Có thể chụp X quang khung chậu cho bà mẹ mang thai?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thanh Nam - Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Chụp Xquang khung chậu là phương pháp rất có giá trị trong chẩn đoán và điều trị các vấn đề sức khỏe. Đối với phụ nữ mang thai, chụp X quang khung chậu có thể được bác sĩ chỉ định để dự đoán khả năng sinh thường cho thai phụ.

1. Giải phẫu khung chậu

Khung chậu được ví như một giá đỡ, chứa đựng các tạng ở bên trong gồm bàng quang, trực tràng, tử cung, buồng trứng (ở phụ nữ). Khung chậu được cấu tạo bởi 4 xương: Ở phía trước và 2 bên là 2 xương chậu, ở phía sau là xương cùng ở trên và xương cụt ở dưới. Cụ thể là:

  • 2 xương chậu: Là 2 xương dẹt, to và có hình cánh quạt;
  • Xương cùng: Gồm 5 đốt, có 2 mặt và 2 bờ bên, đỉnh xương cùng tiếp giáp với xương cụt;
  • Xương cụt: Có từ 4 - 6 đốt, gồm một mặt trước, một mặt sau và 2 bờ.

4 xương của khung chậu khớp với nhau bằng 4 khớp bán động: Phía trước là khớp mu, 2 bên là 2 khớp cùng - chậu và phía sau là khớp cùng cụt. Các khớp của khung chậu có khả năng giãn nở được trong quá trình chuyển dạ, tạo điều kiện thuận lợi để đầu của thai nhi đi qua khung chậu. Tuy nhiên, khả năng giãn nở của các khớp khung chậu sẽ giảm đi nếu người mẹ lớn tuổi, thai phụ ít vận động trong thai kỳ.

Mặt trong của xương chậu có đường vô danh, chia khung chậu làm 2 phần: Phần trên là khung chậu to (đại khung), phần dưới là khung chậu nhỏ (tiểu khung).

2. Tìm hiểu kỹ thuật chụp X quang khung chậu

Chụp X-quang là phương pháp sử dụng một lượng nhỏ phóng xạ để chụp một bức ảnh của xương chậu, bao quanh vùng hông. Kỹ thuật chụp X-quang khung chậu an toàn, không gây đau, rất quan trọng trong quá trình khám và chẩn đoán các bệnh lý liên quan.


Chụp X quang khung chậu
Chụp X quang khung chậu

2.1 Quá trình thực hiện chụp X-quang khung chậu

Toàn bộ ca chụp có thể mất 10 phút hoặc hơn nhưng thời gian người được chụp tiếp xúc với bức xạ chỉ mất một vài giây. Quy trình thực hiện như sau:

  • Để bảo vệ một số bộ phận của cơ thể, bệnh nhân được yêu cầu mặc áo chì;
  • Kỹ thuật viên hướng dẫn tư thế đứng chụp;
  • Kỹ thuật viên vận hành máy chụp X-quang;
  • Bệnh nhân đứng yên một vài giây trong khi chụp để tránh hình ảnh X-quang bị mờ

Nếu bệnh nhân không thể di chuyển đến phòng chụp X-quang, máy X-quang di động sẽ được đưa tới bên giường bệnh. Người bệnh có thể được chụp trong tư thế nằm hoặc ngồi.

Trong khi chụp, máy X-quang sẽ gửi một chùm bức xạ qua khung xương chậu và hình ảnh được ghi lại trên phim hoặc máy tính. Hình ảnh X-quang cho thấy các xương của khung xương chậu, bao gồm 2 xương hông, xương cùng và xương cụt. Trên hình ảnh X-quang, xương sẽ xuất hiện dày đặc, ngăn cản các tia bức xạ và xương có màu trắng. Các mô cơ thể (cơ bắp và chất béo) cho phép bức xạ xuyên qua, có màu tối.

2.2 Vai trò của chụp Xquang khung chậu

Kỹ thuật chụp X-quang khung chậu được chỉ định sử dụng nhằm tìm ra nguyên nhân của các triệu chứng sưng, đau, biến dạng ở xương chậu, hông hay vùng đùi. Bên cạnh đó, phương pháp này còn có thể phát hiện tình trạng gãy xương sau chấn thương, các vấn đề như khối u, nhiễm trùng tại vùng xương chậu,... Đối với phụ nữ mang thai, chụp X-quang khung chậu còn giúp dự đoán khả năng sinh thường.

3. Phụ nữ mang thai có thể chụp X-quang khung chậu không?

Thông thường, thai phụ có chiều cao dưới 150cm hoặc mông nhỏ sẽ có khung chậu hẹp hoặc giới hạn, khó sinh qua ngả âm đạo. Chụp X-quang khung chậu được chỉ định trong những trường hợp bác sĩ muốn đánh giá xem thai phụ có khả năng sinh con qua ngả âm đạo được hay không. Những chỉ định thông thường gồm:

  • Ước tính cân nặng thai nhi to (con so nặng trên 3,5kg);
  • Con so ngôi mông;
  • Thai thuận, sẹo mổ lấy thai cũ không phải do nguyên nhân khung chậu hẹp hoặc giới hạn;
  • Thời điểm cho chụp X-quang khung chậu thường là thai 38 tuần tuổi.

Tia X là một dạng bức xạ không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Tia X được sử dụng trong chụp X-quang các bệnh lý về xương, phổi và nhiều cơ quan khác. Tia X có thể kèm theo nguy cơ ung thư, bệnh bạch cầu cấp cho thai nhi nhưng nguy cơ này rất nhỏ.

Thai nhi có nguy cơ phát triển bệnh ung thư về sau nếu nhiễm liều bức xạ từ 2 - 6 rads. Thai nhi có nguy cơ dị tật bẩm sinh nếu nhiễm liều bức xạ trên 5 rads. Trong khi đó, liều bức xạ với chụp khung chậu chỉ khoảng 1.1 mGy (1 rads = 10 mGys). Tuổi thai nhỏ dễ bị ảnh hưởng. Với thai nhi có tuổi thai trên 38 tuần, mức độ ảnh hưởng cũng thấp hơn.

Vì vậy, khi dùng tia X để chẩn đoán (như chụp X-quang chậu), liều bức xạ được dùng rất thấp, thấp hơn nhiều so với liều gây hại cho thai nhi. Đồng thời, chỉ định thực hiện X-quang khung chậu là khi thai được 38 tuần tuổi nên hầu như không gây ảnh hưởng tới trẻ.

Tuy nhiên, việc chỉ định chụp Xquang cho bà bầu cũng nên hạn chế, chỉ thực hiện khi cần thiết theo chỉ định của bác sĩ và chụp dưới sự hỗ trợ của các biện pháp phòng ngừa. Đồng thời, thai phụ cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình chụp X-quang.

Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Thanh Nam từng là Giảng viên Bộ môn Chẩn đoán Hình ảnh, Đại học Y Dược Huế với trình độ tiếng Anh, tiếng Nga tốt và trên 10 kinh nghiệm trong các các lĩnh vực của Chẩn đoán hình ảnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe