Co thắt động mạch vành là hiện tượng thắt chặt đột ngột của các động mạch dẫn máu đến tim. Các cơn co thắt diễn ra nhanh chóng và có thể không gây đau đớn, nhưng chúng có thể làm tăng nguy cơ đau tim. Co thắt động mạch vành thường xảy ra vào đêm khuya hoặc sáng sớm và có thể khiến bạn thức giấc. Việc điều trị bệnh này tập trung vào việc giảm cơn đau ngực và ngăn ngừa co thắt.
1. Co thắt động mạch vành là gì?
Co thắt động mạch vành thường xuất hiện dưới dạng tức ngực hoặc đau, là do sự co thắt của các động mạch tim. Các triệu chứng có thể bao gồm đau lan ra cánh tay và và lên vùng xương hàm. Những biểu hiện này có thể xuất hiện tự nhiên hoặc được kích thích bởi các yếu tố như thời tiết lạnh, hoạt động thể chất hoặc căng thẳng. Trong một số trường hợp, tình trạng này có thể liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt.
Khác với tình trạng đau thắt ngực do tắc nghẽn động mạch do mảng mỡ, co thắt ở động mạch vành xuất phát từ sự co thắt của lớp cơ trong thành mạch máu, tạo nên tình trạng tắc nghẽn động mạch tạm thời.
Một số bệnh nhân mắc cả hai tình trạng co thắt động mạch vành và đau thắt ngực vi mạch (do vấn đề với các động mạch nhỏ nhất cung cấp máu cho tim) hoặc thậm chí diễn ra đồng thời với tắc nghẽn do mảng mỡ.
2. Co thắt động mạch vành có triệu chứng như thế nào?
Co thắt động mạch vành thường không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào, trừ khi tình trạng trở nặng dẫn đến đau ngực. Người bệnh thường cảm nhận cơn đau khi hoạt động thể chất hoặc trong các tình huống căng thẳng.
Khi cảm nhận cơn đau ngực do giảm lưu lượng máu đến tim, người bệnh thường được chẩn đoán là đang trải qua cơn đau thắt ngực. Cơn co thắt này gây ra đau thắt ngực là một trường hợp hiếm gặp được biết đến là đau thắt ngực biến thể. Triệu chứng này có thể xuất hiện ngay cả ở những người trẻ tuổi không có tiền sử bệnh tim mạch và gặp phải khi họ đang nghỉ ngơi hoặc đang ngủ.
Thường thì cơn đau ngực do co thắt động mạch vành xuất hiện ở vùng dưới xương ức, vị trí bên trái. Người bệnh thường mô tả đau mạnh mẽ và cảm giác như lồng ngực bị bóp chặt. Đôi khi, cơn đau có thể lan rộng đến các vùng khác như cổ, cánh tay, vai hoặc hàm.
3. Cách phân biệt cơn co thắt mạch vành và đau thắt ngực
Đau thắt ngực thường xuất hiện trong khi đang hoạt động, đặc biệt là ở những người mắc bệnh động mạch vành (CAD). Trong trường hợp này, các mảng xơ tích trong các mạch máu tim gây hẹp động mạch vành, giảm lưu lượng máu đến cơ tim và dẫn đến đau thắt ngực. Như vậy, đau thắt ngực liên quan đến bệnh lý mạch vành xảy ra khi hoạt động đòi hỏi sức lực cao, làm tăng áp lực với cơ tim, ví dụ như khi tập thể dục.
Ngược lại, co thắt động mạch vành có thể xảy ra trong giai đoạn nghỉ ngơi. Người bệnh có thể gặp phải cơn co thắt này vào ban đêm lúc đang ngủ, thông thường khoảng vào nửa đêm đến sáng sớm. Nó có thể kéo dài trong 30 phút và có thể dẫn đến mất ý thức trong một số trường hợp.
4. Đối tượng nào có thể gặp cơn co thắt động mạch vành
Người bệnh có nguy cơ cao gặp phải cơn co thắt ở động mạch vành nếu đang mắc các bệnh tim mạch và có những yếu tố sau:
- Xơ vữa động mạch
- Huyết áp cao
- Cholesterol cao
Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng góp phần gây nên cơ co thắt này, bao gồm:
- Hút thuốc lá
- Căng thẳng cực độ
- Sử dụng chất kích thích
- Tiếp xúc với nhiệt độ lạnh
Đặc biệt, nhiều bệnh nhân không có huyết áp cao hoặc cholesterol cao cũng trải qua cơn co thắt mạch vành, xuất phá từ nguyên nhân là hút thuốc lá thường xuyên.
5. Chẩn đoán tình trạng bệnh
Các phương pháp chẩn đoán tình trạng co thắt mạch vành bao gồm:
- Điện tâm đồ (ECG): Điện tâm đồ có thể phát hiện tình trạng bất thường trong trường hợp gặp cơn đau ngực. Phương pháp này cũng có thể phát hiện rối loạn nhịp tim liên quan đến co thắt động mạch vành.
- Siêu âm tim: phương pháp này giúp kiểm tra van tim, cơ chế bơm máu của tim và lưu lượng máu
- Chụp mạch vành: Sử dụng máy chụp X-quang để nhận biết các dấu hiệu tắc nghẽn hoặc hẹp mạch máu cơ tim
6. Biến chứng của bệnh co thắt mạch vành
Nếu không được điều trị, co thắt mạch vành có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:
- Nhồi Máu Cơ Tim: xảy ra do sự giảm lưu lượng máu đến một phần của cơ tim, gây tổn thương và chết của các tế bào cơ tim.
- Suy Tim: co thắt mạch vành thường xuyên có thể dẫn đến việc cơ tim hoạt động yếu, không đủ để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
- Đột Tử: trường hợp nghiêm trọng nhất có thể xảy ra nếu co thắt mạch vành không được kiểm soát, gây tổn thương cực kỳ nghiêm trọng cho cơ tim.
Bên cạnh đó, co thắt mạch vành cũng có thể gây nên tình trạng rối loạn nhịp tim, phụ thuộc vào vị trí và mức độ co thắt của mạch máu.
7. Cách điều trị bệnh
Trong quá trình điều trị co thắt mạch vành, mục tiêu hàng đầu là ngăn ngừa sự xuất hiện của co thắt và giảm đau ngực. Khi bác sĩ xác định được co thắt mạch vành, một phương pháp hiệu quả là kê đơn thuốc nitroglycerin. Loại thuốc này không chỉ giúp giãn mạch mà còn cải thiện lưu lượng máu, đồng thời giảm đau ngực cho người bệnh.
Để ngăn chặn sự tiến triển và kéo dài của co thắt mạch vành, bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc quan trọng như sau:
Nhóm thuốc đối kháng canxi (chẹn kênh canxi) thuộc một nhóm thuốc có tác dụng tương tự như các nhóm khác như chẹn beta và thuốc giãn mạch. Thuốc chẹn kênh canxi có tác dụng giãn mạch, chống co thắt cơ tim và giảm nhu cầu oxy của cơ tim.
Nhóm thuốc statin
Thuốc statin có thể giúp giảm nguy cơ co thắt ở động mạch vành bằng cách làm giảm mảng bám tích tụ trong động mạch vành, giúp tăng lưu lượng máu đến tim.
Nhóm thuốc chẹn beta
Thuốc chẹn beta là nhóm thuốc có tác dụng làm chậm nhịp tim, thư giãn mạch máu và bảo vệ cơ tim giúp giảm nguy cơ co thắt ở động mạch vành.
Việc tự ý sử dụng thuốc mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, bệnh nhân cần đến thăm khám để bác sĩ chỉ định loại thuốc phù hợp.