Ipadox Capsule là thuốc thuộc nhóm kháng sinh chuyên dùng điều trị các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi đơn, nhiễm khuẩn đường hô hấp, đường tiết niệu, da và mô mềm. Thuốc được bào chế dưới dặng viên nang cứng với thành phần là Doxycyclin hyclat 100 mg. Để hiểu rõ về công dụng và liều dùng của thuốc Ipadox Capsule, tham khảo bài viết dưới đây.
1. Thuốc Ipadox Capsule là gì?
Ipadox Capsule là thuốc kháng sinh có thành phần chính là Doxycylin, dùng trong điều trị các bệnh nhiễm khuẫn đường hô hấp, tiết niệu, da.
Kháng sinh Doxycylin trong Ipadox Capsule là kháng sinh thuộc nhóm tetracylin, được tổng hợp từ oxytetracylin. Đây là một trong những kháng sinh có phổ kháng khuẩn rộng và có tác dụng kìm khuẩn.
2. Tác dụng của thuốc Ipadox Capsule
Với phổ kháng khuẩn rộng, thuốc Ipadox Capsule có tác dụng lên cả các vi khuẩn kị khí và hiếu khí Gram dương và Gram âm. Do đó, thuốc Ipadox Capsule được dùng điều trị ở các bệnh nhiễm trùng thường gặp
2.1.Dược động học của thuốc Ipadox Capsule
Thuốc được hấp thu gần như toàn bộ qua đường tiêu hóa. 80-95% Ipadox Capsule trong máu được gắn vào protein huyết tương. Sau khi gắn vào huyết tương, Doxycilin trong Ipadox Capsule sẽ phân bố vào các mô và dịch tiết như nước tiểu và tuyến tiền liệt. Doxycilin thường tích lũy trong lá lách, tủy xương và tế bào lưới ở gan.
Thời gian thải trừ của Doxycilin trong Ipadox Capsule sẽ từ 12-24h, đường thải trừ thông thường là qua phân và nước tiểu. Nhờ đường thải trừ này nên Ipadox Capsule an toàn khi dùng trong điều trị nhiễm khuẩn ở bệnh nhân suy thận và điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
2.2 Chỉ định dùng thuốc Ipadox Capsule
Bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp: Viêm phổi do vi khuẩn Chlamydia pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae. Người bệnh bị viêm phế quản mạn tính, viêm xoang. Ngoài ra, các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới do các chủng vi khuẩn nhạy cảm của Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, Klebsiella pneumoniae và các vi khuẩn khác.
Bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Nhiễm khuẩn gây ra bởi các chủng Klebsiella, Enterobacter Spp,.... Viêm nhiễm niệu đạo không đặc hiệu gây ra do chủng Ureaplasma urealyticum.
Bệnh nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục: Lậu, giang mai, nhiễm khuẩn nội mạc tử cung, hậu môn, nhiễm khuẩn niệu đạo không biến chứng, viêm niệu đạo.
Đây là một kháng sinh thuộc nhóm tetracylin, nên thuốc Ipadox Capsule cũng được dùng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn có đáp ứng với nhóm kháng sinh này, cụ thể như sau
- Nhiễm khuẩn da và mô mềm: chốc lở, mụn nhọt, viêm mô tế bào và áp xe trên da, nhiễm khuẩn vết thương, viêm quanh móng do chủng vi khuẩn Staphylococcus aureus và albus. Streptococcus,
- Đau mắt hột do các chuẩn vi khuẩn nhạy cảm với Gonococcus, Staphylococcus và Haemophilus influenzae.
- Sốt phát ban Rocky Moutain, viêm nội tâm mạc do Coxiella và sốt ve.
- Điều trị bệnh tả, bệnh Melioidosis, nhiễm Leptospira, sốt rét do falciparum.
- Dự phòng sốt rét ở vùng có chủng ký sinh trùng.
- Điều trị bệnh viêm nha chu
- Điều trị bệnh than do Bacillus anthracis
3. Chống chỉ định dùng Ipadox Capsule
Không dùng Ipadox Capsule phối hợp với retinoid
Không dùng Ipadox Capsule ở trẻ em dưới 8 tuổi
Đối với bệnh nhân có tiền sử mẫn cảm, phản ứng dị ứng với tetracylin tuyệt đối không được dùng Ipadox Capsule.
4. Liều dùng thuốc Ipadox Capsule
Theo khuyến cáo của dược sĩ và bác sĩ, thời điểm dùng thuốc Ipadox Capsule tốt nhất là sau bữa ăn. Uống thuốc ở tư thế đứng hoặc ngồi thẳng với một ly nước đầy.
- Người lớn: Để điều trị bệnh nhiễm khuẩn hiệu quả thì liều tấn công duy nhất với vi khuẩn sẽ là 2 viên trong ngày đầu tiên. Sau đó, mỗi ngày uống một viên vào cùng thời điểm ngày thứ nhất. Nếu tình trạng nhiễm khuẩn trầm trọng, liều dùng có thể được tăng lên 1 viên trong vòng 12 giờ.
- Trẻ em trên 8 tuổi: 4mg/kg/ngày.
- Trong điều trị nhiễm trùng Streptococcus: 10 ngày để phòng ngừa sốt và viêm thận tiểu cầu
- Trong điều trị bệnh lậu cấp: 3 viên trong ngày đầu tiên, gồm 2 viên lúc bắt đầu và 1 viên lúc tối trước khi đi ngủ. Sau liều đầu tiên thì 2 viên/ngày uống vào buổi sáng và chiều, dùng liên tục trong 3 ngày.
- Trong điều trị nhiễm trùng niệu đạo không gây biến chứng, nhiễm trùng nội mạc tử cung: 1 viên/lần, ngày uống 2 lần, thời gian dùng thuốc là 10 ngày.
Thuốc Ipadox Capsule sẽ bị giảm tác dụng nếu người bệnh dùng chung với thuốc kháng acid chứa nhôm, calci hoặc magie. Ngoài ra, khi dùng chung với barbiturat, phenytoin và carbamazepin cũng làm giảm thời gian bán thải của Ipadox Capsule.
5. Tác dụng phụ thuốc Ipadox Capsule
Những tác dụng phụ ghi nhận hiện nay trên thuốc Ipadox Capsule là buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, nôn mửa và tiêu chảy. Khi gặp các triệu chứng này, hãy báo cho bác sĩ để đánh giá tình trạng nghiêm trọng và tham khảo ý kiến, chỉ định của bác sĩ để biết có nên ngưng dùng thuốc Ipadox Capsule hay không.
Ở các trường hợp tác dụng phụ hiếp gặp, triệu chứng là loét thực quản, nếu gặp phải tình trạng này thì nên dừng thuốc.
Là một trong những dòng thuốc kháng sinh điều trị bệnh nhiễm khuẩn thường gặp hiện nay, thuốc Ipadox đã được ghi nhận về mặt hiệu quả khá đáng kể. Thuốc Ipadox Capsule dạng viên là thuốc kê đơn, dùng theo toa và sự giám sát của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.