Thuốc bôi Ketoconazole là nhóm thuốc chống nấm. Thuốc có tác dụng tốt trong điều trị các bệnh do nhiễm vi nấm ngoài da như: nhiễm nấm ở thân (hắc lào, lác), nấm ở bàn tay, bàn chân, nấm ở bẹn. Đồng thời, kem bôi da Ketoconazole cũng có công dụng trong điều trị nhiễm vi nấm Candida ngoài da, lang ben da và bệnh viêm da tiết bã.
1. Thuốc bôi Ketovazol là gì?
Thuốc bôi Ketoconazole là thuốc kháng nấm phổ rộng, tác dụng trên nhiều loại nấm gây bệnh. Trong đó, có thể kể đến các loại nấm bề mặt da và niêm mạc và nấm nội tạng. Ngoài ra, kem bôi Ketoconazole còn có tác dụng đối với một số vi khuẩn gram dương.
1.1. Dược lực học của thuốc Ketoconazole
Thuốc bôi Ketoconazol là một dẫn xuất dioxolane imidazol tổng hợp có hoạt tính diệt bệnh nấm hoặc kìm hãm sự phát triển của nấm đối với vi nấm ngoài da nấm men (như nấm Candida, pityrosporum, Torulopsis, Cryptococcus), các nấm nhị độ và các eumycetes.
Thuốc Ketoconazole kém nhạy cảm hơn với những chủng nấm như Aspergillus, Sporothrix schenckii, một số Dematiaceae, các chủng Mucor và các phycomycetes khác ngoại trừ Entomophthorales. Ketoconazol có khả năng ức chế sự sinh tổng hợp ergosterol ở nấm và làm thay đổi các thành phần lipid khác ở màng tế bào vi nấm. Cho đến nay người ta chưa thấy có sự phát sinh đề kháng thuốc trong khi đang điều trị bệnh với thuốc Ketoconazol.
1.2. Dược động học thuốc Ketoconazole
- Khả năng hấp thu: Trung bình thời gian để thuốc đạt được nồng độ đỉnh trong huyết tương xấp xỉ 3,5 mcg/ml trong vong 1-2 giờ sau khi uống một liều 200 mg trong bữa ăn. Sự thải trừ thuốc trong huyết tương sau đó có 2 pha với thời gian bán thải là khoảng là 2 thời điểm trong 10 giờ đầu và 8 giờ sau đó. Sau khi hấp thu từ đường tiêu hóa, thuốc Ketoconazol được chuyển đổi thành một số chất chuyển hóa không có hoạt tính.
- Khả năng phân bố: In vitro, sự gắn protein huyết tương khoảng 99%, chủ yếu là albumin. Chỉ có một tỷ lệ không đáng kể thuốc Ketoconazole có thể vào dịch não tủy. Ketoconazole là thuốc có tính kiềm yếu và như vậy cần môi trường acid để hòa tan và hấp thu thuốc.
- Khả năng chuyển hóa: Ðường chuyển hóa chính được biết của thuốc thông qua quá trình oxy hóa thoái giáng các vòng imidazole và piperazine, sự khử alkyl oxy hóa và hydroxy hóa vòng nhân thơm.
- Khả năng thải trừ: Khoảng 13% liều dùng của thuốc sẽ được bài xuất qua nước tiểu, trong đó 2-4% ở dạng không chuyển hóa. Ðường bài xuất chủ yếu là qua đường mật vào ống tiêu hóa.
2. Tác dụng của kem bôi da Ketovazol
Cơ chế tác dụng: Thuốc bôi Ketoconazol và các thuốc chống nấm nhóm azol đều ức chế alpha demethylase. Đây là loại enzyme tham gia vào quá trình tổng hợp ergosterol). Do đó, thuốc Ketoconazol ngăn cản quá trình tổng hợp ergosterol và lipid của màng tế bào nấm. Kết quả là làm thay đổi tính thấm của màng tế bào, ức chế chức năng màng và ức chế khả năng phát triển của nấm. Liều dùng thấp của thuốc có tác dụng kìm hãm sự phát triển của nấm, còn dùng thuốc liều cao thì có tác dụng tiêu diệt nấm.
Thuốc Ketoconazole được chỉ định điều trị trong những bệnh lý sau:
- Nhiễm nấm ở da, tóc và móng nguyên nhân do vi nấm ngoài da và/hoặc nấm men (như nấm da cạn, nấm móng, nhiễm Candida quanh móng, lang ben, nấm da đầu, viêm nang lông nguyên nhân do Pityrosporum, nhiễm vi nấm Candida niêm mạc và da mãn tính) mà các trường hợp nhiễm này không thể điều trị tại chỗ được nguyên nhân do vị trí hoặc do sự lan rộng của tổn thương, hoặc do nhiễm vi nấm sâu ở da, hay không đáp ứng với điều trị tại chỗ.
- Nhiễm nấm men ở đường tiêu hóa.
- Nhiễm candida âm đạo tái phát hay mãn tính mà không đáp ứng với phương pháp điều trị tại chỗ.
- Nhiễm nấm nội tạng như nhiễm nấm Candida nội tạng, nhiễm các loại nấm như Paracoccidioides, Histoplasma, Coccidioides, Blastomyces.
- Khi dùng theo đường uống thì thuốc Ketoconazole có tác dụng trong điều trị dự phòng cho những người bị giảm sút cơ chế đề kháng (nguyên nhân do di truyền, do bệnh lý, hoặc do sử dụng thuốc) với nguy cơ gia tăng những loại nhiễm vi nấm. Thuốc không thể thâm nhập vào hệ thần kinh trung ương, vì vậy không nên điều trị thuốc trong bệnh viêm màng não do nấm bằng Ketoconazole theo đường uống.
3. Tác dụng không mong muốn của thuốc bôi Ketovazol
- Những phản ứng phụ không mong muốn thường gặp nhất được ghi nhận có liên quan đến việc sử dụng thuốc Ketoconazol là phản ứng phụ trên đường tiêu hóa: rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, đau bụng và tiêu chảy.
- Những phản ứng ngoại ý ít gặp hơn được ghi nhận bao gồm nhức đầu, sự tăng có hồi phục các men gan, rối loạn kinh nguyệt, choáng váng, sợ ánh sáng và những phản ứng dị ứng khác.
- Những tác dụng ngoại ý được ghi nhận với tần suất thấp là giảm tiểu cầu, hói đầu (rụng tóc), bất lực và tăng áp lực nội sọ có hồi phục (như phù gai thị, thóp phồng ở trẻ nhỏ).
- Trong một số rất ít các trường hợp, với liều lượng cao hơn liều điều trị 200mg và 400mg mỗi ngày, có thể xuất hiện chứng vú to và thiếu sản tinh trùng có hồi phục. Ở liều điều trị 200mg/ ngày, nghiên cứu chỉ ra rằng thấy sự giảm tạm thời nồng độ testosterone trong huyết tương.
- Nồng độ testosterone trở về bình thường trong vòng 24 giờ sau khi điều trị với thuốc Ketoconazol. Trong thời gian dùng thuốc Ketoconazol có thể bị viêm gan (đa số do đặc ứng) có thể xảy ra. Tình trạng này thường hồi phục nếu lập tức ngừng việc sử dụng thuốc.
4. Liều dùng và cách dùng thuốc bôi Ketovazol
Sử dụng thuốc bôi Ketovazol lên vùng da bị nhiễm & vùng da xung quanh, ngày 1 – 2 lần.
Thời gian điều trị bệnh là khoảng 2 – 4 tuần, trường hợp nặng có thể đến 6 tuần. Điều trị bệnh nên tiếp tục đủ thời gian, ít nhất 1 vài ngày sau khi tất cả các dấu hiệu của bệnh biến mất. Các biện pháp vệ sinh cơ thể nói chung nên được chú ý để kiểm tra các nguồn gây nhiễm hay tái nhiễm.
5. Tương tác của thuốc bôi Ketovazol
Thuốc bôi Ketovazol có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của các thuốc khác mà bạn đang sử dụng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra. Để hạn chế tối đa tình trạng tương tác thuốc xảy ra, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và các loại thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ điều trị hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi sử dụng thuốc bôi Ketovazol, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng sử dụng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự đồng ý của bác sĩ điều trị bệnh.
6. Lưu ý khi sử dụng thuốc bôi Ketovazol
Không nên sử dụng thuốc Ketoconazol cho những người có bệnh lý gan cấp hay mãn tính hoặc những người dị ứng hay quá mẫn với thuốc.
Chống chỉ định sử dụng thuốc Ketoconazol cùng với những thuốc sau terfenadine, pimozide, quinidine, astemizol, cisaprid, triazolam, midazolam theo đường uống, thuốc ức chế HMG-CoA reductase được chuyển hoá bởi CYP3A4: simvastatin, lovastatin.
Với phụ nữ đang mang thai: Thuốc Ketoconazol có thể qua được nhau thai nhưng vẫn chưa có nghiên cứu đầy đủ ở người. Thuốc chỉ được sử dụng cho những người mang thai khi bác sĩ điều trị cân nhắc giữa lợi ích điều trị cao hơn các nguy cơ có thể xảy ra cho thai nhi.
Thời kỳ cho con bú: Thuốc Ketoconazol có thể bài tiết vào sữa, do đó người mẹ đang điều trị bằng thuốc Ketovazol 2% không nên cho trẻ bú sữa mẹ.
7. Cách bảo quản thuốc bôi Ketovazol
Khi bảo quản thuốc, bạn cần lưu ý một số điểm như sau:
- Giữ thuốc ở những nơi khô ráo, nhiệt độ dưới 30 độ C.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng.
- Để xa tầm tay với của trẻ em và vật nuôi trong gia đình.
- Tuyệt đối không sử dụng thuốc Quazimin khi đã hết hạn sử dụng in trên bao bì.
Thuốc bôi là Ketovazol kháng sinh có tác dụng điều trị bệnh da liễu cụ thể là bệnh nấm trên da. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn, bạn nên chú ý đọc kỹ hướng dẫn hoặc tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.