Công dụng của cây rau sam

Rau sam là loại cây quen thuộc trong đời sống con người. Bên cạnh công dụng là thực phẩm giàu dinh dưỡng, cây rau sam còn là vị thuốc trong nhiều bài thuốc Dông y chữa bệnh. Vậy công dụng của cây rau sam là gì? Bạn hãy tim hiểu thông tin ngay trong bài viết sau đây.

1. Đặc điểm cây

Cây rau sam còn được gọi là trường thọ thái, mã xỉ hiện hay mã xỉ thái, có tên khoa học là Portulaca oleracea L. – thuộc họ rau sam (Portulacaceae). Đây là loại thực vật thân cỏ sống lâu năm và có những đặc điểm như sau:

  • Thân cây có màu đỏ tía, trơn nhẵn và mọc bò trên mặt đất. Chiều dài trung bình của cây khoảng từ 10 – 30cm;
  • Lá cây trơn bóng hình bầu dục dài và thường không có cuống, chiều rộng khoảng 8 – 14mm, chiều dài khoảng 1.5 – 2cm. Lá cây mọc theo xu hướng vòng quanh các hoa;
  • Hoa không có cuống mọc ở đầu ngọn, hoa nhỏ và có màu vàng tươi;
  • Quả cây có hình cầu, chứa nhiều hạt bên trong, hạt màu đen bóng;
  • Rễ cây rau sam có nhiều rễ con dạng sợi và rễ cái. Cây rau sam dễ phát triển và có thể sống ở những nơi đất cứng khô, nghèo dinh dưỡng.

Hầu hết các bộ phận của cây đều được dùng làm thuốc, trừ rễ. Dược liệu thường được thu hái vào mùa hè, mùa thu. Thông thường chỉ dùng loại cây sam có thân to và đỏ tươi. Dược liệu sau khi thu hái có thể được dùng tươi hoặc đem phơi khô cất dùng dần. Các cách chế biến rau sam dùng trong các bài thuốc chữa bệnh như sau:

  • Giã nát rau sam với một ít muối, dùng đắp trực tiếp vào vết thương hoặc vắt lấy nước uống;
  • Rau sam được rửa sạch, giã nát và đem phơi khô. Dược liệu khô cần được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát;
  • Rau sam dùng ăn có thể nấu cùng các loại rau khác.

Các nghiên cứu khoa học được thực hiện nhằm xác định công dụng của cây rau sam đối với sức khỏe con người cho thấy, loại cây này chứa nhiều vitamin và khoáng chất như vitamin C, A, acid folic, sắt và choline. Rau sam không chứa chất béo hay cholesterol xấu nên được xem là loại rau thanh đạm lý tưởng. Theo đó, 100g rau sam chứa 93g nước nên chúng có tác dụng thải độc tố tốt; các chất khoáng vi lượng quý như magie, đồng, kẽm và mangan có hoạt tính chống khối u...


Công dụng của cây rau sam được nhiều người quan tâm
Công dụng của cây rau sam được nhiều người quan tâm

2. Tác dụng của cây rau sam

Những tác dụng của cây rau sam đối với sức khỏe con người đã được chứng minh trong cả Y Học Hiện Đại và Y Học Cổ Truyền như sau:

Công dụng trong Y Học Cổ Truyền: Theo Y Học Cổ Truyền, cây rau sam có tính hàn, vị chua không có độc, quy vào kinh Phế, Tâm và Tỳ. Rau sam chứa kháng sinh tự nhiên, có khả năng tiêu thũng giải độc nên có công dụng như sau:

  • Dược liệu có vị chua nên rất tốt trong kích thích tiêu hóa, tính hàn có công dụng thanh nhiệt để điều trị các chứng nóng ngoài, nóng trong vào mùa hè;
  • Hàm lượng kháng sinh tự nhiên trong dược liệu có công dụng sát khuẩn, điều trị các bệnh lý như viêm đường tiết niệu, mẩn ngứa ngoài da, giun sán đường ruột và các chứng lỵ...;
  • Rau sam có khả năng tiêu thũng giải độc nên có công dụng điều trị chứng đầy bụng, trướng bụng, mụn nhọt mẩn ngứa ngoài da, sưng đau ngoài da.

Công dụng trong Y Học Hiện Đại:

  • Rau sam có công dụng ức chế sự phát triển của trực khuẩn lỵ và vi khuẩn thương hàn. Cồn chiết xuất từ rau sam có tác dụng ức chế trực khuẩn E.coli;
  • Hàm lượng axit béo trong Omega 3 có công dụng tăng cường hệ miễn dịch, giảm cholesterol máu, bảo vệ mạch máu và ngăn ngừa các bệnh lý về tim mạch;
  • Các chất khoáng trong dược liệu như mangan, kẽm, đồng và magie có công dụng chống khối u;
  • Hoạt chất trong dược liệu rau sam có công dụng hoạt hóa thần kinh dopamine, DOPA từ đó giúp cải thiện mức độ tập trung và tăng cường trí nhớ;
  • Công dụng thải trừ độc tố bisphenol A giúp tăng cường hệ miễn dịch và nâng cao thể trạng;
  • Hàm lượng vitamin E, vitamin C, alcaloid, flavonoid, glutathione và beta – carotene trong cây rau sam giúp ngăn ngừa các gốc tự do và chống lại quá trình lão hóa;
  • Hàm lượng omega – 3 cao và các chất dinh dưỡng giúp nuôi dưỡng tóc, da, móng và khớp;
  • Chất nhầy trong rau sam có công dụng làm dịu đường tiêu hóa, từ đó giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý thường gặp về đường tiêu hóa. Hàm lượng chất xơ cao giúp ngăn ngừa táo bón, dự phòng nhiễm ký sinh trùng đường ruột.

3. Cây rau sam trong các bài thuốc

Từ những tác dụng của rau sam đối với sức khỏe con người đã được chứng minh qua các nghiên cứu khoa học, cây rau sam được sử dụng nhiều trong các bài thuốc dân gian điều trị bệnh như sau:

3.1. Bài thuốc trị giun

Dùng 50g cây rau sam tươi đã được rửa sạch, đem giã nát, vắt lấy nước uống vào buổi tối trước khi đi ngủ hoặc vào buổi sáng. Sau 4 giờ dùng nước uống mới được ăn nhẹ. Người bệnh nên dùng bài thuốc liên tục trong 3 – 4 ngày để giúp đẩy hết giun ra ngoài theo phân. Đây là phương pháp hiệu quả với giun đũa, giun kim. Lưu ý để đạt hiệu quả cao, nên dùng rau sam tươi vừa được hái, vì hoạt chất trong cây sẽ bị giảm khi dược liệu được hái và bảo quản qua ngày hay trong tủ lạnh.

3.2. Bài thuốc trị kiết lỵ

  • Bài thuốc 1: Dùng 100g cây ra sam khô và 100g cây cỏ sữa, rửa sạch hỗn hợp dược liệu và đun với 400ml nước. Sắc đến còn khoảng 100ml nước thuốc thì dừng, chia làm 2 lần uống trong ngày. Trường hợp người bệnh có thêm triệu chứng đi ngoài ra máu thì dùng thêm 20g cỏ nhọ nồi.
  • Bài thuốc 2: Dùng 100g cây rau sam đã được rửa sạch, ép lấy nước cốt và thêm 100ml nước vào, đem đun sôi. Nước thuốc sau khi được đun sôi, thêm khoảng 10g mật vào và dùng uống.

3.3. Bài thuốc trị mụn nhọt

Dùng 30g rau sam đem rửa sạch, giã nát, đắp lên vùng da bị mụn nhọt và dùng gạc băng lại. Mỗi ngày thay gạc 2 lần. Người bệnh cần duy trì sử dụng bài thuốc khoảng 3 ngày để giúp mụn nhọt chín và vỡ ra.

Đối với bài thuốc trên, cây rau sam có công dụng sát trùng tự nhiên kết hợp với công dụng tiêu thũng nên giúp giảm sưng đau. Tuy nhiên, rau sam chỉ có tác dụng với mụn nhọt lông, rất ít hoặc không có tác dụng với mụn nhọt sâu. Lưu ý không sử dụng bài thuốc trên với vùng da quanh mắt và bộ phận sinh dục.

3.4. Trị chướng bụng

Một trong những công dụng cây rau sam là trị chướng bụng. Sử dụng bài thuốc như sau: Dùng 300g rau sam rửa sạch, chia làm 2 lần dùng (mỗi lẫn 150g) đem thái nhỏ và nấu với nước vo gạo nếp lần 2 tạo thành dạng canh sệt. Dùng canh ăn sẽ giúp kích thích nhu động ruột, lưu chuyển tiêu hóa, giảm tình trạng chướng bụng và phù thũng.


Một trong những công dụng cây rau sam là trị chướng bụng
Một trong những công dụng cây rau sam là trị chướng bụng

3.5. Bài thuốc trị tiểu máu, tiểu rắt

Dùng 300g rau sam đã được rửa sạch chia làm 3 lần, mỗi lần dùng 100g, đem thái nhỏ dược liệu và nấu canh với rau dền, dùng ăn trong ngày. Sử dụng bài thuốc từ 5 – 7 ngày sẽ giúp giảm triệu chứng tiểu rắt, tiểu buốt và tiểu máu.

Vai trò của rau sam trong bài thuốc này là sát trùng đường tiết niệu, giúp chống viêm, tiêu thũng lợi tiểu giúp loại bỏ cặn bã ra khỏi thận.

3.6. Bài thuốc trị sốt phát ban, mẩn ngứa

Dùng khoảng 1 nắm cây rau sam đem rửa sạch với nước, giã nát toàn bộ và chắt lấy nước cốt uống, phần bã đem chà xát lên vùng da bị tổn thương. Thực hiện mỗi ngày 1 lần giúp cải thiện triệu chứng các bệnh lý ngoài da.

3.7. Bài thuốc trị ngộ độc thuốc

Dùng khoảng 1 nắm cây rau sam tươi đem rửa sạch với nước muối pha loãng, xay nhuyễn chắt lấy nước uống, còn phần bã dùng đắp vào rốn.

3.8. Bài thuốc trị dịch sản hậu ra nhiều

Dùng 60g dược liệu rau sam khô sắc lấy nước uống, chia làm 2 lần uống trong ngày. Trong trường hợp không có dược liệu khô có thể sử dụng 200g dược liệu rau sam tươi.

3.9. Bài thuốc hỗ trợ điều trị ung thư đại tràng

Sử dụng bài thuốc gồm 6g cam thảo, 20g mỗi vị thuốc gồm thổ phục linh, bại tương thảo, mã xỉ hiện, kê nội kim, bạch thược và khổ sâm; 6g cam thảo, 4g xạ hương, 12g hồng đằng, 10g mỗi vị thuốc gồm xuyên hậu phác, tam lăng và huyền hồ. Hỗn hợp dược liệu được rửa sạch và sắc lấy nước uống 1 lần mỗi ngày, duy trì sử dụng bài thuốc sẽ giúp bệnh thuyên giảm triệu chứng bệnh.

3.10. Bài thuốc trị ho gà

Sử dụng 100g rau sam đã được rửa sạch và 30g đường phèn. Đun rau sam với 200ml nước, đến khi sôi thêm tiếp 30g đường phèn và đun đến khi thể tích còn khoảng 100ml thì dừng và chia làm 3 phần dùng trong ngày. Sau thời gian 3 ngày, người bệnh giảm liều dùng xuống còn 50ml.

Trong tất cả các bài thuốc khi nấu hoặc đun rau sam cần lưu ý không nấu quá chín hoặc đun quá lâu. Không sử dụng dược liệu rau sam ở phụ nữ có thai. Đối với người bệnh hay đi đại tiện lỏng, người có thể tạng hư hàn cần phối hợp với các vị thuốc cay ấm để không làm ảnh hưởng xấu đến tỳ. Bên cạnh đó, người có tiền sử mắc sỏi thận cũng cần thận trọng khi sử dụng dược liệu rau sam.

Như vậy, cây rau sam là dược liệu quý và có nhiều tiềm năng điều trị bệnh. Dược liệu khá an toàn và không gây độc tính khi sử dụng ở liều thấp. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả điều trị cao và độ an toàn, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị trước khi sử dụng.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe