Bài viết được viết bởi ThS.BS Ma Văn Thấm - Bác sĩ Nội Nhi, Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Nhiễm trùng do nấm là một trong những bệnh lý khá phổ biến trên thế giới. Nấm tồn tại ở khắp mọi nơi, trong môi trường đất, nước, không khí, trên động thực vật và cả trên cơ thể người. Khi gặp các điều kiện thuận lợi như thời tiết nóng ẩm, sức đề kháng cơ thể giảm... nấm sẽ phát triển và gây bệnh. Bệnh lý do nấm có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em.
1. Tìm hiểu về nấm
Nấm (Fungi hoặc Mycetes) là những sinh vật, cơ thể được cấu tạo bởi một hoặc nhiều tế bào. Trong cấu tạo tế bào nấm có nhân thực, đặc điểm này khác với vi khuẩn (Bacteria hay Schizomycetes). Tuy nhiên nấm không có diệp lục, vì thế nấm không phải là sinh vật tự dưỡng vì không thể tự tổng hợp được cacbohydrat và protein từ các chất đơn giản.
Nấm là sinh vật dị dưỡng, nấm sống theo kiểu hoại sinh trên những cơ thể động vật hay thực vật đã chết hoặc sống theo kiểu ký sinh trên những phần cơ thể sống khác. Một số loài nấm có thẻ sống theo cả hai cách trên. Phương thức sống của động vật là theo phương thức nhai, của thực vật là tự dưỡng. Trong khi đó nấm nhận các chất dinh dưỡng cần thiết từ môi trường bên ngoài bằng cách hấp thụ.
2. Bệnh lý do nấm
Hầu hết các loại nấm thường sống hoại sinh, tồn tại và phát triển trên thực vật hoặc trong đất, ít khi thích ứng trong cơ thể người. Do đó, người khỏe mạnh ít khi mắc bệnh nấm. Khi xâm nhập vào cơ thể, nấm gây ra một sự thách thức đối với hệ miễn dịch của cơ thể vật chủ.
Khi một bào tử nấm bị nhiễm vào cơ thể, ở trạng thái nghỉ không hoạt động, nhưng sau đó nó sẽ chuyển hóa trong cơ thể vật chủ, nảy mầm và lớn lên, sinh ra thể sợi để xâm nhập vào mô. Sợi nấm, bào tử, bào tử đính hoặc tế bào nấm men, mỗi loại có một đặc trưng kháng nguyên khác nhau.
Nấm là một loại vi sinh vật phát triển nhanh và thường có kích thước lớn nên tế bào cơ thể vật chủ khó có thể thực bào được, do đó đáp ứng miễn dịch dịch thể đóng vai trò quan trọng. Mỗi giống nấm gây bệnh hay mỗi chủng nấm của cùng một giống sẽ dẫn đến một cơ chế miễn dịch khác nhau.
Khả năng đề kháng của cơ thể đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại sự xâm nhập và gây bệnh của nấm. Có hai cơ chế bảo vệ sau:
- Miễn dịch không đặc hiệu: Sự toàn vẹn của da, niêm mạc, các vi sinh vật hội sinh, các tế bào thực bào... Ngoài ra còn có sự tham gia của các globulin miễn dịch và bổ thể. Những cơ chế này có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể chống lại những bệnh do nấm cơ hội, những nấm có độc lực yếu.
- Miễn dịch đặc hiệu: Cả đáp ứng tế bào và dịch thể đều tham gia, trong đó đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào có vai trò quan trọng. Các tế bào lympho T mẫn cảm sản sinh ra các lymphokin hoạt hóa đại thực bào. Các đại thực bào được hoạt hóa đóng vai trò quan trọng trong đề kháng chống nấm của cơ thể.
Khả năng gây bệnh của nấm phụ thuộc vào khả năng thích ứng với môi trường tổ chức sống và chống lại cơ chế bảo vệ của cơ thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.