Acid Benzoic là hợp chất kháng nấm được sử dụng trong y học với công dụng điều trị viêm da do bỏng, kích ứng da, nấm, hắc lào... Cùng tìm hiểu về công dụng và các lưu ý khi sử dụng Acid Benzoic qua bài viết dưới đây.
1. Tác dụng dược lý của Acid Benzoic
Acid Benzoic là hợp chất có công dụng kháng nấm, liên hợp với Glycin tại gan và bài tiết dưới dạng chất chuyển hóa là acid hippuric. Muối của Acid Benzoic là Natri Benzoat được sử dụng trong điều trị rối loạn chu trình ure do khả năng liên kết với acid amin, từ đó làm tăng bài tiết acid amin và giảm nồng độ amoniac máu. Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy natri benzoate có thể được sử dụng như một liệu pháp bổ sung ở người bệnh tâm thần phân liệt.
Trong y học, Acid Benzoic được bào chế dưới dạng bôi tại chỗ phối hợp với Acid salicylic trong điều trị bệnh nấm ngoài da (đặc biệt là nấm chân và nấm thân), kích ứng da, viêm da do bỏng, côn trùng cắn.
2. Lưu ý khi sử dụng thuốc chứa Acid Benzoic
Đối với các chế phẩm thuốc bôi ngoài da có chứa Benzoic Acid, người bệnh cần tuân thủ liều dùng và hướng dẫn theo chỉ định của chuyên gia y tế. Liều thuốc khuyến cáo là bôi 2 lần/ngày, người bệnh cần lưu ý không dùng thuốc với liều lớn hơn hoặc kéo dài thời gian điều trị so với chỉ định.
Không sử dụng thuốc chứa Acid Benzoic bằng đường uống, không sử dụng thuốc trên vết thương hở, da bị cháy nắng, khô hoặc da bị kích ứng. Trong trường hợp thuốc dính vào mắt, miệng, mũi, người bệnh cần rửa sạch lại bằng nước.
Rửa sạch nhẹ nhàng vùng da tổn thương bằng nước muối sinh lý trước khi điều trị bằng thuốc có chứa Benzoic Acid. Lượng thuốc sử dụng vừa đủ, massage nhẹ nhàng vùng da bôi thuốc để giúp thuốc được hấp thu tốt hơn.
Người bệnh cần lưu ý không băng kín vùng da bôi thuốc; giữ vùng da tổn thương sạch sẽ, tránh tình trạng nhiễm trùng.
Không để đầu thuốc tiếp xúc với bất kỳ bề mặt nào vì có thể làm tăng nguy cơ xâm nhập của vi khuẩn vào thuốc, làm giảm chất lượng thuốc.
Người bệnh nên ngưng dùng thuốc và thông báo cho bác sĩ điều trị trong trường hợp triệu chứng bệnh không cải thiện sau 7 ngày điều trị.
Chống chỉ định sử dụng thuốc ở người bệnh dị ứng với Acid Benzoic.
3. Tác dụng phụ của thuốc
Các chế phẩm thuốc có chứa Acid Benzoid có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:
- Phản ứng dị ứng: Tỷ lệ gặp rất hiếm với các triệu chứng gồm khó thở, phát ban, sưng môi, mặt, lưỡi hoặc cổ họng;
- Kích ứng da, bỏng rát da.
Trong trường hợp gặp phải tác dụng phụ, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Acid Benzoic và thông báo cho bác sĩ điều trị để được xử trí.
4. Tương tác thuốc
Acid Benzoic làm giảm tác dụng của một số thuốc dùng kèm như sau: Acid Succunic, L – Citrulline, Oseltamivir, Pravastatin, Cefotiam, Tenofovir disoproxil, Indomethacin, Piperacillin, Aminohippuric Acid.
Tương tác thuốc xảy ra làm tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ, giảm tác dụng điều trị của thuốc. Vì vậy để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong điều trị, người bệnh cần thông báo với bác sĩ tất cả các loại thuốc đang sử dụng (bao gồm cả thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng, thuốc kê đơn).
Công dụng Acid Benzoic là điều trị viêm da do bỏng, kích ứng da, nấm, hắc lào... Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.