Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS, Bs.Trịnh Thị Thanh Huyền - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Huyết khối tĩnh mạch có thể gây nguy hiểm cho phụ nữ mang thai và em bé. Vì vậy, việc tìm hiểu nguyên nhân gây ra huyết khối tĩnh mạch và các tìm hiểu cách phòng tránh là điều cần thiết để có một thai kỳ khỏe mạnh cho cả mẹ và thai nhi.
1. Cục máu đông là gì?
Mặc dù cơ thể của bất cứ ai cũng có thể phát triển cục máu đông, nhưng ở phụ nữ có nguy cơ này cao hơn trong khi mang thai, sinh nở và đến 3 tháng sau khi sinh. Trên thực tế, phụ nữ mang thai có nguy cơ bị cục máu đông cao gấp 5 lần so với phụ nữ không mang thai. Bài viết này sẽ nói về cục máu đông liên quan đến thai kỳ và lời khuyên để bảo vệ bản thân và em bé để có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh.
Cục máu đông trong tĩnh mạch sâu hay còn được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) là một tình trạng y tế thường xảy ra ở chân dưới, đùi, xương chậu hoặc cánh tay. Một khi DVT không được điều trị, một phần của cục máu đông có thể vỡ ra và di chuyển đến phổi, gây ra tắc nghẽn gọi là thuyên tắc phổi (PE) và nó có thể ngăn máu đến phổi dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, cục máu đông hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị nếu được phát hiện sớm. Thuyên tắc phổi là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tử vong liên quan đến cục máu đông ở phụ nữ mang thai.
2. Tại sao phụ nữ mang thai lại có nguy cơ bị cục máu đông cao hơn?
Những thay đổi tự nhiên trong cơ thể người phụ nữ khi mang thai, sinh con và thời gian 3 tháng sau khi sinh có thể khiến phụ nữ có nguy cơ bị cục máu đông cao hơn. Khi mang thai, quá trình đông máu ở người phụ nữ dễ dàng hơn để giảm mất máu khi chuyển dạ và sinh nở. Trong thai kỳ,quá trình lưu thông máu đến chân bị giảm vì các mạch máu quanh xương chậu bị ép bởi sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra, sự hạn chế hoặc thiếu vận động (bất động) do nghỉ ngơi tại giường sau khi sinh cũng có thể hạn chế lưu thông máu ở chân và cánh tay, làm tăng nguy cơ mắc bệnh cục máu đông.
3. Nguy cơ hình thành cục máu đông
Có rất nhiều nguyên nhân làm cho sự hình thành huyết khối tĩnh mạch được bắt đầu trong cơ thể. Huyết khối tĩnh mạch ở phụ nữ mang thai có nguy có xuất hiện cao nhất vào 3 tháng đầu của thai kỳ và trong 6 tuần sau khi sinh em bé.
Cục máu đông có thể phòng ngừa được bằng cách biết cách bảo vệ bản thân và em bé thông qua việc nắm rõ các nguy cơ dẫn đến cục máu đông. Thai kỳ là một yếu tố có thể khiến phụ nữ có nguy cơ cao bị cục máu đông, nhưng các yếu tố sau cũng có thể làm tăng nguy cơ bị cục máu đông:
- Tiền sử gia đình hoặc cá nhân có bị cục máu đông hoặc các bệnh liên quan đến rối loạn đông máu;
- Có tiền sử sinh mổ;
- Mang đa thai;
- Tình trạng giảm vận động kéo dài (không di chuyển nhiều), chẳng hạn như trong lúc nghỉ ngơi tại giường hoặc phục hồi sau khi sinh;
- Các biến chứng khi mang thai và sinh nở;
- Mắc một số bệnh mãn tính hoặc các điều khiến sức khỏe kéo dài như tình trạng tim hoặc phổi, hoặc bệnh tiểu đường, béo phì;
- Hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với thuốc thường xuyên.
4. Cục máu đông có thể phòng ngừa bằng cách nào?
Việc xác định các nguy cơ bị cục máu đông nên được thực hiện ở nhóm phụ nữ mang thai để có phương pháp phòng ngừa thích hợp. Bạn có thể trao đổi với bác sĩ về các nguy cơ và dấu hiệu của bản thân để tìm ra hướng giải quyết hiệu quả.
Khi đã xác định các dấu hiệu và triệu chứng của cục máu đông bạn nên tìm kiếm các hỗ trợ điều trị y tế. Điều trị sớm có thể giúp ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch bị vỡ và di chuyển đến phổi dưới dạng thuyên tắc phổi. Mặc dù huyết khối tĩnh mạch có thể xảy ra mà không có bất kỳ triệu chứng nào, nhưng ở một số trường hợp, nó lại có những triệu chứng như: Sưng chân tay bị ảnh hưởng; Đau hoặc đau không phải do chấn thương; Da ấm khi chạm vào, đỏ hoặc đổi màu.
Trong trường hợp bạn gặp các triệu chứng sau thì cần phải tìm đến sự hỗ trợ y tế càng sớm càng tốt để ngăn ngừa tình trạng tử vong có thể xảy ra.
- Khó thở
- Đau ngực, nặng hơn khi hít thở sâu hoặc ho.
- Ho ra máu
- Nhịp tim nhanh hơn nhịp tim bình thường hoặc không đều
Một số phương pháp để cải thiện lưu thông máu ở chân nên được thực hiện như di chuyển chân thường xuyên và tập luyện cơ bắp chân bằng cách đứng dậy và đi bộ xung quanh nếu không gian cho phép. Khi ngồi, bạn cần mở rộng chân và để chân thẳng ra và di chuyển mắt cá chân, kéo ngón chân về phía bạn và sau đó đẩy chúng ra khỏi bạn. Thực hiện kéo mỗi đầu gối lên về phía ngực và giữ nó ở đó với hai tay trên chân dưới trong 15 giây. Lặp lại tối đa 10 lần. Bên cạnh đó, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh cũng có vai trò quan trọng trong việc phòng tránh cục máu đông.
Trong quá trình mang thai, nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Cdc.gov