Ăn mòn chân răng ở trẻ em là bệnh răng miệng thường gặp, nguyên nhân chủ yếu do chăm sóc và vệ sinh răng miệng không đúng cách. Nếu tình trạng này được phát hiện sớm và điều trị phù hợp sẽ tránh dẫn đến các biến chứng như mọc lệch răng vĩnh viễn hoặc viêm tủy răng.
1. Nguyên nhân dẫn đến bệnh ăn mòn chân răng ở trẻ em
Mòn chân răng không chỉ xảy ra đối với người lớn mà còn ở trẻ em khi răng sữa còn yếu. Bệnh ăn mòn chân răng ở trẻ em diễn biến theo thời gian và khó phát hiện ở giai đoạn đầu nếu không có dụng cụ thích hợp, do đó gia đình cần đưa trẻ đi khám nha khoa định kỳ để có kế hoạch chăm sóc răng miệng phù hợp.
Bệnh ăn mòn chân răng ở trẻ em gây ra rất nhiều tác động tiêu cực đối với sức khỏe răng miệng và sự phát triển của răng vĩnh viễn trong tương lai của trẻ. Răng bị mòn có thể khiến tổn thương tủy, dẫn đến nguy cơ mất răng sớm. Răng sữa khi bị rụng trước thời điểm sẽ có thể làm cho răng vĩnh viễn mọc lệch.
Bên cạnh đó, răng sữa bị mòn khiến cho trẻ có cảm giác đau nhức và ê buốt khi nhai thức ăn. Đây là nguyên nhân khiến trẻ trở nên biếng ăn, ảnh hưởng đến việc hấp thu chất dinh dưỡng cũng như tác động trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển thể chất của trẻ.
2. Nguyên nhân gây nên bệnh ăn mòn chân răng ở trẻ em
2.1 Lớp men và ngà răng của răng sữa còn mỏng
Răng sữa có lớp ngà và men răng mỏng, không được khỏe như răng vĩnh viễn. Do đó vi khuẩn và axit trong thức ăn dễ tấn công gây mòn chân răng. Bên cạnh đó một số trẻ nhỏ còn có thói quen nghiến răng khi ngủ, sự ma sát bề mặt răng cũng là nguyên nhân gây ăn mòn chân răng.
2.2 Khẩu phần ăn của trẻ chứa nhiều đường và tinh bột
Thực phẩm có chứa nhiều đường như kẹo, tinh bột, nước ngọt ảnh hưởng không nhỏ làm mài mòn răng của trẻ. Ăn nhiều thực phẩm này sẽ làm cho tốc độ mòn răng của trẻ trở nên nhanh hơn.
2.3 Quá trình chăm sóc răng miệng không đúng cách
Trẻ nhỏ khi mới mọc răng sữa, phụ huynh thường không chú ý đến vệ sinh răng miệng. Khi trẻ lớn hơn, việc vệ sinh răng miệng thường không được thực hiện đúng cách và kỹ càng. Răng khi không được làm sạch có thể tạo môi trường thuận lợi để vi khuẩn hoặc chất axit trong thức ăn tấn công làm mòn chân răng.
2.4 Chế độ dinh dưỡng thiếu hụt canxi và fluor
Canxi và fluor là 2 dưỡng chất quan trọng giúp răng chắc khỏe. Thiếu hụt hai chất này làm cho men răng sản sinh kém, răng sữa yếu hoặc bị tác động ăn mòn nhiều hơn.
3. Cách chữa bệnh ăn mòn chân răng ở trẻ em
Điều trị ăn mòn chân răng ở trẻ em tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm nguyên nhân gây nên mòn răng, mức độ nghiêm trọng của tình trạng mòn răng để có phương pháp điều trị phù hợp. Phụ huynh nên đến thăm khám tại bác sĩ nha khoa để có phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả nhất.
Một số biện pháp điều trị áp dụng tại gia đình như:
- Hình thành thói quen chăm sóc răng miệng đúng cách, loại bỏ các thói quen xấu trong chải răng.
- Thay đổi chế độ ăn hằng ngày, loại bỏ thức ăn chứa nhiều đường, đồ uống có axit.
- Hiện không có thuốc trị ăn mòn chân răng cho bé đặc hiệu, biện pháp phục hồi tổ chức răng đã mất cho trẻ nhỏ thường được bác sĩ áp dụng bao gồm tái khoáng mô răng bị mòn hoặc hàn trám răng:
- Nếu tình trạng ăn mòn chân răng nhẹ, bác sĩ có thể áp dụng tái khoáng răng bằng cách bổ sung các khoáng chất thiết yếu cho răng như canxi hoặc phospho ở lớp men răng giúp bảo vệ cấu trúc bên trong là ngà răng và tủy răng.
- Trường hợp ăn mòn chân răng nghiêm trọng hơn, phương pháp phù hợp hơn là hàn trám răng. Phương pháp hàn trám răng bằng cách sử dụng Amalgam hoặc Composite, giúp làm đầy các lỗ hổng trên răng. Phương pháp này không những giúp điều trị ăn mòn răng mà còn có thể ngăn chặn được tình trạng sâu răng, qua đó giúp đảm bảo an toàn cho răng sữa cho đến khi răng vĩnh viễn mọc.
4. Dự phòng bệnh ăn mòn chân răng ở trẻ em
Chăm sóc sức khỏe răng miệng cho trẻ em có thể giúp hàm răng sữa của trẻ luôn chắc khỏe cho đến thời điểm thay răng vĩnh viễn, do đó bố mẹ nên chú trọng đến vấn đề này. Một số lời khuyên mà bạn có thể tham khảo dưới đây:
- Làm sạch răng cho trẻ ngay từ những chiếc răng đầu tiên mọc lên, bằng cách sử dụng bàn chải đánh răng của trẻ nhỏ với nước hoặc khăn ướt.
- Tập cho trẻ hình thành thói quen chăm sóc và vệ sinh răng miệng sạch sẽ hằng ngày. Đánh răng đúng cách ít nhất hai ngày một lần.
- Thường xuyên kiểm tra tình trạng răng miệng của trẻ.
- Trẻ lớn hơn có thể sử dụng kem đánh răng chứa flour.
- Chế độ ăn của trẻ cần hạn chế đồ ăn có chứa quá nhiều đường, đồ uống có tính axit và không nên cho trẻ ăn trước khi đi ngủ.
- Chế độ ăn uống hằng ngày nên bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi.
- Hãy cho trẻ đến gặp bác sĩ nha khoa để được kiểm tra sức khỏe răng miệng thường xuyên, mỗi năm hai lần. Điều này giúp phát hiện kịp thời những vấn đề về răng miệng và dấu hiệu ăn mòn răng sớm, từ đó đưa ra các biện pháp hỗ trợ và điều trị hiệu quả, phù hợp.
Bệnh ăn mòn chân răng ở trẻ là bệnh răng miệng thường gặp, có thể khắc phục được nếu phát hiện và điều trị kịp thời. Hiện không có thuốc trị ăn mòn chân răng cho bé, điều trị bằng cách chăm sóc sức khỏe răng miệng đúng cách, trường hợp nặng có thể sử dụng phương pháp tái khoáng hoặc hàn trám răng. Nếu trẻ xuất hiện dấu hiệu ăn mòn chân răng cần đến nha sĩ để tránh dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.