Khi học cách vệ sinh tai cho trẻ, yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu. Có rất nhiều phương pháp và dụng cụ để làm sạch tai cho trẻ. Tuy nhiên, vệ sinh tai cho trẻ không dễ như người lớn thường nghĩ và có nên lấy ráy tai cho bé hay không thì tùy vào cha mẹ tìm ra cách thức tốt nhất phù hợp với trẻ nhỏ và cũng phải đúng khoa học.
1. Ráy tai là gì?
Ráy tai là chất bài tiết do cơ thể tạo ra một cách tự nhiên, ngay cả ở cơ thể trẻ sơ sinh. Các tuyến trong tai tạo ra ráy tai để giữ bụi bẩn và những thứ khác có thể gây hại cho tai. Thành phần trong ráy tai có chứa các enzym giúp ngăn vi khuẩn và nấm phát triển trong tai. Hơn nữa, ráy tai còn tạo ra một rào cản để bảo vệ ống tai khỏi nước.
Thông thường, ráy tai có thể có màu từ nâu đến hơi vàng và không có mùi hôi. Ráy tai của trẻ nhỏ thường mềm và mịn hơn. Nhưng chỉ vì đó là điều tự nhiên xảy ra không có nghĩa là cha mẹ nên hoàn toàn bỏ qua nó — điều quan trọng là phải biết cách vệ sinh tai cho trẻ đúng cách, có nên lấy ráy tai cho bé hay không cũng như lấy ráy tai cho em bé như thế nào?
Ráy tai thường tích tụ, khô đi và di chuyển đến tai ngoài và sẽ rơi ra ngoài. Tuy nhiên, khi ráy tai tích tụ nhanh hơn mức mà cơ thể trẻ có thể loại bỏ, những vấn đề như đau tai, ngứa và thậm chí là các vấn đề về thính giác có thể xảy ra.
2. Có nên lấy ráy tai cho bé?
Chính vì ráy tai thường tự điều chỉnh bằng cách tự di chuyển từ bên trong ống tai ra bên ngoài, lấy ráy tai cho em bé chỉ nên thực hiện vì hai lý do:
- Khi bác sĩ cần lấy ráy tai ra ngoài để xem màng nhĩ.
- Khi chất tiết dính chặt và làm ảnh hưởng đến thính giác.
Ngoài hai trường hợp nêu trên, không cho bất cứ thứ gì vào bên trong ống tai của trẻ (kể cả tăm bông). Các vật mềm luôn ẩn chứa rủi ro có thể làm thủng lỗ tai. Thậm chí, nếu lấy ráy tai cho bé không cẩn thận, cha mẹ cũng có thể càng đẩy thêm ráy tai vào phía màng nhĩ, khiến chất tiết càng kết lại với nhau và cản trở thính giác.
3. Các cách vệ sinh tai cho bé
Đừng sử dụng tăm bông vì đây không phải là dụng cụ và cách thức để làm sạch tai cho bé an toàn! Cha mẹ không bao giờ được dùng bất cứ thứ gì đưa vào màng nhĩ của trẻ như một cách để loại bỏ ráy tai. Điều này có thể gây vỡ màng nhĩ hoặc làm cho vấn đề ráy tai tồi tệ hơn.
Thay vào đó, cha mẹ chỉ nên làm sạch tai trẻ em bằng khăn lau. Phương pháp này thường được sử dụng để làm sạch tai ngoài. Đó cũng là phương pháp được các bác sĩ Nhi khoa khuyên dùng nhiều nhất. Dưới đây là một số mẹo nhanh chóng và dễ dàng vệ sinh tai cho trẻ:
- Làm ướt khăn bằng nước ấm. Đảm bảo nước không quá nóng.
- Tiếp theo, vắt sạch khăn để tránh nước thừa chảy vào tai trẻ.
- Nhẹ nhàng vò khăn xung quanh tai ngoài để lấy ráy tai tích tụ tại chỗ.
- Không bao giờ nhét khăn vào tai em bé. Vì không được làm điều đó với tăm bông, đừng làm điều đó với khăn mặt. Đó không phải là cách làm sạch ráy tai cho bé phù hợp.
- Nếu nghi ngờ có ráy tai tích tụ bên trong tai của trẻ, hãy đến gặp bác sĩ Nhi khoa trước khi mua bất kỳ loại thuốc nhỏ ráy tai nào cho trẻ. Ngoài ra còn có một số nhãn hiệu được bán không cần kê đơn mà bác sĩ có thể giới thiệu để vệ sinh tai cho trẻ.
Khi dùng các thuốc nhỏ tai cho trẻ theo toa, có một số điều cần lưu ý khi thực hiện:
- Thuốc nhỏ tai loại bỏ ráy tai cho trẻ sơ sinh chỉ nên được dùng khi trẻ bình tĩnh và không quấy khóc.
- Xoa chai giữa hai bàn tay để làm ấm.
- Hút đầy ống nhỏ giọt đến mức thích hợp.
- Đặt ống nhỏ giọt phía trên ống tai.
- Nhỏ từng giọt dung dịch vệ sinh vào tai trẻ.
- Cố gắng giữ trẻ nằm yên trong năm phút để đảm bảo thuốc nhỏ đi vào ống tai.
- Xoay đầu trẻ sang một bên, dung dịch vệ sinh sẽ cuốn ráy tai của trẻ ra ngoài.
- Nhẹ nhàng lau lại vành tai và ống tai ngoài cho trẻ bằng khăn sạch.
Nếu các loại thuốc nhỏ ráy tai và khăn ấm không có tác dụng khi vệ sinh tai cho bé, các bác sĩ Tai mũi họng có thể chọn cách sử dụng dụng cụ lấy ráy tai cho trẻ sơ sinh. Ráy tai cứng đầu đôi khi được lấy ra bằng một dụng cụ gọi là nạo. Nghe có vẻ đau nhưng các bác sĩ thực hiện nhẹ nhàng để màng nhĩ của em bé không bị tổn thương.
Tóm lại, hãy nhớ rằng không phải tất cả các loại ráy tai trẻ em đều có hại. Hầu hết là bình thường và vô hại đối với sức khỏe của trẻ. Chỉ khi ráy tai quá nhiều và ảnh hưởng đến thính giác của trẻ, cha mẹ mới cần nghĩ đến việc làm sạch đôi tai cho trẻ. Theo đó, cần biết có nên lấy ráy tai cho bé và lấy ráy tai cho em bé lúc nào, như thế nào để vừa có thể vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, vừa đảm bảo an toàn.
Nguồn tham khảo: aboutkidshealth.ca; chla.org/blog; thebump.com; kidshealth.org.