Cận 1 mắt là một dạng đặc biệt của cận thị lệch. Khi gặp tình trạng này, người bệnh cần thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn các cách chữa cận thị 1 mắt an toàn và hiệu quả.
1. Thế nào là cận thị 1 mắt?
Cận thị lệch độ là một tật khúc xạ bất thường ở mắt, trong đó 2 mắt sẽ có 2 độ cận khác nhau. Trên thực tế, cận thị lệch độ là khá phổ biến. Do đó, đa phần người bệnh chủ quan và nghĩ rằng không nguy hiểm, dẫn đến không chăm sóc mắt đúng cách làm cho tình trạng cận lệch nặng hơn và gây biến chứng nguy hiểm.
Các dạng cận thị lệch độ:
- 1 mắt cận và 1 mắt loạn thị hoặc viễn thị.
- 1 mắt cận nặng và mắt còn lại cận nhẹ.
- Cận 1 mắt (một mắt cận và một mắt không cận): Đây là một dạng đặc biệt của cận thị lệch độ, có thể gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau.
Phần lớn người cận thị thường là có sự chênh lệch độ cần giữa 2 mắt, dao động từ 0 đến vài độ. Tình trạng này nếu không được điều chỉnh sớm có thể dẫn đến suy giảm thị lực, trường hợp nặng sẽ bị hỏng hoàn toàn 1 bên mắt.
Mặc dù có nhiều nghiên cứu cảnh báo sự nguy hiểm của cận thị lệch độ, nhưng nhiều người cận lệch vẫn lười đeo kính, không kiểm tra mắt thường xuyên. Để hạn chế tình trạng cận lệch, đặc biệt là cận 1 mắt, chúng ta nên tạo thói quen khám và kiểm tra mắt định kỳ để phát hiện sớm các tật khúc xạ. Khi gặp phải tình trạng cận 1 mắt, người bệnh cần được chẩn đoán và hướng dẫn cách chữa cận 1 mắt sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm về sau.
2. Cận 1 mắt có nguy hiểm không?
Cận 1 mắt là một tình trạng khá nguy hiểm vì:
- Ngoài mắt cận thì mắt còn lại vẫn khỏe mạnh nên thị lực khi nhìn hai mắt vẫn tốt, do đó khó để phát hiện tình trạng cận 1 mắt, thường chỉ phát hiện được khi một bên mắt đã bị cận nặng.
- Cận 1 mắt có độ cận tăng nhanh, khiến một bên mắt sẽ giảm thị lực nhanh hơn cận thị thông thường.
- Cận 1 mắt dễ dẫn đến nhược thị, hay còn gọi là bệnh mắt lười. Nhược thị làm suy giảm chức năng mắt, không thể khắc phục bằng phẫu thuật hay đeo kính, thậm chí có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.
Khi bị cận 1 mắt người bệnh buộc phải đeo kính. Nếu không đeo kính thì người bệnh chỉ nhìn rõ bằng mắt thường, mắt cận sẽ nhìn mờ. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến mắt cận hoạt động ngày càng kém và bị phụ thuộc vào mắt khỏe, dẫn dần dẫn đến nhược thị. Do đó, người cận 1 mắt cần được khám chuyên khoa để phát hiện sớm và tìm cách chữa cận thị 1 mắt hiệu quả.
3. Có cách chữa cận 1 mắt hiệu quả nào?
Một khi mắt đã bị cận thị thì không cách nào có thể đưa độ mắt trở về bình thường ngoại trừ phẫu thuật. Tuy nhiên, cận 1 mắt không phải là bệnh lý quá nguy hiểm nếu như người bệnh thăm khám sớm và có cách chữa cận 1 mắt hiệu quả. Một số lưu ý dành cho người cận 1 mắt:
- Sử dụng kính phù hợp với độ cận của từng bên mắt.
- Khám mắt định kỳ mỗi 3 – 6 tháng để điều chỉnh kính nếu cần thiết. Khi thử kính mới, đeo đủ 20 – 30 phút để theo dõi khả năng thích nghi của mắt. Nếu cảm thấy nhức xung quanh mắt cần thông báo với bác sĩ.
- Xây dựng chế độ làm việc, học tập và nghỉ ngơi hợp lý, không thức quá khuya.
- Không nhìn màn hình các thiết bị điện tử quá gần và quá lâu, nên đảm bảo khoảng cách khi làm việc với máy tính, điện thoại từ 30 – 45cm.
- Để mắt nghỉ ngơi khoảng 20 phút/ lần khi phải làm việc lâu với máy tính.
4. Những bài tập cho mắt cận tăng cường thị lực
- Chớp mắt liên tục trong vài phút: Giúp hỗ trợ lưu thông máu, giảm mỏi mắt, khô mắt do làm việc lâu. Người bệnh chớp mắt liên tục vài phút, lặp lại sau mỗi giờ làm việc.
- Liếc mắt theo hình: Giúp mắt linh hoạt hơn, không còn cảm giác lờ đờ, buồn ngủ, mệt mỏi. Người bệnh có thể liếc mắt theo hướng hình vuông, hình tròn, hình số tám.
- Tập yoga mắt: Giúp lưu thông máu, giãn cơ mắt và giảm mệt mỏi, khô mắt. Bài tập này bao gồm các động tác sau:
- Liếc mắt sang bên phải hết cỡ sau đó chuyển sang trái, mỗi bên 5 lần.
- Nhắm mắt rồi mở to hết cỡ, thực hiện 5 lần.
- Liếc mắt lên trên hết cỡ sau đó xuống dưới, thực hiện 5 lần.
- Liếc mắt lên góc trên bên trái hết cỡ sau đó xuống góc dưới bên phải, thực hiện 5 lần.
- Đặt ngón trỏ trước mặt, cách mũi khoảng 5cm, tập trung nhìn vào ngón trỏ 1 phút rồi nhắm mắt lại.
- Xoay tròn mắt: Nhắm mắt và xoay nhãn cầu theo chiều kim đồng hồ và ngược lạ. Mỗi chiều xoay 7 – 10 vòng.
- Ấn nhẹ vào thái dương: Giúp lưu thông máu, giảm căng thẳng, mệt mỏi, mắt linh hoạt hơn. Dùng ngón giữa và ngón áp út vuốt từ khóe mắt đến đuôi mắt, , thực hiện 5 lần; tiếp tục ấn và day huyệt thái dương nhẹ nhàng trong 10 giây, thực hiện 3 – 5 lần.
- Nhắm chặt mắt và thư giãn.
- Nhìn gần rồi nhìn xa: Tập trung nhìn vào một điểm trước mắt trong vài giây sau đó nhìn xa hơn và tập trung vào một điểm trong vài giây, thực hiện 5 – 7 lần.
- Nhìn vào vật sáng màu: Giúp mắt thư giãn. Để một vật sáng màu (vàng hoặc xanh nhạt) cách mắt 3 – 5 mét và nhìn vào cho đến khi mắt được thư giãn.
- Viết chữ bằng mắt: Đưa mắt vào khoảng không gian rộng và giữ yên đầu, đảo mắt theo các chữ cái tưởng tượng. Nên vẽ những chữ to, thực hiện khoảng 10 lần. Bài tập này sẽ giúp thư giãn cơ mắt, giúp mắt linh hoạt hơn.
- Áp tay vào mắt: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau đến khi nóng lên. Sau đó nhắm mắt lại và đặt 2 lòng bàn tay lên mắt, giữ khoảng 5 giây, thực hiện 10 lần. Cách này giúp thư giãn cho mắt, giảm căng thẳng.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần lưu ý đến chế độ ăn đủ dinh dưỡng, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý để giữ đôi mắt luôn khỏe mạnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.