Yếu tố di truyền chiếm khoảng 60-80% trong phát triển chiều cao của trẻ, sau đó là các yếu tố môi trường, dinh dưỡng, thể dục thể thao...Mọi cha mẹ đều có mong muốn con mình cao lớn, khỏe mạnh, tuy nhiên, có nhiều trường hợp trẻ bị thấp bé hơn so với bạn bè cùng trang lứa, bé bị lùn và không tăng chiều cao được.
Thông thường, giai đoạn từ 1 đến tuổi dậy thì mọi người có thể tăng chiều cao khoảng 2 inch mỗi năm và đến khi dậy thì có thể tăng trưởng 4 inch mỗi năm, tuy nhiên, mỗi người đều có tốc độ phát triển chiều cao khác nhau, không ai giống ai cả. Đối với nữ, sự phát triển mạnh mẽ này thường bắt đầu sớm trong những năm thiếu niên. Còn đối với nam thường có sự tăng chiều cao nhanh nhất khi kết thúc tuổi thiếu niên. Chiều cao sẽ ngừng hoặc ít phát triển sau khi bạn bước qua tuổi dậy thì. Điều này có nghĩa là khi trưởng thành, bạn không có khả năng tăng chiều cao nhiều.
Thông thường, trẻ mới sinh có chiều cao từ 48 - 52 cm, trung bình là 50 cm. Trong năm đầu tiên, trẻ tăng chiều cao khoảng 20 - 25 cm, năm thứ hai tăng 12cm, năm thứ ba cao thêm 10 cm, năm tiếp theo tăng 7cm, từ 4 - 11 tuổi, trẻ tăng trung bình 6cm mỗi năm, đến tuổi dậy thì, bé gái tăng khoảng 6 - 10cm mỗi năm. Bé trai tăng từ 6,5 - 11 cm mỗi năm. Trường hợp trẻ bị lùn, cha mẹ có thể so sánh với mức độ tăng chiều cao trên để nhận biết.
Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ khi thấy con có dấu hiệu chậm tăng chiều cao thường nghĩ rằng do dinh dưỡng và di truyền. Thực tế, chậm tăng trưởng chiều cao không chỉ liên quan đến yếu tố dinh dưỡng mà còn do nhiều nguyên nhân khác gây ra. Các nghiên cứu chỉ ra một số nguyên nhân thường gặp khiến bé chậm tăng trưởng:
- Thiếu hormone tăng trưởng;
- Suy tuyến giáp;
- Di truyền;
- Bào thai suy dinh dưỡng;
- Hội chứng Turner;
- Hội chứng Down;
- Thiếu máu;
- Các bệnh lý mạn tính;
- Sử dụng thuốc khi mang thai;
- Dinh dưỡng kém.
Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu chậm tăng chiều cao như: Chiều cao không đạt được các cột mốc theo độ tuổi hoặc chiều cao tăng trưởng chậm (<5cm/năm đối với trẻ từ 3 tuổi trở lên) thì cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán, điều trị càng sớm càng tốt, không nên tự ý cho trẻ sử dụng viên uống tăng chiều cao. Như vậy, trẻ có thể đạt được chiều cao bình thường khi trưởng thành.
Ngoài ra, cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng thực phẩm tăng chiều cao, cân bằng dinh dưỡng trong các bữa ăn hàng ngày, bổ sung canxi cho bé đúng cách và chơi các môn thể thao phù hợp, ngủ đủ giấc.
Ấn “Đăng kí” để theo dõi các video mới nhất về sức khỏe tại đây.