Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Trong khi người mẹ cho con bú thì thai nhi trong tử cung vẫn nhận được đầy đủ dưỡng chất cần thiết từ cơ thể người mẹ. Vì vậy, thai phụ cần ăn đầy đủ dưỡng chất, uống đủ nước, bổ sung hàng ngày vitamin D và acid folic.
1. Khi đang mang thai có thể cho con bú được hay không?
Một điều đặc biệt là cơ thể người mẹ vẫn tiếp tục tiết ra sữa cho con bú trong khi mang thai, đảm bảo việc cho con bú. Để tiết ra sữa cho con bú, cơ thể người mẹ sẽ giải phóng nội tiết tố mang tên oxytocin. Oxytocin cũng là nội tiết tố xuất hiện trong quá trình chuyển dạ và sinh nở, nên nhiều người lo ngại rằng cho con bú có thể làm sảy thai. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy cho con bú khi đang mang thai gây ảnh hưởng tới thai nhi hoặc gây chuyển dạ.
Trong trường hợp nếu đang mang đa thai (thai đôi, thai ba,...) hoặc đã từng bị sảy thai, hoặc đã từng sinh non, một số chuyên gia có thể khuyên người mẹ thận trọng đối với việc cho con bú khi đang mang thai.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?
Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!
2. Một số lưu ý đối với người mẹ cho con bú khi đang mang thai
Cho con bú khi đang mang thai có thể làm tăng một số tác dụng không mong muốn khi mang thai (chẳng hạn như nếu thai phụ buồn nôn thì tình trạng sẽ trở nên tồi tệ hơn). Tình trạng đầu vú nhạy cảm ở đầu thai kỳ có thể tệ hơn, đau nhiều hơn nếu người mẹ cho con bú.
Vào khoảng tháng thứ 5 của thai kỳ, người mẹ có thể bắt đầu xuất hiện sữa non để chuẩn bị cho sự ra đời của thai nhi trong bụng, đồng thời lượng sữa mẹ tiết ra cũng ít dần đi. Vì thế, trẻ đang được cho bú có thể không thích sự thay đổi về hương vị và số lượng này, nó có thể dần dần bỏ bú mẹ. Trong trường hợp trẻ không tự bỏ bú thì người mẹ cứ tiếp tục cho bú, và điều này cũng không có nghĩa người mẹ thiếu sữa non cho thai nhi sắp chào đời. Nếu trẻ đang bú dưới một tuổi, người mẹ nên theo dõi để chắc chắn rằng đứa trẻ vẫn tăng trưởng tốt sau khi sữa mẹ bị thay đổi.
Sau khi sinh, người mẹ vẫn có thể cho bú song song hai con cùng lúc và không cần phải lo lắng thiếu sữa cho cả hai đứa con. Một lợi ích của cho bú song song là người mẹ sẽ ít bị viêm tuyến vú hơn so với những người chỉ có một con bú.
Việc có cho con bú khi đang mang thai hay không hoàn toàn do người mẹ quyết định, dựa trên những cân nhắc về lợi ích cho những đứa trẻ và cho chính người mẹ.
Nếu người mẹ có thai khi đang nuôi con nhỏ và không muốn cho bú song song thì nên cai sữa cho đứa trẻ trong khi đang mang thai, bởi sau khi sinh xong mới tiến hành cai sữa, đứa trẻ có thể cảm thấy bị “bỏ rơi”.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org, babycentre.co.uk