Công dụng chữa bệnh bách thảo sương

Bách thảo sương là vị thuốc quen thuộc trong đông y, được sử dụng để hỗ trợ điều trị điều trị nhiều bệnh lý như kiết lỵ, thổ huyết, chảy máu cam, động thai,...

1. Vị thuốc bách thảo sương là gì?

Bách thảo sương có tên gọi khác là nhọ nồi, lọ nghẹ, táo muội, táo đột mặc, muội nồi, oa đề khôi, ngạch thương mặc, táo ngạch mặc,... Tên khoa học là Pulvis fumicarbonisatus. Đây không phải là một loại dược thảo, nên không được gọi là cây bách thảo sương.

Bách thảo sương là phần muội màu đen đóng lớp bên dưới đáy nồi, chảo. Lớp muội này hình thành khi sử dụng rơm rạ hoặc các loại cây cỏ nhóm lửa nấu ăn trong một thời gian dài. Theo giải thích từ y học cổ truyền, nhọ nồi được tạo thành từ hàng trăm loại cây (bách thảo), được đốt cháy thành lớp khói bám vào đáy nồi. Khi tán thành bột mịn thì muội nồi nhẹ như sương. Vì vậy, vị thuốc này được đặt tên là bách thảo sương.

Ở nước ta, bách thảo sương được lấy từ các gia đình ở vùng nông thôn, sử dụng rơm rạ hoặc cây cỏ để nấu thức ăn. Vị thuốc này được lấy từ đáy nồi, chảo nấu ăn. Trong đó, phần muội đen được cạo từ đáy nồi đất nấu cơm sẽ có giá trị dược liệu cao nhất.


Bách thảo sương là lớp muội ở đáy nồi khi được đun nấu bằng rơm hoặc cây cỏ
Bách thảo sương là lớp muội ở đáy nồi khi được đun nấu bằng rơm hoặc cây cỏ

2. Tác dụng dược lý của vị thuốc bách thảo sương

Cách sơ chế dược liệu: Bạn cạo phần muội nồi đen nhánh, không bị lẫn tạp chất rồi cho vào cối tán nhỏ, rây lấy bột mịn. Ngoài ra, bạn cũng có thể lấy muội nồi thu được đem sàng 1 - 2 lần để loại bỏ tạp chất rồi đem thủy phi hoặc kết hợp với các dược liệu khác để tán bột, làm thành viên. Vị thuốc này rất dễ bảo quản, chỉ cần cho vào 1 cái hũ, đậy nắp kín và để ở nơi khô ráo là không lo bị hư hỏng, ẩm mốc.

Bách thảo sương có tính ôn, vị cay, có khả năng sát khuẩn, chống viêm, giải độc và cầm máu rất tốt. Vì vậy, loại dược liệu này được sử dụng để điều trị các bệnh lý như: Chảy máu cam, rong kinh, ho ra máu, nôn ói ra máu (sau khi dùng nhiều rượu bia), băng huyết, phụ nữ ra máu do động thai, chảy máu ngoài vết thương, chảy máu chân răng, tả lỵ, lở loét da đầu, hói đầu, rụng tóc,... Dược liệu này mới chỉ được sử dụng trong phạm vi đông y, chưa được khẳng định tác dụng bởi các nghiên cứu y học hiện đại.

Liều dùng bách thảo sương là khoảng 6 - 12g/ngày. Bác sĩ đông y sẽ cân nhắc chỉ định liều lượng phù hợp với đối tượng bệnh nhân, tình trạng bệnh và mục đích điều trị. Cách sử dụng là uống trong (làm thành viên hoặc sắc uống) hoặc đắp ngoài cho các trường hợp bị tổn thương ngoài da.

3. Các bài thuốc sử dụng bách thảo sương trị bệnh

Bách thảo sương là vị thuốc được sử dụng trong nhiều bài thuốc khác nhau như:

  • Trị rong kinh ở phụ nữ: Chuẩn bị thang thuốc gồm 6g bạch thảo sương + mật chó + rượu đương quy. Sau đó, bạn trộn dược liệu với một ít mật chó, chia làm 2 phần đều nhau, dùng hết trong ngày. Nên uống thuốc bằng rượu đương quy;
  • Trị bệnh bạch đới ở phụ nữ: Bệnh nhân có biểu hiện ra nhiều khí hư, mệt mỏi, ăn uống kém, cơ thể gầy yếu, đi tiêu phân lỏng, đau lưng mỏi gối. Sử dụng bài thuốc gồm 30g nhọ nồi + gan lợn, đem nhọ nồi đi tán bột để dùng dần. Hằng ngày, bệnh nhân lấy 9g bột nhọ nồi, gói vào 1 miếng gan lợn, nướng chín và ăn chung với 1 ly rượu trắng;
  • Trị chảy máu chân răng: Người bệnh dùng một ít bột bách thảo sương bôi trực tiếp vào vị trí chân răng bị chảy máu, thực hiện 1 - 2 lần/ngày, kết hợp với vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Bài thuốc giúp trị nhiễm trùng chân răng (nếu có) để ngăn chặn chảy máu chân răng;
  • Trị chứng điếu thử: Điếu thử là bệnh gây chảy nước vàng ở tay chân, khu vực bị tổn thương có thể nổi lấm tấm như hạt gạo. Bệnh nhân dùng một ít bột bách thảo sương, đun sôi với 3 bát nước rồi dùng nước này để rửa vùng da bị thương, tần suất 3 - 4 lần/ngày;
  • Trị nghẹt hơi cuống họng: Dùng bài thuốc bách linh hoàn là bột bách thảo sương trộn với mật ong, nhào thành khối bột khô, vỡ thành từng viên nhỏ có kích cỡ như hạt súng. Mỗi lần uống 1 viên;
  • Trị rụng tóc, hói đầu, da đầu lở loét: Lấy một lượng bột bách thảo sương tùy thuộc vào diện tích vùng da bị ảnh hưởng, trộn đều với mỡ heo rồi thoa 1 lớp mỏng vào khu vực bị rụng tóc, hói đầu, lở loét;
  • Trị lở loét da đầu: Trộn bột bách thảo sương với dầu mè và thủy ngân phấn (khinh phấn) thành một hỗn hợp sền sệt. Sau đó, bạn làm sạch da đầu bằng giấm pha loãng rồi dùng hỗn hợp trên bôi lên vùng da đầu bị lở loét;
  • Trị bệnh lỵ ở trẻ em do tích trệ: Trẻ có thể dùng bài thuốc gồm 2 chỉ bách thảo sương + 1 chỉ ba đậu. Ba đậu đem nướng, ép bỏ dầu rồi tán bột chung với bách thảo sương. Sau đó, lấy miến làm hồ, trộn chung với bột thuốc, vo thành viên kích thước bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần cho trẻ uống 3 - 5 viên. Trường hợp trẻ bị xích lỵ thì cho trẻ uống thuốc chung với cam thảo; trẻ bị bạch lỵ thì uống thuốc bằng nước cơm; người đi lỵ trắng hồng thì uống thuốc bằng nước sắc gừng tươi;

  • Trị thai chết lưu hoặc ra máu do động thai: Bà bầu bị động thai ra máu hoặc thai chết lưu trong bụng mẹ có thể điều trị bằng bách thảo sương kết hợp với một số vị thuốc khác. Bài thuốc gồm 8g bách thảo sương + 20g phục long can (đất dưới lòng bếp) + 4g tống lư hôi. Cho các dược liệu trên vào tán thành bột, đựng trong hũ đậy nắp kín và để ở nơi khô ráo. Mỗi ngày, bệnh nhân lấy 4 - 8g bột thuốc, uống với nước đun sôi để nguội;
  • Trị chảy máu cam không cầm máu: Chuẩn bị một ít bột bách thảo sương, cho vào 1 mẩu giấy nhỏ rồi đưa lại gần mũi và thổi nhẹ để bột dược liệu bay vào trong lỗ mũi đang bị chảy máu, giúp cầm máu nhanh;
  • Trị ra máu: Trộn 15g bột bách thảo sương với nước cơm, phơi ở ngoài trời dưới sương sớm và lấy uống hằng ngày khi bụng đói;
  • Trị lở mũi có mùi hôi tanh: Dùng 6g bách thảo sương uống với nước lạnh mỗi ngày;
  • Trị bệnh lỵ ở giai đoạn đầu: Sử dụng bài thuốc thiết loát hoàn gồm 9g bách thảo sương + 3g kim mặc + 14g quả ba đậu + 9g hoàng lan + 2,1g bán hạ (củ chóc) + dầu vừng nguyên chất. Sau đó, bạn đem rửa sạch ba đậu, nghiền ép bỏ dầu rồi đem bách thảo sương + kim mặc + bán hạ tán bột chung với ba đậu, thêm hoàng lan và dầu vừng lượng vừa đủ. Cuối cùng, vo thuốc thành nhiều viên có kích cỡ bằng hạt đậu xanh, mỗi ngày uống 3 - 5 viên với nước sắc từ gừng để trị bệnh lỵ mức độ nhẹ;
  • Trị bệnh lỵ, chảy máu mũi kèm nhiệt: Chuẩn bị 30g bách thảo sương + 30g vương liên, đem từng vị thuốc tán bột, trộn chung với nhau. Mỗi lần dùng 6g bột thuốc uống với một ít rượu, ngày dùng 2 lần;
  • Trị chứng tay chân lạnh, ngất xỉu: Dùng 6g bột bách thảo sương, pha với nước đun sôi để nguội rồi uống. Song song với đó là châm cứu vào các huyệt bá hội, đại đôn nhằm tăng cường hiệu quả của thuốc;
  • Trị ho ra máu, nôn ra máu do lạm dụng rượu bia: Bệnh nhân bị thổ huyết có thể dùng bách thảo sương theo 1 trong 2 cách sau:
    • Cách 1: Uống chung 6g bột bách thảo sương với 1 ly nước gạo nếp, dùng 1 lần/ngày cho tới khi hết ho ra máu, nôn ra máu;
    • Cách 2: Chuẩn bị 15g bách thảo sương + 90g hoa hòe khô. Hoa hòe đem tán thành bột mịn, trộn chung với bách thảo sương, bỏ vào hũ kín. Mỗi ngày dùng 6g bột thuốc uống với nước sắc từ rễ tranh.

Bách thảo sương sau khi được sơ chế sẽ dùng trong một số bài thuốc Y học cổ truyền
Bách thảo sương sau khi được sơ chế sẽ dùng trong một số bài thuốc Y học cổ truyền

4. Lưu ý khi dùng vị thuốc bách thảo sương để trị bệnh

Khi sử dụng bách thảo sương với bất kỳ mục đích nào, bệnh nhân đều cần lưu ý:

  • Hiệu quả và mức độ an toàn của vị thuốc này chưa được y học hiện đại chứng minh. Do đó, bệnh nhân tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa và thầy thuốc đông y trước khi dùng thuốc, đặc biệt là những người có cơ địa nhạy cảm như trẻ em và phụ nữ có thai;
  • Các bài thuốc từ bách thảo sương cần một thời gian để phát huy hiệu quả. Vì vậy, nếu đã quyết định sử dụng dược liệu này thì người bệnh cần phải kiên trì;
  • Tránh dùng bách thảo sương với người không có ứ trệ;
  • Bách thảo sương không phải là bồ hóng (gọi là ô long vĩ) - có màu đen hoặc nâu, tính chất không mịn. Cần tránh sử dụng nhầm dược liệu.

Khi dùng làm thuốc, bách thảo sương thường được kết hợp với nhiều dược liệu khác nhằm làm tăng hiệu quả trị liệu. Bệnh nhân khi dùng thuốc cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ y học cổ truyền để đạt hiệu quả điều trị cao nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe