Collagen là một loại protein mà cơ thể tạo ra tự nhiên và nó chiếm khoảng 1/3 protein trong cơ thể. Collagen rất cần thiết cho các khớp để khỏe mạnh và giữ cho da đàn hồi để giảm nếp nhăn.
1. Những điều bạn cần biết về collagen
- Collagen làm gì cho cơ thể bạn?
Từ collagen xuất phát từ tiếng Hy Lạp là “kólla”, nghĩa là keo. Các sợi của Collagen hoạt động như keo để giữ mọi thứ lại với nhau trong cơ thể bạn: cơ, xương, gân, dây chằng, các cơ quan và da.
- Các loại Collagen
Có 16 loại protein quan trọng trong cơ thể bạn. Nhưng hầu hết là loại I, II hoặc III. Mỗi loại có một công việc khác nhau. Loại I xây dựng da, xương, gân và dây chằng. Loại II giúp tạo sụn, mô linh hoạt giữa xương, trong tai và mũi của bạn. Loại III giúp tạo cơ bắp và mạch máu.
- Collagen khi bạn già đi
Khi bạn già đi, cơ thể bạn tạo ra ít collagen hơn. Bạn không thể đo chính xác lượng collagen bạn có trong cơ thể, nhưng khi collagen giảm, bạn có thể có các triệu chứng như đau khớp hoặc cứng gân hoặc dây chằng; cơ bắp có thể yếu đi và da nhăn. Bổ sung collagen có thể giúp giảm bớt các triệu chứng này. Tuy nhiên, bạn cần xin ý kiến của bác sĩ về cách sử dụng và liều lượng phù hợp.
2. Điều gì làm ảnh hưởng mức độ Collagen của bạn?
Bên cạnh yếu tố thời gian, ba điều chính sẽ làm giảm mức collagen của bạn gồm: ánh sáng mặt trời, hút thuốc và đường. Tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím làm cho các sợi của collagen bị bong ra.
Điều này có thể dẫn đến tổn thương do ánh nắng mặt trời, chẳng hạn như nếp nhăn. Nhiều hóa chất trong khói thuốc lá có thể làm hỏng collagen và làm cho da chảy xệ và nhăn. Đường làm cho các sợi liên kết của collagen bị chồng chéo và rối. Điều này làm cho làn da của bạn kém đàn hồi theo thời gian.
3. Điều trị Collagen có thể làm gì?
Một số quy trình phẫu thuật thẩm mỹ sử dụng các mũi tiêm collagen để làm đầy đặn da, chẳng hạn như tiêm môi hoặc điều trị sẹo. Những mũi tiêm này có thể giúp cơ thể bạn tạo ra nhiều collagen hơn.
Bạn có thể cần phải thực hiện lại quy trình này sau vài tháng đến một năm để giúp liệu pháp này có tác dụng dài lâu. Một số nghiên cứu cho thấy các chất bổ sung collagen có thể cải thiện độ đàn hồi da, giảm khô và tăng mật độ collagen. Ngoài ra, các sản phẩm này cũng có thể giảm đau khớp và giúp bạn năng động hơn.
4. Collagen không thể làm gì?
Không có bằng chứng nào cho thấy collagen điều trị các tình trạng da như chàm hoặc viêm da dị ứng. Mặc dù các mũi tiêm collagen có thể giúp điều trị sẹo mụn, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy bổ sung collagen có thể ngăn chặn hoặc điều trị mụn trứng cá. Và không có nghiên cứu cho thấy collagen giúp giảm cân.
5. Kem Collagen có hiệu quả không?
Kem dưỡng da có thành phần collagen tổng hợp có thể không phải là một cách hiệu quả để tăng loại protein này trong cơ thể bạn. Khi bôi lên da, các sản phẩm này tạo ra một hàng rào bảo vệ trên da của bạn và ngăn chặn mất nước, nhưng chúng không làm tăng lượng collagen trong da của bạn.
Sản phẩm này tốt trong việc bảo vệ làn da của bạn khỏi ánh nắng mặt trời, đặc biệt là khi bạn còn trẻ và da có thể nhạy cảm hơn.
6. Thực phẩm để tăng lượng collagen trong cơ thể
Bạn có thể giúp cơ thể tạo ra nhiều collagen hơn bằng cách ăn thực phẩm lành mạnh. Để tạo ra collagen, cơ thể bạn kết hợp các axit amin được gọi là glycine và proline. Bạn sẽ tìm thấy các axit amin này trong thực phẩm giàu protein như thịt gà, cá, thịt bò, trứng, sữa và đậu.
Các chất dinh dưỡng khác, như vitamin C, kẽm và đồng, cũng đóng một phần vai trò trong sản xuất collagen. Bạn có thể nhận vitamin C trong trái cây họ cam quýt, cà chua và rau xanh. Đối với kẽm và đồng, hãy thử động vật có vỏ, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt và đậu.
7. Nước dùng xương và Collagen
Một số nguồn tốt cho các protein giúp xây dựng collagen là các loại thực phẩm như thịt đỏ, thịt gà và nước dùng xương. Để làm nước dùng xương, bạn đun nhỏ xương động vật trong nước trong 1-2 ngày. Việc này rút ra một số protein collagen vào nước dùng.
Cơ thể của bạn không hấp thụ nó ngay vào da hoặc khớp. Cơ thể sẽ phá vỡ protein thành các axit amin để giúp xây dựng mô. Bạn có thể mua nước dùng xương trong các cửa hàng tạp hóa hoặc tự làm.
8. Bạn có cần bổ sung Collagen?
Nếu bạn ăn một chế độ ăn uống cân bằng, cơ thể bạn có thể tạo ra đủ collagen cho nhu cầu của bạn. Hầu hết các nghiên cứu về bổ sung collagen diễn ra trên phạm vi nhỏ.
Chúng ta cần nhiều nghiên cứu lớn hơn để hiểu tác dụng của thực phẩm chức năng collagen đối với sức khỏe. Nhưng nếu bạn muốn thử, các nhà sản xuất đều cho rằng đây là sản phẩm an toàn và không có tác dụng phụ. Các sản phẩm này thường có dạng bột và bạn có thể trộn vào đồ uống hoặc nước sốt.
9. Bổ sung Collagen có được quy định?
Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (Food and Drug Administration) không quy định việc bổ sung collagen, vì vậy các công ty sản xuất các sản phẩm collagen không phải chứng minh chúng có hiệu quả hoặc an toàn.
Nếu bạn mua các sản phẩm collagen, hãy tìm những từ khóa này trong thành phần của sản phẩm: collagen hydrolysate, hydrolyzed collagen hoặc collagen peptides.
10. Ngăn ngừa mất collagen
Liệu pháp laser có thể giúp điều trị các vết rạn da, vì nó có thể kích thích sự phát triển của collagen, elastin và melanin.
Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp cơ thể sản xuất collagen. Các chất dinh dưỡng có thể hỗ trợ sự hình thành collagen bao gồm:
- Proline: Trong lòng trắng trứng, thịt, phô mai, đậu nành và bắp cải.
- Anthocyanidin: Trong quả mâm xôi đen, quả việt quất, anh đào và quả mâm xôi đỏ.
- Vitamin C: Trong cam, dâu tây, ớt và bông cải xanh.
- Đồng: Trong động vật có vỏ, các loại hạt, thịt đỏ.
- Vitamin A: Xuất hiện trong thực phẩm có nguồn gốc động vật và trong thực phẩm thực vật dưới dạng beta-carotene.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.