường sau khoảng 6 – 9 tháng.
5. Tương tác thuốc Scilin m30 40iu
Các thuốc chống tăng huyết áp, thuốc hạ lipid máu, thuốc tim mạch, thuốc điều trị động kinh, thuốc thay thế tuyến giáp, các salicylate, thuốc tránh thai dạng viên, thuốc kháng sinh... có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị và tác dụng của insulin.
Các thuốc làm tăng tác dụng của insulin bao gồm: Chất ức chế men MAO, chất ức chế ACE, thuốc chẹn kênh beta, Chloroquine, methyldopa, pentamine, clonidine, steroid đồng hóa, kháng sinh nhóm sulfonamid, tetracycline, cồn ethyl.
Các thuốc làm giảm tác dụng của insulin: Dobutamine, Diltiazem, phenothiazine, hormone giáp trạng, phenytoin, calcitonin, thuốc kháng virus điều trị HIV, corticoisteroid, vitamin và thuốc lợi tiểu.
Thuốc Scilin M30 40IU chứa hoạt chất insullin, thuốc được chỉ định trong điều trị đái tháo đường. Để đảm bảo hiệu quả và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.