Nhãn viêm đồng cảm là tình trạng viêm màng bồ đào u hạt ở cả hai mắt. Bệnh thường xảy ra khi một mắt bị chấn thương xuyên hay sau phẫu thuật nội nhãn. Ngày nay với sự phát triển của kỹ thuật y tế và xử trí vết thương xuyên nhãn cầu, tỉ lệ nhãn viêm đồng cảm đã giảm đáng kể, bệnh nhân được xử lý bệnh kịp thời và cải thiện bệnh tốt.
1. Cơ chế bệnh nhãn viêm đồng cảm
Viêm mắt đồng cảm là dạng viêm toàn lớp màng bao quanh nhãn cầu, còn được gọi là màng bồ đào. Màng này chứa nhiều mạch máu có vai trò nuôi dưỡng nhãn cầu. Khi màng bồ đào bị tổn thương, cơ thể tự tạo những kháng thể, chúng kết hợp với kháng nguyên do màng bồ đào tổn thương tạo thành phức hợp, gây tổn hại mạch máu bởi các chất trung gian hóa học được phóng thích.
Như vậy, cơ chế bệnh nhãn viêm đồng cảm là dạng phản ứng miễn dịch đặc hiệu, hay còn gọi là phản ứng quá mẫn cảm. Điều này cũng xảy ra ở mắt không bị bệnh.
Nguyên nhân gây nhãn viêm đồng cảm gồm:
- Chấn thương nhãn cầu có tổn thương màng bồ đào như: Đụng dập nặng, củng mạc, chấn thương xuyên thủng nhãn cầu có hoặc không có trực tiếp phối hợp với màng bồ đào, loét thủng giác mạc.
- Phẫu thuật tại nhãn cầu: Cắt bè, kẹt mống mắt, đốt thể mi bằng laser, lạnh đông, mổ lấy thể thủy tinh đặt thể thủy tinh nhân tạo, đặc biệt có mống mắt kẹt vào vết mổ.
Ngoài ra có một số trường hợp bệnh nhân nhãn viêm đồng hợp không xác định được nguyên nhân.
2. Điều trị nhãn viêm đồng cảm
Trước hết, khi có vết thương nhãn cầu cần xử trí bằng cách khâu kín nhãn cầu. Trong trường hợp chấn thương trầm trọng có thể phải cắt bỏ nhãn cầu để giảm nguy cơ nhãn viêm đồng cảm. Các biến chứng phòi mống sau phẫu thuật cũng cần xử trí đúng mức. Thời gian xuất hiện nhãn viêm đồng cảm có thể từ 10 ngày đến 50 năm, trung bình là từ 4 – 8 tuần sau khi chấn thương.
Nguyên tắc điều trị nhãn viêm đồng cảm là:
- Kết hợp điều trị tại chỗ và toàn thân, ưu tiên điều trị tại chỗ.
- Điều trị corticoid tích cực, kết hợp các loại kháng sinh, thuốc điều hòa miễn dịch,...
- Theo dõi chặt người bệnh trong và sau điều trị.
2.1 Điều trị cụ thể
Điều trị tại chỗ bằng việc xử lý vết thương khi có kẹt tổ chức hoặc không kín. Thuốc tra là kháng sinh, corticoid và atropine. Điều trị toàn thân bằng kháng sinh, giãn mạch và corticoid.
2.2 Điều trị nội khoa
- Liệu pháp Corticoid
Trước kia khi không sử dụng corticoid, tiên lượng mắt bị nhãn viêm đồng cảm rất xấu, với 70% trường hợp bị mù vĩnh viễn. Hiện nay, corticoid liều cao được chỉ định dùng ngay khi bắt đầu, không giảm liều corticoid hoặc dừng thuốc đột ngột.
Chỉ giảm liều từ từ trong vòng 6 tháng khi quá trình viêm được giải quyết hoàn toàn. Ở người lớn, liều uống prednisolon là 1 – 2 mg/kg cân nặng/ngày trong tuần đầu, sau đó giảm dần khi phản ứng viêm được khống chế tới liều duy trì là 5 – 10mg/ngày.
Điều trị corticoid toàn thân phải theo dõi chặt chẽ huyết áp và đường máu. Bệnh lý nhiễm trùng cũng cần được loại trừ trước khi dùng liệu pháp corticoid.
- Thuốc ức chế miễn dịch
Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch với trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với liệu pháp corticoid hoặc dùng kết hợp với corticoid để phòng biến chứng. Trước khi dùng cần lưu ý kiểm tra chức năng gan, thận.
- Nhóm chống chuyển hóa
Nhóm thuốc này giúp ngăn sự phát triển và phân chia tế bào. Thuốc có nhiều tác dụng phụ và có thể gây biến chứng nguy hiểm nên không sử dụng với trẻ em, trước khi dùng cần cân nhắc đầy đủ biến chứng tiềm tàng. Điều trị với nhóm chống chuyển hóa cần được theo dõi chặt chẽ với bác sĩ nội khoa có kinh nghiệm.
- Nhóm ức chế tế bào T lympho (cyclosporin A)
Do mắt bị nhãn viêm đồng cảm thường bị thâm nhiễm dày đặc do tế bào lympho T hoạt hóa nên cyclosporin A là nhóm ức chế tốt trong điều trị.
Có thể phối hợp liều dùng cyclosporin A 3 – 5mg/kg/ngày cùng prednisolone 15 – 20mg/ngày. Hiệu quả điều trị với cyclosporin A thường mất khi ngừng thuốc nên có thể phải điều trị liều trình dài với 1 số bệnh nhân.
Cyclosporin A có thể gây độc cho thận và tăng huyết áp.
3. Nhãn viêm đồng cảm có nguy hiểm không?
Nhãn viêm đồng cảm là bệnh lý mắt nặng, có thể gây mù vĩnh viễn ngay cả khi điều trị tích cực. Tuy nhiên nếu chẩn đoán phát hiện sớm, điều trị kịp thời, thích hợp và tích cực, bệnh nhân có thể duy trì được thị lực hữu dụng. Một số trường hợp nhãn viêm đồng cảm có thể gây biến chứng đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, teo nhãn cầu,...
Các chuyên gia khuyên bệnh nhân khi thấy triệu chứng nghi ngờ của bệnh cần nhanh chóng đến khám ở các bác sĩ chuyên khoa. Chỉ có bác sĩ chuyên khoa mới có thể chẩn đoán nhanh và chính xác bệnh, từ đó điều trị kịp thời để cứu vãn thị lực.
Để phòng ngừa nhãn viêm giao cảm, nếu mắt bị chấn thương mất hoàn toàn chức năng và có chỉ định loại bỏ mắt thì bệnh nhân nên tuân thủ. Ngoài ra cũng cần tới kiểm tra định kì 3 – 6 tháng sau khi bệnh để kiểm tra tái diễn bệnh.
Ngoài ra, mọi người cần lưu ý an toàn, hạn chế để mắt bị chấn thương. Với người lớn phải thực hiện tốt bảo hộ lao đồng. Với trẻ em thường bị tổn thương do sinh hoạt, chơi trò chơi bạo lực, súng đạn, phi tiêu, gây,... nên cha mẹ cần lưu ý.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM