Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Phan Đình Thủy Tiên - Bác sĩ Nội tổng quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Dùng thuốc súc họng là lựa chọn của nhiều người để giữ cho vùng miệng, họng luôn sạch sẽ, phòng ngừa nhiều bệnh lý viêm nhiễm. Tuy nhiên, cần dùng thuốc sát khuẩn họng theo chỉ định của bác sĩ để tránh gây mất cân bằng sinh thái của vi khuẩn tại họng.
1. Thuốc súc họng có công dụng như thế nào?
Trên thị trường hiện có các loại nước súc miệng và thuốc súc họng. Cụ thể:
- Nước súc miệng là các loại dung dịch giúp chăm sóc răng miệng với các tác dụng như: Khử mùi, mang lại hơi thở thơm mát, giảm tình trạng viêm nướu, giảm hình thành cao răng, mảng bám và giảm nguy cơ sâu răng. Ngoài ra, nước súc miệng còn có thể cải thiện tình trạng răng ố vàng, có hiệu quả trong việc làm trắng răng. Tuy nhiên, sản phẩm này không có tác dụng điều trị các vấn đề răng miệng nghiêm trọng.
- Về thuốc súc họng: Họng là cửa ngõ tiếp xúc với môi trường bên ngoài, đồ ăn và thức uống. Mỗi khi viêm họng, bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân dùng nước muối hoặc thuốc súc họng. Thuốc súc họng được bào chế dưới dạng dung dịch, viên sủi hay thuốc bột (pha với nước trước khi sử dụng). Loại thuốc này được sử dụng trong các bệnh lý nhiễm khuẩn tại chỗ vùng mũi họng và răng miệng. Chúng có tác dụng loại bỏ mảng bám trong miệng, họng và khử mùi hôi do các loại vi khuẩn gây ra,...
Nếu sử dụng nước muối súc họng, người bệnh có thể dùng nước muối sinh lý 0,9% hoặc tự pha nước muối. Tuy nhiên, khi pha nước muối để súc họng chỉ nên pha nhạt (chú ý không pha nhạt quá vì nước muối sẽ ít tác dụng sát khuẩn, trung hòa pH; không pha mặn quá để tránh gây tổn thương niêm mạc vùng họng).
XEM THÊM: Lưu ý khi sử dụng nước súc miệng diệt khuẩn
2. Có những loại thuốc súc họng nào?
Thuốc sát khuẩn họng dùng súc họng được chia thành 3 nhóm:
- Kháng sinh súc họng: Loại kháng sinh được dùng phổ biến nhất để sản xuất thuốc súc họng là tyrothricin;
- Thuốc sát khuẩn súc họng: Givalex, betadine gargle, muối bicarbonat, muối borat,...;
- Thuốc trung hòa pH: Nước muối sinh lý 0,9%, natri bicarbonat,...
Ngoài ra, trong thành phần của các loại thuốc súc họng còn có thêm chất làm thơm, một số loại tinh dầu,...
XEM THÊM: Súc miệng bằng nước muối đúng cách
3. Dùng thuốc súc họng trong thời gian bao lâu?
3.1 Thời gian mỗi lần súc họng
Khi sử dụng thuốc súc họng, nên súc họng trên 2 lần/ngày. Với 1 - 2 ngụm đầu, nên súc họng thật sạch, sau đó ngậm thuốc diệt khuẩn họng trong 5 - 10 phút rồi nhổ thuốc ra. Người dùng tuyệt đối không nuốt thuốc.
Một số loại thuốc súc họng có thời gian sử dụng ngắn hơn. Cụ thể, nước súc miệng listerine chỉ nên ngậm trong miệng 30 giây sau khi đánh răng.
Với phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, chỉ nên súc họng bằng dung dịch nước muối nhạt.
3.2 Thời gian sử dụng một đợt thuốc súc họng
Hiện nay, có nhiều người sử dụng thuốc súc họng tùy tiện, không theo chỉ định. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, thuốc súc họng nên sử dụng dưới 10 ngày (trừ nước muối sinh lý). Việc sử dụng thuốc sát khuẩn họng quá dài ngày có thể gây mất cân bằng sinh thái lớp thảm vi khuẩn tại họng. Từ đó, gây ra một số bệnh lý như nấm họng, viêm loét họng hoặc mất sức đề kháng vùng họng, tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyến cáo:
- Không sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc súc họng có thành phần sát khuẩn nếu chưa được bác sĩ chỉ định, theo dõi chặt chẽ;
- Thuốc súc họng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn như ngứa họng và miệng, phát ban, phồng rộp vùng môi,... nếu không sử dụng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Do đó, nếu gặp các dấu hiệu bất thường, người bệnh nên dừng thuốc, báo cho bác sĩ để kịp thời xử trí. Bác sĩ có thể đổi loại thuốc hoặc đổi phương pháp điều trị;
- Sử dụng thuốc súc họng không đúng cách có thể gây tổn thương niêm mạc vùng họng nặng hơn trước;
- Các loại kháng sinh nhóm β lactam chỉ nên sử dụng khi đi khám thấy có hiện tượng bội nhiễm vi khuẩn vùng họng.
Khi sử dụng thuốc súc họng, bệnh nhân nên tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không dùng quá thời gian hoặc liều lượng được khuyến nghị. Khi xảy ra các dấu hiệu bất thường, nên ngừng thuốc và báo ngay cho bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.