Cồn 70 độ sát trùng vết thương được không là băn khoăn của nhiều người khi có ý định sử dụng cồn. Đặc biệt hiện nay những loại thuốc sát trùng rất đa dạng và ngày càng dễ tiếp cận nên khiến nhiều người băn khoăn.
1. Vai trò của cồn trong sát trùng vết thương
Thực hành làm sạch vết thương là một phần không thể thiếu trong việc xử trí vết thương do bất kỳ nguyên nhân nào, từ chấn thương cấp tính cũng như vết thương mãn tính. Theo đó, chăm sóc vết thương “tốt” đồng nghĩa với việc ngăn ngừa và kiểm soát sự ô nhiễm vi sinh tại chỗ, giảm khả năng nhiễm trùng và phòng tránh những tác động có hại đối với quá trình chữa lành vết thương. Để đảm bảo được điều này, đó là vai trò của thuốc sát trùng tại chỗ. Đây là các chất kháng khuẩn có tác dụng tiêu diệt, ức chế hoặc làm giảm số lượng vi sinh vật và được cho là cần thiết để kiểm soát nhiễm trùng vết thương.
Thuốc sát trùng tại chỗ quen thuộc, phổ biến và có lịch sử sử dụng lâu đời nhất để rửa vết thương là cồn (hay rượu). Mặc dù một số loại cồn đã được chứng minh là có khả năng kháng khuẩn hiệu quả, nhưng cồn etylic, cồn isopropyl và n-propanol được dùng nhiều nhất để khử trùng bề mặt cứng và khử trùng da. Nhìn chung, cồn là thuốc sát trùng tại chỗ được phân loại là loại I, an toàn, hiệu quả không chỉ đối với vết thương mà còn dùng cho nhân viên y tế rửa tay hay chuẩn bị da cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật.
Các loại cồn nêu trên đã được chứng minh là có hoạt tính diệt khuẩn in vitro tuyệt vời với khả năng chống lại hầu hết các vi khuẩn gram dương và gram âm. Cơ chế tiêu diệt vi khuẩn của cồn là gây tổn thương màng và sự biến tính nhanh chóng của protein, sau đó can thiệp vào quá trình trao đổi chất và sự đông tụ và biến tính của protein ly giải tế bào. Ngoài ra, cồn cũng có thể tiêu diệt được vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis, các loại nấm khác nhau và một số loại vi rút có vỏ bọc. Tuy nhiên, cồn lại không có tính tiêu diệt bào tử và có hoạt tính kém đối với một số loại vi rút không có vỏ bọc. Ngoài ra, hoạt tính kháng khuẩn của cồn còn phụ thuộc vào nồng độ của dung dịch. Cụ thể là tác dụng sẽ trở nên thấp hơn đáng kể nếu ở nồng độ dưới 50% và tối ưu nhất là trong khoảng 60–90%.
2. Tại sao nên dùng cồn 70 độ rửa vết thương?
Cồn isopropyl, đặc biệt trong các dung dịch từ 60% đến 90% cồn pha với 10 - 40% nước tinh khiết, thông thường là chọn cồn 70 độ rửa vết thương dựa trên các bằng chứng là có khả năng kháng khuẩn nhanh chóng chống lại vi khuẩn, nấm và vi rút. Khi nồng độ cồn giảm xuống dưới 50%, tác dụng hữu ích cho việc khử trùng sẽ giảm mạnh. Đáng chú ý, nồng độ cồn cao hơn, như trên 90% cho đến cồn nguyên chất, lại không tạo ra các đặc tính diệt khuẩn, diệt virus hoặc diệt nấm tốt hơn mà còn gây lãng phí.
Mặt khác, sự hiện diện của nước cũng là một yếu tố quan trọng trong việc tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh khi dùng cồn 70 độ rửa vết thương. Lúc này, nước đóng vai trò là chất xúc tác và đóng vai trò chủ yếu trong việc biến tính protein của màng tế bào sinh dưỡng. Tại nồng độ 70%, dung dịch sát khuẩn chứa cồn sẽ thâm nhập vào thành tế bào hoàn toàn hơn, thấm qua toàn bộ tế bào, đông tụ tất cả các protein và do đó vi sinh vật sẽ bị tiêu diệt. Bên cạnh đó, hàm lượng nước bổ sung còn giúp làm chậm quá trình bay hơi, do đó tăng thời gian tiếp xúc bề mặt và nâng cao hiệu quả. Trong khi với nồng độ cồn trên 90% sẽ làm đông tụ protein ngay lập tức, với cồn 70 độ rửa vết thương, nồng độ thấp hơn sẽ tạo được một lớp bảo vệ các protein khác không bị đông tụ thêm, giúp chất sát khuẩn thấm sâu hơn vào bên trong tế bào.
3. Cách sử dụng cồn 70 độ rửa vết thương
Cồn 70 độ hay các chất sát trùng nói chung chỉ nên dùng để rửa vết thương rách da có nhiễm trùng. Trái lại, các vết thương hở hay có mức độ sâu thì không nên dùng chất sát trùng trong quá trình chăm sóc. Điều này là bởi vì mặc dù thuốc sát trùng có thể tiêu diệt vi khuẩn có hại nhưng chúng cũng có thể làm hỏng các mô khỏe mạnh xung quanh. Thật vậy, các mô hạt mới mọc luôn đặc biệt nhạy cảm với các chất khử trùng mạnh vì thành tế bào nhạy cảm, mong manh hơn da trưởng thành. Do đó, việc dùng cồn 70 độ rửa vết thương không đúng cách sẽ càng khiến vết thương chậm lành hơn.
Như vậy, khi nói đến việc làm sạch các vết thương bề ngoài da, xà phòng pha loãng và nước sạch mới là chất tốt nhất khi chăm sóc. Bên cạnh đó, đối với vết thương mới lành, hãy rửa vết thương bằng một lượng lớn nước muối sinh lý, để chảy qua vết thương thay vì dùng cồn 70 độ rửa vết thương.
Cuối cùng, ngay cả trên vùng da lành lặn, nếu tiếp xúc với dung dịch cồn lâu ngày hay có tần suất sử dụng cao thì sẽ gây ra hiện tượng khô da và tăng kích ứng da. Hậu quả là vùng da bị mất nước, giảm đàn hồi, trở nên khô ráp, nứt nẻ, ngứa ngáy và càng tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng xâm nhập, dễ gây viêm nhiễm. Chính vì thế, việc cồn 70 độ rửa vết thương cần đúng chỉ định, tránh dùng bừa bãi dễ gây lãng phí và còn có nguy cơ mắc phải tác dụng không mong muốn.
Tóm lại, trong bối cảnh nhiều thuốc sát trùng đa dạng bày bán trên thị trường, nhiều người thắc mắc có nên dùng cồn 70 độ rửa vết thương hay chọn dùng nồng độ cao hơn. Theo đó, những hiểu biết về vai trò, cơ chế hoạt động của cồn 70 độ rửa vết thương sẽ giúp mọi người sử dụng đúng mục đích, vừa chống lại sự xâm nhập vi khuẩn gây nhiễm trùng tại chỗ, vừa tạo điều kiện giúp tổn thương mau lành hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.