Răng hàm bị sâu là căn bệnh có thể bắt gặp ở cả trẻ em và người lớn. Việc này không chỉ khiến cho vấn đề nhai, nuốt thức ăn trở nên khó khăn mà còn ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ. Thậm chí sâu răng còn gây ra biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Vậy có nên nhổ răng hàm bị sâu không?
1. Vai trò của răng hàm
Một chiếc răng hàm gồm có hai phần: thân răng (có thể quan sát bằng mắt thường) và chân răng ở trong xương hàm (không thể nhìn thấy). Một người trưởng thành có tổng cộng 32 răng, gồm 4 loại khác nhau. Trong đó, 16-20 chiếc là răng hàm, được sắp xếp đối xứng giữa hàm trên và hàm dưới.
- Răng hàm nhỏ: ở vị trí số 4 và số 5 kể từ răng cửa
- Răng hàm lớn: nằm ở trong cùng, cạnh răng hàm nhỏ, ở vị trí số 6 và số 7
- Răng khôn: hay răng số 8, thường bắt đầu mọc ở độ tuổi trưởng thành (17 - 25 tuổi)
Răng hàm đóng vai trò quyết định trong việc nhai và nghiền thức ăn. Đây cũng là lý do răng hàm dễ bị sâu nếu không được vệ sinh đúng cách. Ngoài ra, do nằm ở góc khuất nên sâu răng hàm cũng thường khó được phát hiện sớm nếu không thăm khám bác sĩ.
Ở giai đoạn đầu, men răng sẽ mất dần hoặc xuất hiện các vệt màu nâu trên bề mặt. Tuy nhiên, lúc này, người bệnh sẽ không cảm nhận được sự khó chịu hay đau đớn nào. Chỉ đến khi sâu răng lan rộng, gây ra những biểu hiện rõ ràng như ê buốt, đau nhức, nhiễm trùng... thì tình trạng đã khá nghiêm trọng.
2. Bị sâu răng hàm phải làm sao?
Sâu răng hàm ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ, sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh. Tình trạng răng hàm bị sâu không chỉ diễn ra ở đối tượng trẻ em mà còn khiến nhiều người lớn đau đầu. Răng sâu khiến thức ăn bị giắt lại trong miệng, khiến người bệnh không thoải mái. Lớp men răng cũng mất dần, lực nhai ở răng bị giảm sút, gây khó khăn khi ăn đồ dai, cứng. Ngoài ra, răng hàm bị sâu không được điều trị kịp thời sẽ lây lan sang các vùng răng khác trong thời gian ngắn.
Vì vậy, giải pháp tốt nhất khi phát hiện các dấu hiệu cho thấy răng hàm bị sâu là thăm khám bác sĩ Răng - Hàm - Mặt để được xác định chính xác tình trạng bệnh và nhận được tư vấn hợp lý đối với từng trường hợp.
3. Nhổ răng hàm sâu khi nào?
“Có nên nhổ răng hàm bị sâu không?” là câu hỏi được rất nhiều bệnh nhân thắc mắc. Tuy nhiên, mỗi trường hợp lại có những đặc điểm cũng như cách điều trị khác nhau. Thêm vào đó, bệnh sâu răng được chia thành nhiều giai đoạn riêng biệt. Để có câu trả lời cho câu hỏi này, cần có sự thăm khám và chẩn đoán kỹ lưỡng.
3.1. Bảo tồn răng hàm bị sâu
Hiện nay, thay vì nhổ răng hàm bị sâu, nhiều bác sĩ đặt phương châm bảo tồn răng lên hàng đầu. Sâu răng hàm được bảo tồn khi ở mức độ nhẹ, chỉ ảnh hưởng không đáng kể đến phần chân răng.
- Nếu răng hàm bị sâu chỉ dừng ở men răng, bác sĩ sẽ tiến hành vệ sinh, trám răng, hàn răng để xử lý triệt để.
- Nếu răng hàm bị sâu vào trong tủy nhưng chưa gây hại đến chân răng, phần ngà còn nguyên các bác sĩ điều trị tủy và trám đầy chân răng. Bên cạnh đó, bọc sứ cũng là một phương pháp xử lý được nhiều bệnh nhân quan tâm khi bảo tồn răng.
Tuy nhiên, răng hàm bị sâu có thể tái phát bất cứ lúc nào bên cạnh đó răng cũng trở nên nhạy cảm hơn trong thời gian ngắn. Chính vì vậy, sau khi được điều trị thành công, vấn đề giữ gìn vệ sinh và chăm sóc răng cần được thực hiện cẩn thận và tỉ mỉ mỗi ngày. Cần đặc biệt chú ý khi nhai thức ăn, không nên ăn đồ quá cứng. Thay vào đó, hãy chọn các loại thực phẩm mềm, dễ nhai nuốt và tốt cho tiêu hóa.
3.2. Nhổ răng hàm bị sâu
Nếu không thể bảo tồn răng, các bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành nhổ răng sâu. Phương pháp này chỉ được thực hiện khi tình trạng viêm sâu đã quá nặng, không thể phục hồi. Đối với các trường hợp: sâu cụt phần chân răng, sâu răng tụt lợi, viêm nha chu, răng khôn mọc lệch... có nguy cơ ảnh hưởng đến các răng lân cận, toàn bộ răng hàm bị sâu sẽ bị nhổ bỏ hoàn toàn.
Đa số bệnh nhân sợ đau, thường không muốn nhổ răng hàm bị sâu. Tuy nhiên, việc cố giữ lại răng khiến dễ tích tụ mảng bám và thức ăn, gây hôi miệng và cản trở quá trình vệ sinh răng. Nguy hiểm hơn, có thể dẫn đến áp-xe xương ổ răng, một dạng nhiễm trùng có biểu hiện sưng, đỏ, kèm theo sốt và đau nhức. Biến chứng nguy hiểm nhất là nhiễm trùng máu, có thể dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
4. Nhổ răng hàm bị sâu có đau không?
Với những kỹ thuật tiên tiến hiện nay, nhổ răng hàm bị sâu không đau hay ảnh hưởng đến dây thần kinh như nhiều người tưởng tượng. Trước khi nhổ, bác sĩ sẽ khám tổng quát trước, nếu cần thiết sẽ chụp X-Quang hoặc thực hiện một số xét nghiệm.
Bên cạnh đó, nhờ tác dụng của thuốc tê, người bệnh sẽ không cảm thấy đau hoặc khó chịu khi bác sĩ tiến hành điều trị sâu răng hàm. Sau khi được nhổ, nạo sạch các mô bệnh lý ở quanh chóp, bệnh nhân sẽ ngậm chặt bông gòn trong vòng từ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ để cầm máu. Tiếp theo, người bệnh chỉ cần về nhà uống thuốc theo đơn và chăm sóc răng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Dù vậy, sau khi nhổ răng sâu, người bệnh sẽ phải đối mặt với những hậu quả như: lực nhai giảm sút, lệch khớp cắn, biến chứng tiêu xương vùng răng hàm... Vì những lý do đó, các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân phục hồi răng hàm sau khi nhổ. Trong đó, làm răng sứ hay cấy ghép Implant là các phương pháp được lựa chọn nhiều.
Khi đã có những kiến thức cơ bản về việc nhổ răng hàm sâu, bạn nên đến trực tiếp các cơ sở chuyên khoa Răng - Hàm - Mặt để được bác sĩ kiểm tra và có những chỉ định phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.