Có cần thiết phải cắt tầng sinh môn khi sinh thường không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Minh Phúc - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Cắt tầng sinh môn là một thủ thuật chủ động mở rộng cửa âm đạo, để giúp cho trẻ nhanh chóng và dễ dàng ra ngoài hơn. Đồng thời tránh những tai biến xảy ra như sang chấn sản khoa, ngạt, hay rách tầng sinh môn không chủ động gây ảnh hưởng cho cả mẹ và bé.

1. Tầng sinh môn

Tầng sinh môn là một phần của bộ phận sinh dục của phụ nữ và có chiều dài từ 3-5cm. Tầng sinh môn được cấu tạo thành 3 tầng bao gồm:

  • Tầng sâu: có cơ nâng hậu môn và cơ ngồi cụt được bao bọc bởi hai lá cân của tầng sinh môn sâu;
  • Tầng nông: có 5 cơ;
  • Tầng giữa: gồm cơ thắt niệu đạo và cơ ngang sâu.

Tầng sinh môn có chức năng bảo vệ, nâng đỡ các cơ quan trong vùng chậu như âm đạo, tử cung, bàng quang, trực tràng,... và là nơi giao hợp tiếp nhận tinh trùng. Trong quá trình chuyển dạ, tầng sinh môn giãn nở giúp cho âm đạo mở rộng chuẩn bị cho sự chào đời của em bé.


Tầng sinh môn giúp bảo vệ, nâng đỡ các cơ quan vùng chậu
Tầng sinh môn giúp bảo vệ, nâng đỡ các cơ quan vùng chậu

2. Cắt tầng sinh môn

Cắt tầng sinh môn là một thủ thuật với mục đích chủ động mở rộng cửa âm đạo để em bé dễ dàng lọt ra ngoài. Ngoài ra, còn tránh những tai biến sản khoa như sang chấn sản khoa, ngạt, rách tầng sinh môn không chủ động và để lại những ảnh hưởng về thẩm mỹ, quan hệ tình dục và những lần sinh đẻ sau này.

Ngoài ra, trong một số trường hợp việc rách tầng sinh môn tự nhiên sẽ gây tổn thương vùng đáy chậu. Đặc biệt ở vết rách ở vị trí 6 giờ dễ gây tổn thương cơ vòng hậu môn và gây khó khăn cho việc đi đại tiện. Sản phụ sẽ thường nhịn đại tiện do đau và gây ra tình trạng táo bón hay những ảnh hưởng liên quan khác.

Quá trình cắt tầng sinh môn được tiến hành khi đầu thai nhi đang lấp ló ở âm hộ. Khi âm đạo mở tối đa, sản phụ sẽ được gây tê tại chỗ, cho đến khi cơn co thắt lên cao sẽ cắt một đường chếch 45 độ tại vị trí 7 hoặc 5 giờ, đôi khi là cả 2 vị trí. Sau khi em bé chào đời, bác sĩ sẽ tiến hành khâu tầng sinh môn. Sản phụ sẽ được tiêm thuốc tê để giảm đau và khâu bằng chỉ tự tiêu sau 3 tuần đối với lớp cơ hay lớp niêm mạc. Còn lớp da khâu bằng chỉ nilon, sau 5-7 ngày thì cắt chỉ.

Cắt tầng sinh môn có 4 cấp độ, mức độ gây tổn thương sẽ tăng dần theo cấp. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ quyết định rạch theo cấp độ nào, để đáp ứng được điều kiện thuận lợi để em bé được sinh ra nhanh chóng và dễ dàng.


Tùy tình hình cụ thể bác sĩ sẽ chỉ định cấp độ cắt tầng sinh môn phù hợp
Tùy tình hình cụ thể bác sĩ sẽ chỉ định cấp độ cắt tầng sinh môn phù hợp

3. Đối tượng phải cắt tầng sinh môn

Cắt tầng sinh môn là việc làm không cần thiết đối với những bà mẹ dễ sinh hay thai nhi có thân hình nhỏ gọn. Tuy nhiên, một số sản phụ có chỉ định cắt tầng sinh môn bao gồm:

  • Tầng sinh môn có độ linh hoạt kém, đặc biệt đối với người sinh con so;
  • Sản phụ bị viêm âm đạo và phù nề;
  • Đầu thai nhi có đường kính lớn;
  • Cơn co của mẹ không đủ mạnh;
  • Sản phụ có độ tuổi từ 35 trở lên;
  • Sản phụ mắc bệnh tim hoặc nhiễm độc thai nghén;
  • Xuất hiện dấu hiệu suy thai.

4. Ảnh hưởng của việc cắt tầng sinh môn

Cắt tầng sinh môn có thể gây ra một số biến chứng như:

  • Đau và lâu lành: vết cắt tầng sinh môn gây đau và lâu lành hơn so với vết rách tự nhiên;
  • Sẹo: nếu sẹo lớn, xấu có thể ảnh hưởng đến việc sinh hoạt, quan hệ tình dục;
  • Nhiễm khuẩn: tầng sinh môn phía trước âm đạo và phía sau gần hậu môn là vùng chứa nhiều vi khuẩn. Do đó, việc cắt tầng sinh môn là vết thương dễ bị vi khuẩn xâm nhập. Vì vậy, sản phụ cần được dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.

Cắt tầng sinh môn có thể gây ra nhiều biến chứng
Cắt tầng sinh môn có thể gây ra nhiều biến chứng

Nhiễm khuẩn là một trong những biến chứng nặng. Do đó, sản phụ cần phải chăm sóc tầng sinh môn sau sinh cẩn thận, ví dụ như:

  • Mặc quần áo rộng rãi thoáng mái, đồ lót sạch sẽ;
  • Vận động nhẹ nhàng sau sinh hoặc thực hiện một số bài tập trị liệu, giúp cho máu lưu thông và vết thương bớt sưng. Ngoài ra, hạn chế chảy máu âm đạo, tạo sự dẻo dai cho khung chậu và giảm bớt ảnh hưởng đến bàng quang, ruột;
  • Vệ sinh vùng kín với nước ấm hoặc nước muối pha loãng khoảng 3 lần/ ngày. Rửa tay trước và sau khi vệ sinh;
  • Uống đủ nước và ăn nhiều rau quả để tránh tình trạng táo bón;
  • Vệ sinh sạch sẽ sau mỗi lần đại tiểu tiện, tránh vết bẩn dính vào vết khâu;
  • Không quan hệ tình dục cho đến khi vết khâu lành hẳn, ít nhất 4-6 tuần.

Tóm lại, việc cắt tầng sinh môn là không cần thiết đối với tất cả những trường hợp đẻ thường. Thủ thuật chỉ được thực hiện đối với những trường hợp sinh khó với mục đích em bé được sinh ra an toàn, khỏe mạnh và mẹ tránh được những tổn thương nặng.

Video đề xuất:

Hướng dẫn tắm cho trẻ sơ sinh an toàn, đúng cách

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe