Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Đặng Thị Ngọc Chương - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Nước là thành phần quan trọng của cơ thể, mất nước có thể đe dọa tính mạng bé yêu. Nhất là trong thời tiết nắng nóng, hoặc khi bé đang mắc bệnh, tình trạng mất nước sẽ nhiều hơn. Nhưng do chức năng thận của trẻ ở giai đoạn sơ sinh chưa hoàn thiện, nên nếu bổ sung quá nhiều nước có thể gây nguy hiểm cho bé.
1. Trẻ sơ sinh được cung cấp đủ nước qua sữa mẹ
Sữa mẹ chứa hơn 80% là nước, đặc biệt là sữa đầu dòng (sữa đầu mỗi cữ bú). Do đó, bất cứ khi nào người mẹ cảm thấy con mình khát, mẹ có thể cho con bú. Điều này sẽ thỏa mãn “cơn khát” của bé và tiếp tục bảo vệ bé khỏi nguy cơ nhiễm trùng. Bé không cần nước trước khi được 6 tháng tuổi, ngay cả trong điều kiện khí hậu nóng. Đây cũng là một trong những lý do mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị trẻ nên được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.
Một đứa trẻ được coi là bú mẹ hoàn toàn khi chỉ nhận được sữa mẹ, không có bất kỳ thức ăn hoặc chất lỏng bổ sung nào, ngay cả nước; ngoại trừ khi trẻ cần dùng thuốc, dung dịch bù nước đường uống, thuốc nhỏ, siro vitamin, khoáng chất theo chỉ định của bác sĩ.
Khi cho con bú nghĩa là mẹ đã cho bé uống tất cả nước mà bé cần, đồng thời cung cấp nước an toàn và bảo vệ bé chống lại bệnh tiêu chảy.
Cho trẻ uống nước với số lượng lớn thậm chí có thể dẫn đến ngộ độc nước uống, đó là tình trạng các chất điện giải (như natri) trong máu của em bé bị pha loãng, ức chế các chức năng cơ thể bình thường và dẫn đến các vấn đề nguy hiểm như nhiệt độ cơ thể thấp hoặc co giật .Vì trẻ dưới 6 tháng tuổi có khối lượng cơ thể thấp, việc uống nước rất dễ khiến vượt nhu cầu Natri bình thường của cơ thể - những khoáng chất và chất điện giải này đã có đủ trong sữa mẹ khi mẹ cho bé bú.
Trắc nghiệm: các chỉ số cần chú ý về sự phát triển thể chất của trẻ
Chiều cao, cân nặng của bé ở từng giai đoạn nên là bao nhiêu là bình thường, bao nhiêu là bất thường? Cùng ThS.BS Ma Văn Thấm điểm lại xem bạn đã nắm được các chỉ số phát triển thể chất của bé chưa nhé!Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)
2. Có nên cho trẻ sơ sinh uống nước?
Trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn dưới 6 tháng tuổi không cần bổ sung thêm nước. Tuy nhiên, nếu bé nhà bạn đang được cho uống sữa công thức, thỉnh thoảng bạn nên cho bé uống thêm một ít nước. Bởi sữa công thức thường có chứa nhiều muối hơn, việc cho bé uống thêm một ít nước sẽ giúp cho việc bài tiết trở nên dễ dàng. Ngoài ra, do quá trình trao đổi chất của các bé uống sữa công thức sẽ diễn ra chậm hơn nên thường bé sẽ có nhu cầu bổ sung nước nhiều hơn so với các bé bú mẹ.
Nếu bé bị táo bón, sốt hoặc nếu nhiệt độ thời tiết quá nóng, bạn có thể cho bé uống vài thìa nhỏ nước đun sôi để nguội. Tuy nhiên, tránh cho bé uống quá nhiều và hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi làm điều này nhé.
3. Tác hại khi cho trẻ uống nước
3.1. Uống nước có thể làm ảnh hưởng đến việc hấp thu sữa
Đối với các bé dưới 6 tháng, sữa mẹ là nguồn thực phẩm chứa đầy đủ tất cả các chất dinh dưỡng mà bé cần, bao gồm cả nước. Chính vì vậy, việc cho bé uống thêm nước sẽ làm cản trở khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ. Không những vậy, kích thước dạ dày của trẻ sơ sinh còn rất nhỏ, việc uống thêm nước sẽ làm đầy dạ dày, khiến bé no và không chịu bú sữa mẹ. Lâu dần, bé sẽ không nhận đủ dinh dưỡng từ sữa mẹ, từ đó làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của bé.
3.2. Tăng nguy cơ nhiễm trùng
Trẻ sơ sinh uống nước có thể gây hại bởi uống nước có thể khiến bé dễ bị nhiễm trùng. Nước, dù có sạch và tinh khiết đến đâu đi nữa thì cũng có nguy cơ chứa mầm bệnh.
Hệ miễn dịch của bé vẫn còn yếu, nếu uống phải nước có chứa mầm bệnh, bé sẽ nguy cơ bị tiêu chảy và suy dinh dưỡng rất cao. Theo thống kê, trẻ uống thêm nước có nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy cao hơn hai đến ba lần so với những trẻ chỉ bú sữa mẹ.
3.3. Gây nhiễm độc nước
Tình trạng này tương đối hiếm gặp nhưng cũng đã có bé gặp phải. Cho bé uống nhiều nước sẽ làm loãng nồng độ natri trong cơ thể. Số natri đó sẽ theo nước thoát ra bên ngoài cơ thể vì thận bé vẫn chưa hoàn thiện, từ đó dẫn đến thiếu hụt. Trẻ bị thiếu natri có thể ảnh hưởng đến hoạt động của não, bé có thể bị động kinh, co giật...
3.4. Ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ
Việc cho bé sơ sinh dưới 6 tháng tuổi uống nước không chỉ không tốt cho sức khỏe của bé mà còn gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe người mẹ. Một số chuyên gia cho rằng hành động này có thể tác động đến việc sản xuất sữa mẹ.
4. Khi nào cho trẻ uống nước?
Các tổ chức Y tế trên thế giới khuyên mẹ nên đợi đến khi bé bắt đầu ăn dặm. Tại thời điểm đó, mẹ có thể cung cấp một lượng nhỏ nước đun sôi để nguội nhưng không thay thế sữa mẹ. Bé vẫn nên được cho bú mẹ tiếp tục và kéo dài về sau mà theo khuyến cáo của WHO là nên kéo dài đến 24 tháng để trẻ được phát triển toàn diện.
4.1. Thời điểm nên cho bé uống nước
Thời điểm tốt nhất mà bạn có thể bắt đầu cho trẻ sơ sinh uống nước là khi bé bắt đầu ăn dặm. Uống nước ở thời điểm này sẽ giúp ngăn ngừa táo bón. Khi bé đã bước qua giai đoạn ăn dặm, bạn cũng nên tiếp tục cho bé bú mẹ bởi sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng rất tuyệt vời và tốt cho sức khỏe.
4.2. Cách cho bé uống nước
Bạn có thể cho bé uống nước bằng thìa hoặc đổ nước vào bình hoặc cốc để bé dễ uống. Trẻ nhỏ thường hay bắt chước những gì người lớn làm, do đó, mỗi lần bạn uống, hãy làm gương cho bé nhé.
4.3. Nên cho bé uống bao nhiêu nước?
Lúc này, bé sẽ không cần uống quá nhiều nước. Khi bé 4 – 6 tháng tuổi, mỗi ngày, bạn có thể cho bé uống vài ngụm nước nhỏ (không quá 4 muỗng). Khi bé lớn hơn 1 chút, bạn có thể tăng dần lượng nước này lên.
Thông thường, tập cho trẻ nhỏ uống nước khá là đơn giản. Khi bé lớn hơn 1 chút, bạn hãy tập cho bé thói quen uống nước sau mỗi lần ra ngoài về, sau khi chơi hay ăn... Uống nước thường xuyên là thói quen tốt để giúp bé tránh xa các vấn đề về sức khỏe trong tương lai. Nếu bạn thấy bé không thích uống nước, đừng cố ép bé mà hãy thử cho bé uống lại vào lần sau.
5. Lưu ý khi cho trẻ uống nước
Khi cho bé uống nước, bạn cần lưu ý một số điều sau:
- Cho bé uống theo nhu cầu
- Không nên cho bé uống nước trước bữa ăn vì vừa khiến bé có cảm giác no, không muốn ăn đồng thời làm loãng dịch vị, không tốt cho dạ dày và hệ tiêu hóa.
- Hạn chế uống nhiều nước trước khi đi ngủ vì có thể khiến bé dễ “tè dầm” hoặc thức giấc giữa đêm, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.