Thoát vị bẹn là bệnh lý gặp khá phổ biến ở nam giới. Người bệnh thường thường có cảm giác khó chịu ở 1 hay cả 2 bên bìu do khối thoát vị di chuyển xuống vùng bìu. Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị thoát vị bẹn được áp dụng rộng rãi. Liệu rằng có thể chữa trị thoát vị bẹn bằng đông y được không? Hãy cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
1. Tổng quan về bệnh thoát vị bẹn
1.1. Thoát vị bẹn là gì?
Thoát vị bẹn xảy ra khi mà tạng trong ổ bụng rời khỏi vị trí ban đầu ở ổ bụng để đi xuống bìu. Thoát vị bẹn là loại thoát vị gặp phổ biến nhất của các loại thoát vị thành bụng.
Các tạng ở trong ổ bụng, phổ biến nhất như tạng ruột, có thể di chuyển xuống bìu và bị chèn ép trong khối thoát vị, gây ra tình trạng tắc nghẽn. Do đó, máu không được cung cấp cho khối thoát vị được liên tục ảnh hưởng đến tuần hoàn máu tại khối thoát vị. Trường hợp nghiêm trọng có nguy cơ gây nên thiếu máu cục bộ và dẫn đến hoại tử. Không thể dự đoán được các biến chứng có thể xảy ra khi nào.
1.2. Triệu chứng của thoát vị bẹn
- Có khối thoát vị ở một hoặc cả 2 bên háng, khối thoát vị này có thể phình to hơn khi người bệnh ho hoặc đứng lên và tự động biến mất khi người bệnh nằm xuống. Trường hợp thoát vị ở nam giới thì khối thoát vị sẽ xuống vùng bìu gây nên chèn ép bìu dẫn đến bìu bị sưng đỏ.
- Người bệnh sẽ có cảm giác khó chịu hoặc đau, đặc biệt khi nâng vác các vật nặng hoặc tập thể dục. Người bệnh có thể cảm thấy đỡ đau và dễ chịu hơn khi nghỉ ngơi.
- Người bệnh có cảm giác có khối đè nặng tạo áp lực ở bẹn.
1.3. Ai có nguy cơ xảy ra thoát vị bẹn?
- Nam giới.
- Người cao tuổi do các cơ ở vùng thành bụng yếu, lỏng lẻo.
- Người lao động hay làm làm việc nặng nhọc.
- Người bệnh mắc táo bón trong thời gian dài nên thường xuyên tạo tạo áp lực lên ổ bụng khi đi vệ sinh.
- Những người mắc các bệnh như tràn dịch tinh mạc, u nang thừng tinh, ho mãn tính, u nang...
- Trẻ sinh thiếu tháng.
- Những người sinh ra trong gia đình có bố mẹ bị thoát bị bẹn.
- Người thừa cân, béo phì.
2. Thoát vị bẹn có nguy hiểm không?
Đa số thoát vị bẹn xảy ra ở người lớn không gây nguy hiểm trầm trọng và khả năng điều trị dứt điểm là rất cao. Tuy nhiên, nếu người bệnh phát hiện và tiến hành điều trị muộn, sẽ có nguy cơ gây ra các biến chứng nặng, đôi khi có thể dẫn đến tử vong.
Thoát vị nghẹt là biến chứng khá nguy hiểm và phổ biến của thoát vị bẹn. Khi mà các tạng trong ổ bụng di chuyển xuống vùng bẹn nhưng không thể trở lại vị trí cũ do bị nghẹt ở vùng cổ túi hoặc các tạng bị xoắn. Trường hợp này có thể gây thiếu máu cục bộ dẫn đến hoại tử ruột, mạc treo ruột.
Bên cạnh đó, thoát vị kẹt cũng là loại biến chứng phổ biến thứ 2, do tạng thoát bị chui xuống và không thể trở lại vị trí ban đầu vì bị dính vào túi thoát vị hoặc do tình trạng tạng thoát vị bị dính lại với nhau. Người bệnh thường hay có cảm giác vướng víu, khó chịu và dễ bị va chạm khối thoát vị nên dễ bị chấn thương hơn.
Biến chứng thứ 3 là biến chứng thoát vị. Biến chứng này gây ra do kích thước khối thoát vị lớn và dễ dàng di chuyển, do những tác động từ bên ngoài gây ra những tình trạng dập vỡ các tạng thoát vị.
3. Điều trị thoát vị bẹn
3.1. Thuốc có thể chữa khỏi thoát vị bẹn không?
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị dành cho bệnh thoát vị bẹn. Điều trị nội khoa không phải là phương pháp điều trị hiệu quả của thoát vị bẹn. Việc dùng thuốc sẽ giúp người bệnh cải thiện các triệu chứng như đau, khó chịu chứ không thể giải quyết hoàn toàn khối thoát bị đã di chuyển. Vì vậy, phương pháp điều trị ngoại khoa là hiệu quả nhất và cũng là tiêu chuẩn tuyệt đối cho bệnh lý thoát vị bẹn. Phương pháp phẫu thuật sẽ giúp các tạng trở về vị trí ban đầu và giúp các cơ thành bụng vững chắc hơn, tránh khối thoát vị dễ di chuyển xuống vùng bẹn.
Tuy nhiên trước khi quyết định thực hiện điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám chi tiết, đánh giá tình trạng của người bệnh để có thể đưa ra kết luận chính xác. Nếu người bệnh trên 65 tuổi hoặc mắc các bệnh lý nền nghiêm trọng, việc phẫu thuật khó có thể thực hiện. Trong trường hợp đó, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng dải đeo túi thoát vị, mặc quần chật...
Khuynh hướng hiện nay được khuyến cáo là nên giải quyết càng sớm càng tốt và nên điều trị ngay khi phát hiện bệnh để đề phòng ngừa nguy cơ bệnh diễn biến trầm trọng hơn. Nghĩa là mọi lứa tuổi (trừ trường hợp trẻ sinh non hoặc có bệnh lý nặng kèm theo) đều có thể thực hiện phẫu thuật chữa thoát bị bẹn.
3.2. Điều trị thoát vị bẹn bằng phương pháp phẫu thuật nội soi
Trước kia, người bệnh thoát vị bẹn thường được chỉ định thực hiện phương pháp mổ truyền thống, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phẫu thuật cao. So với phương pháp mổ hở, phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn có nhiều ưu điểm hơn, đặc biệt là tỷ lệ biến chứng thấp hơn. Do đó, phẫu thuật nội soi đã trở thành phương pháp điều trị thoát bị bẹn được mọi người ưa chuộng nhiều nhất.
Mổ nội soi có độ chính xác cao cùng nhiều lợi điểm như ít xâm lấn, đường mổ nhỏ, ít đau hơn, giảm nguy cơ nhiễm trùng, ít mất máu, không có vết sẹo trên thành bụng và tăng hiệu quả điều trị.
Không chỉ vậy, nếu người bệnh thực hiện mổ nội soi thì thời gian mổ cũng như phục hồi sẽ nhanh hơn hẳn so với phương pháp mổ hở. Sau khi mổ nội soi thoát vị bẹn, thưởng chỉ sau 1 đến 2 tuần, người bệnh đã có thể sinh hoạt bình thường trở lại. Đây là phương pháp điều trị tối ưu có tỷ lệ tái phát thấp và hiệu quả cao nhất.
3.3. Chữa thoát vị bẹn bằng đông y
Bệnh thoát vị bẹn thuộc chứng cô sán của đông y. Nguyên nhân do can uất khí trệ hoặc tình chí thương tổn, trung khí vốn bẩm tổ tiên thiên không đủ, kinh mạch không điều hòa, khí trệ không hành phát sinh chứng cô sán.
Trong điều trị chia thành 2 thể: Khí trệ và hư hàn.
Để điều trị chứng bệnh thoát vị bẹn, có thể dùng phối hợp các bài thuốc nam chữa thoát vị bẹn như Kim lệnh tử tán, Mộc thông, Thăng ma, Cam thảo, Lệ hạch, Quất hạch, Ô dược, Sơn chi, Bạch tiền, Ba đậu, Quế chi, Bạch thược... Tuy nhiên, bài thuốc đông y này chỉ hỗ trợ làm giảm các triệu chứng của bệnh, không thể điều trị dứt điểm bệnh và nguy cơ biến chứng có thể xảy ra cho người bệnh.
4. Phòng ngừa thoát vị bẹn
4.1. Phòng ngừa sự xuất hiện của bệnh
Để giảm nguy cơ mắc thoát vị bẹn, mỗi người chúng ta cần chủ động phòng ngừa bằng cách:
- Không khiêng vật nặng quá sức giúp hạn chế nguy cơ thoát vị bẹn. Trong trường hợp phải thực hiện thì nên giữ tư thế đúng cách.
- Ăn uống với chế độ dinh dưỡng hợp lý, chế độ tập luyện thích hợp để kiểm soát cân nặng hợp lý.
- Chế độ ăn tránh táo bón bằng cách ăn nhiều chất xơ và uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.
4.2. Phòng ngừa bệnh tái phát
Xây dựng thói quen sinh hoạt khoa học là việc làm cần thiết để ngăn ngừa bệnh thoát vị bẹn tiến triển hoặc tái phát. Người bệnh cần chú ý:
- Thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.
- Hạn chế làm việc quá nặng so với sức của mình.
- Hạn chế mất sức do rặn vì bệnh lý táo bón.
- Người bệnh có thể dùng nịt quần, băng ép lại vị trí thoát vị để hạn chế tối đa các tạng trong túi thoát bị bị tụt xuống quá nhiều.
- Thăm khám định kỳ để theo dõi diễn biến của bệnh, nắm bắt thực trạng sức khỏe để có hướng điều trị phù hợp khi cần thiết.
- Liên hệ ngay với bác sĩ nếu sau điều trị có bất kỳ triệu chứng bất thường nào xảy ra.
- Sau khi điều trị thoát vị bẹn, người bệnh cần có chế độ sinh hoạt vợ chồng phù hợp.
- Tái khám khi có tình trạng ho mãn tính.
- Để tránh táo bón, ngoài chế độ ăn uống thích hợp có thể dùng thuốc nhuận tràng (nếu cần) để hạn chế rặn khi đi vệ sinh, tăng cường chất xơ trong bữa ăn hàng ngày.
Như vậy, có thể khẳng định rằng thuốc không thể chữa thoát vị bẹn dứt điểm hoàn toàn mà gần như việc thực hiện phẫu thuật sẽ là chỉ định bắt buộc. Người bệnh cần lựa chọn đơn vị y tế uy tín, trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ giỏi giàu chuyên môn để nhanh chóng tiến hành phẫu thuật nhằm hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra cho người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.