Có được bôi thuốc kháng sinh vào vết thương hở không ?

Bị thương là tình trạng xảy ra khá phổ biến trong cuộc sống hàng ngày và có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào. Nếu tình trạng tổn thương nhỏ, không rách da chảy máu, bạn có thể tự chữa trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu chẳng may vết thương lớn, hở rộng, nhiều người vẫn còn gặp khó khăn trong việc xử trí. Nhiều bệnh nhân tự hỏi khi chăm sóc vết thương hở có được bôi thuốc kháng sinh hay không ?

1. Vết thương hở là gì?

Vết thương hở được định nghĩa là một tổn thương lớp mô bên ngoài cơ thể và làm vết thương thông với môi trường bên ngoài. Tuy nhiên, hầu hết các vết thương hở nhỏ và không chảy máu nhiều có thể được điều trị tại nhà.

Hiện tại, có một số người đang áp dụng những mẹo truyền miệng hoặc các phương pháp theo cách dân gian để chăm sóc vết thương hở. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, người bệnh cần cẩn thận và tránh xa những cách làm không có bằng chứng y học, vì không những không lành vết thương mà còn làm cho tình trạng nặng nề hơn.

2. Có được bôi thuốc kháng sinh vào vết thương hở không ?

Có được bôi thuốc kháng sinh vào vết thương hở không là thắc mắc của nhiều người khi vô tình bị tai nạn dẫn đến những tổn thương hở ngoài da. Bôi thuốc kháng sinh vào vết thương hở nên được thực hiện để giúp vết thương mau lành cũng hạn chế nguy cơ nhiễm trùng. Tuy nhiên, việc này cần được thực hiện đúng cách dưới sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ và người bệnh không được tự ý dùng thuốc kháng sinh một cách bừa bãi.

Trong một số trường hợp vết thương nhỏ, không quá sâu và không chảy máu quá nhiều thì người bệnh có thể tự xử lý tại nhà theo hướng dẫn như sau:

  • Cầm máu: trong trường hợp vết thương vẫn còn chảy máu
  • Rửa sạch và sát khuẩn: người bệnh cần loại bỏ các dị vật còn bám trên vết thương và rửa sạch vết thương bằng nước sạch, dung dịch sát khuẩn hoặc nước muối sinh lý.
  • Bôi kháng sinh: để vết thương mau lành, hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn, người bệnh có thể bôi các loại thuốc mỡ hoặc bôi thuốc kháng sinh vào vết thương hở. Lưu ý chỉ được bôi thuốc kháng sinh dạng dùng ngoài da lên vết thương, không được rắc thuốc kháng sinh vào vết thương hở. Một số loại kem mỡ có các thành phần như kẽm, Neomycin, Polymyxin B, Sulfadiazine bạc 1%, D-panthenol,... thường hay được sử dụng. Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ để lựa chọn loại kem mỡ phù hợp với tình trạng của bạn.
  • Băng vết thương: Để hạn chế sự tiếp xúc của vi khuẩn ở môi trường bên ngoài, sau khi bôi thuốc kháng sinh, người bệnh hãy sử dụng băng gạc y tế loại chống thấm nước để băng vết thương lại .
  • Kiểm tra, thay băng: kiểm tra vết thương, vệ sinh vết thương và thay băng cần thực hiện hàng ngày trong quá trình chăm sóc. Chú ý làm sạch và bôi thuốc kháng sinh đều đặn để vết thương mau lành.

Trong trường hợp vết thương hở quá rộng, quá sâu hoặc điều trị tại nhà không cải thiện thì cần tới bệnh viện để kiểm tra và điều trị.

3. Hậu quả của việc rắc thuốc kháng sinh vào vết thương hở

Mặc dù có vẻ rất vô lý nhưng đây là một trong những sai lầm mà nhiều người mắc phải khi chăm sóc vết thương. Nhiều người suy nghĩ rằng, kháng sinh sẽ giúp hạn chế nhiễm trùng, lành vết thương mà không biết hành động rắc thuốc kháng sinh vào vết thương hở không những không có tác dụng điều trị, mà còn dễ làm vết thương nặng thêm, thậm chí gây ra dị ứng, sốc phản vệ.

Rắc thuốc kháng sinh vào vết thương hở tăng nguy cơ dị ứng, sốc phản vệ

Rắc thuốc kháng sinh trực tiếp lên vết thương hở sẽ làm kích thích da tại chỗ, kích ứng gây viêm, vì đây là các loại thuốc được bào chế cho đường uống, không phù hợp khi sử dụng trực tiếp trên da như các loại thuốc bôi kháng sinh. Nếu vết thương hở bị rắc thuốc kháng sinh sẽ dẫn đến dị ứng, trường hợp nặng có thể gây ra sốc phản vệ. Dị ứng kháng sinh thường nguy hiểm và nhiều trường hợp có thể gây tử vong nhanh chóng.

Không có tác dụng chống nhiễm khuẩn

Kháng sinh sau khi rắc lên vết thương hở vài giờ sẽ khô lại, nên nồng độ kháng sinh thấm được vào các mô bị tổn thương là không đáng kể, vì vậy không có tác dụng trong việc phòng chống nhiễm khuẩn. Thậm chí, rắc thuốc kháng sinh vào vết thương còn gây sưng tấy và làm vết thương mưng mủ hoặc hoại tử. Người bệnh còn có thể gặp tình trạng sốt do cơ thể phản ứng với việc rắc thuốc kháng sinh vào vết thương hở.

Làm vết thương lâu lành

Khi có vết thương hở, điều quan trọng cần làm là giúp vết thương mau lên da non, khép miệng vết thương lại. Tuy nhiên, nếu rắc thuốc kháng sinh vào vết thương sẽ tạo thành lớp vỏ khô bao phủ bên ngoài da, đây tương tự như một hàng rào vật lý sẽ làm cản trở các yếu tố bảo vệ cơ thể và giúp làm lành vết thương như máu, kháng thể, bạch cầu. Điều này sẽ làm vết thương lâu lành hơn, chậm lên da non và khả năng bảo vệ cơ thể khỏi viêm, nhiễm trùng cũng sẽ bị hạn chế hơn.

4. Những sai lầm khi chăm sóc vết thương hở

Trong quá trình chăm sóc vết thương hở, người bệnh cần chú ý tránh mắc những sai lầm sau đây để không làm cản trở việc lành vết thương cũng như hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.

Không vệ sinh sạch sẽ vết thương hở ngay từ đầu

Điều này là do trường hợp vết thương nhỏ, ngoài da nên nhiều bệnh nhân thường chủ quan, không để ý mà tiến hành băng vết thương ngay. Việc không thực hiện các bước vệ sinh, làm sạch và sát khuẩn cho vết thương làm cho bụi bẩn, dị vật và vi trùng sẽ còn bám trên bề mặt vết thương và khiến vùng này dễ bị nhiễm trùng, chảy nước, lở loét và trở lên nặng hơn. Hậu quả là làm kéo dài quá trình lành vết thương dù sau đó người bệnh có bôi thuốc kháng sinh vào vết thương hở.

Rửa vết thương hở với oxy già hoặc cồn

Oxy già hay cồn thường được nhiều người sử dụng để sát trùng vết nhằm giúp diệt vi khuẩn và hạn chế tình trạng nhiễm trùng. Điều này có thể đúng trong một vài trường hợp, vì oxy già là một chất oxy hóa mạnh có thể giúp tiêu diệt các vi khuẩn kỵ khí thường hay sinh sôi và phát triển trong các vết thương. Trong khi đó, cồn sẽ giúp thủy phân các protein và chất béo có trong cấu tạo của vi khuẩn.

Tuy nhiên, với trường hợp vết thương hở thì khi sử dụng cồn và oxy già, bên cạnh việc tiêu diệt vi khuẩn, các thành phần lành tính cũng có tác dụng bảo vệ cơ thể như các bạch cầu, tiểu cầu và các mô mới lành cũng có thể bị tiêu diệt. Điều này sẽ làm cho vết thương lâu lành hơn và còn tạo điều kiện cho tình trạng nhiễm trùng cơ hội xảy ra. Do đó, bạn có thể sử dụng nước sạch, nước muối để làm sạch, sát khuẩn cho vết thương của bạn.

Khi có vết thương hở, bạn có thể bôi thuốc kháng sinh dạng mỡ dùng ngoài da để giúp vết thương mau lành và hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, chú ý không rắc thuốc kháng sinh vào vết thương hở một cách trực tiếp và hãy hạn chế mắc phải các sai lầm đã nêu trong quá trình chăm sóc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

DIABETEGEN - Kem dưỡng da - Tác động vượt trội

Công thức sáng tạo với 22 thành phần, trong đó có chứa:
- Colostrum (Sữa non): giúp tái tạo da, dưỡng ẩm, làm dịu da
- Silver Nano (Nano bạc): giúp bảo vệ và kháng khuẩn trên da

Diabetegen

>> Xem chi tiết sản phẩm TẠI ĐÂY

Tên và địa chỉ tổ chức đưa sản phẩm ra thị trường: Công ty TNHH Dược phẩm Helios

- Văn phòng B.6.02, Tòa tháp B, Tầng 6, Tòa nhà Milennium, số 132 Bến Vân Đồn, Phường 06, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

(XNQC số: 879/2002/XNQC-YTHCM)

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe