Đúng 14 giờ chiều ngày 16.12, hai chuyên gia Tim mạch dày dạn kinh nghiệm đến từ Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec là BS Pháp Olive Bertrand và BS Nguyễn Bằng Phong đã có mặt tại Báo Lao Động để tham gia buổi giao lưu trực tuyến “Bảo vệ sức khỏe tim mạch trong mùa đông lạnh”.
Phó Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Hiển đã tặng hoa, chào mừng và gửi lời cảm ơn đến bác sĩ Nguyễn Bằng Phong và bác sĩ Olive Bertrand - BV Vinmec đã nhiệt tình tham dự buổi giao lưu
Phó Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Hiển đã tặng hoa, chào mừng và gửi lời cảm ơn đến hai vị khách đã nhiệt tình tham dự buổi giao lưu. Sau đó hai BS đã dành thời gian trả lời các câu hỏi của bạn đọc quan tâm đến vấn để sức khỏe tim mạch trong mùa đông lạnh.
Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến
Clip: Bác sĩ Nguyễn Bằng Phong tư vấn về bảo vệ sức khỏe tim mạch
Clip: Bác sĩ Olive Bertrand trả lời câu hỏi của bạn đọc về bảo vệ sức khỏe tim mạch
Nội dung buổi giao lưu trực tuyến
Có 1 người hàng xóm của tôi, ông 70 tuổi. Từ nhiều năm nay, ông có thói quen chạy mỗi sáng 2h đồng hồ đều đặn, ăn uống tốt. Nhưng rồi, ông đã bị đột tử, bác sĩ nói là do bệnh tim. Bác sĩ có thể lý giải điều này?
Hoàng Hải Linh, 25 tuổi, nhân viên văn phòng, Nghệ An
Bác sĩ Nguyễn Bằng Phong :
70 tuổi mà chạy 2 giờ mỗi ngày là quá nhiều.
Mặc dù tập luyện tốt có tác dụng phòng bệnh bệnh tim mạch nhưng không có nghĩa là không bị bệnh tim mạch. Trường hợp ông cụ 70 tuổi bị đột tử thì khả năng bị bệnh tim mạch rất cao vì hầu hết nguyên nhân gây đột tử là do bệnh tim mạch: Bệnh mạch vành cấp, loạn nhịp tim, ...
Bệnh nhân được đặt máy tạo nhịp tim , máy có tác dụng trong bao lâu? Khi nào biết máy không hoạt động tốt để thay?
Duy Thanh, 58 tuổi, Thanh Hoá
Bác sĩ Pháp Olive Bertrand :
Máy tạo nhịp tim là thiết bị kích thích nhịp tim cho phép thấy được nhịp tim đập tần suất đã đủ hay chưa và trong trường hợp nhịp tim quá chậm nó sẽ đưa xung điện thông qua cáp được gọi là ống thông nhằm kích thích cho tim co bóp. Người đặt máy tạo nhịp tim cần được theo dõi định kỳ (6 tháng/lần) nhằm phát hiện tiêu hao của pile nhờ một thiết bị máy tính chuyên dụng sẽ đọc được các thông số qua da. Việc thay máy là một can thiệp đơn giản chỉ mất khoảng 30 phút.
Chế độ ăn uống như thế nào là tốt cho bệnh tim mạch? Nên tập thể dục như thế nào là tốt cho tim mạch?
Trần Khánh, 40 tuổi, TP HCM
Bác sĩ Pháp Olive Bertrand :
Đế hạn chế nguy cơ tim mạch, cần tránh ăn đồ mặn vì nó có thể dẫn tới cao huyết áp , ăn ít những đồ ăn giàu mỡ, nhiều cholesteron (trứng, thịt mỡ, nội tạng động vật, bơ...).
Nên ăn đồ luộc, tránh đồ chiên rán. Nên ăn nhiều rau, quả uống nhiều nước. Người Việt hay có thói quen ăn mặn nên thường bị bệnh huyết áp cao.
Về các hoạt động thể chất, nên vận động nhẹ nhàng tránh các trò chơi đối kháng, vận động quá mạnh quá sức. Tốt nhất là nên đi bộ, đi xe đạp đều đặn và không quá sức.
Mọi cơ quan trong cơ thể đều có thể bị ung thư, nhưng vì sao không ai nói đến bệnh ung thư tim bao giờ?
Nguyễn Hoàng Hà, 27 tuổi, Nhân viên văn phòng, Hà Nội
Bác sĩ Nguyễn Bằng Phong :
Có ung thư tim nhưng tỉ lệ rất thấp. Người ta có thể thấy các khối u ở trong tim, ở màng ngoài tim. Có 1 khối u thường là lành tính, hay gặp ở nhĩ trái gọi là u nhầy nhĩ trái, gây ra bệnh cảnh giống như hẹp 2 lá. Bệnh này có thể chữa triệt để bằng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ u nhầy .
Tôi nghe nhiều người nói về việc sau khi ghép tim, người được ghép thay đổi tâm tính, tâm lý hoàn toàn, thậm chí họ có những giấc mơ rất lạ. Vậy quả tim mới có lưu giữ những thông tin về người chủ cũ của nó và truyền cho người được ghép sau này không?
Nguyễn Anh Vũ, Sở TNMT Hòa Bình
Bác sĩ Nguyễn Bằng Phong :
Tiếc rằng là ở Việt Nam số người được ghép tim chưa nhiều nên thông tin mà bạn đề cập đến chúng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm để trả lời. Tài liệu nước ngoài cũng có nói đến tình trạng bệnh nhân thay đổi tâm lý, tính tình sau khi được ghép tim, tuy nhiên, việc lí giải tình trạng này chưa rõ ràng, không loại trừ những thông tin về người cho tim sẽ truyền lại sang cho người được ghép tim như bạn nói.
Uống rượu có ảnh hưởng đến tim mạch không?
Phạm Xá, 45 tuổi, Ninh Bình
Bác sĩ Pháp Olive Bertrand :
Bạn có thể uống tối da 2 ly rượu/ngày nếu bạn là nữ và tối đa 3 ly nếu là nam trong tối đa 5 ngày/tuần bởi trong rượu có những thành phần độc hại với cơ bắp trong đó có cơ tim và điều này làm tăng nguy cơ cao huyết áp
Tôi bị bệnh tim, có nên tránh ra ngoài khi thời tiết lạnh quá không?
Chi Mai, 37 tuổi
Bác sĩ Pháp Olive Bertrand :
Khi thời tiết giá lạnh, bạn nên mặc ấm và hạn chế ra ngoài khi nhiệt độ xuống thấp.
Uống rượu có ảnh hưởng đến tim mạch không?
Hoàng Hà, 27 tuổi, Nhân viên văn phòng, Hà Nội
Bác sĩ Nguyễn Bằng Phong :
Uống rượu ảnh hưởng nhiều đến bệnh lý tim mạch, nhất là ở những người đã mắc các bệnh như tăng huyết áp, suy tim , bệnh động mạch vành , loạn nhịp tim. Nhiều trường hợp biến cố cấp tính và nặng nề về tim mạch đã xảy ra sau khi uống rượu. Về lâu dài, rượu có thể gây tổn thương nội mạc mạch máu, là tiền đề để hình thành các mảng sơ vữa động mạch là nguyên nhân gây ra hội chứng động mạch vành cấp hoặc tai biến mạch máu não.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến trong giới chuyên môn cho rằng mỗi ngày dùng khoảng 100ml rượu vang đỏ có thể có lợi cho tim mạch.
Dấu hiệu nào phải chú ý là có thể bị nhồi máu cơ tim ?
Chu Quang Huy, 46 tuổi, Hà Nội
Bác sĩ Pháp Olive Bertrand :
Nhồi máu cơ tim là căn bệnh rất thầm lặng. Khi mà người ta biết đến nó nhờ một số triệu chứng thì nó đã phát triển từ trước đó nhiều năm. Khi hẹp động mạch vành được biểu hiện bằng các con số chẩn đoàn (trên 70%) thì nó được biểu hiện bằng 2 cách:
- Đối với đau thắt ngực: đau thắt ở ngực kèm theo biểu hiện đau lan xuống cánh tay trái hoặc lan lên cổ, hàm. Các cơn đau thường xuất hiện khi gắng sức vào mùa đông khi đi bộ hoặc khi trời lạnh. Cơn đau biến mất sau khi người bệnh nghỉ ngơi và ngưng gắng sức.
Đối với nhồi máu cơ tim: Cơn đau tương tự như ở bệnh lý đau thắt ngực nhưng xuất hiện trong tình trạng người bệnh không gắng sức, cơn đau kéo dài không ngừng. Lúc này, người bệnh trong tình trạng khẩn cấp liên quan đến tính mạng bởi một phần của cơ tim bị tổn thương, người bệnh có nguy cơ tử vong hoặc nguy cơ để lại di chứng nặng nề. Tuy nhiên, ở bệnh nhân tiểu đường, các triệu chứng này thường không rõ ràng.
Tôi thấy hồi hộp trống ngực, đi khám được phát hiện rung nhĩ, như vậy có nguy hiểm không ? Tôi phải làm gì?
Hồng Nhung, 25 tuổi, Hà Nội
Bác sĩ Nguyễn Bằng Phong :
Trống ngực thường là triệu chứng của rung nhĩ và khi bị rung nhĩ thì là bệnh nguy hiểm vì rung nhĩ có thể dẫn đến các biến chứng tắc mạch như tắc mạch chi, tắc mạch mạc treo, và nhất là tắc mạch não.
Với các trường hợp rung nhĩ mới thì người ta áp dụng kĩ thuật chuyển nhịp bằng thuốc hoặc là bằng phương pháp sốc điện để chuyển từ rung nhĩ về nhịp xoang. Với những trường hợp rung nhĩ mạn tính, khả năng chuyển nhịp không còn thì áp dụng thuốc nhằm kiểm soát tần số tim và chống đông để ngăn ngừa tình trạng tắc mạch.
Tôi bị nhịp chậm, đã được cấy máy tạo nhịp tim, xin giải thích rõ về hoạt động máy tạo nhịp tim và tôi phải lưu ý gì trong cuộc sống ?
Phi Long, 56 tuổi, TP HCM
Bác sĩ Nguyễn Bằng Phong :
Khi nhịp tim chậm đến mức cung cấp máu cho não không đủ gây ra xỉu ngất thì có chỉ định cấy máy tạo nhịp tim. Máy này có tác dụng kích thích tim đập với tần số đủ để cung cấp máu cho não và các bộ phận khác của cơ thể. Hiện nay, tuổi thọ của máy tạo nhịp khoảng độ từ 10-12 năm. Khi hết pin thì cần phải thay máy khác. Bạn có máy tạo nhịp tim thì nên đến khám định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa tim mạch 6 tháng/lần.
Tôi bị phù chân khi đứng và đau buốt, tối lại đỡ, như vậy có phải bị bệnh mạch máu không? Tôi phải làm gì?
Thu Thảo, 49 tuổi, An Giang
Bác sĩ Nguyễn Bằng Phong :
Đây là triệu chứng của bệnh suy tĩnh mạch. Tĩnh mạch ở chân có hệ thống van 1 chiều để máu từ chân chảy về tim. Khi các van này bị hở thì sẽ có 1 phần máu trào ngược về chân, gây ra tình trạng ứ trệ, phù, đau mỏi chân, giãn các tĩnh mạch nông.
Trong trường hợp này, bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để được dùng thuốc: Đó là các thuốc làm bền vững thành tĩnh mạch, giảm tình trạng hở các van. Ngoài ra, phải đi một loại tất gọi là tất áp lực cũng có tác dụng giảm bớt tình trạng ứ trệ. Một việc nữa rất quan trọng là phải tránh đứng lâu, thường xuyên vận động, đi bộ, đạp xe, bơi.
Từ 3 năm nay, tôi bị huyết áp thấp, đêm ngủ hay bị mê, sáng dậy hay bi đau đầu, tức ngực, người mệt mỏi, siêu âm tim, các BS xác nhận bị hở nhẹ van tim, vậy tôi phải làm gì?
nguyen thi tuoc, 65 tuoi, huu tri
Bác sĩ Nguyễn Bằng Phong :
Huyết áp thấp thường gây ra các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt nhất là khi thay đổi tư thế đột ngột, một số trường hợp thậm chí còn gây ra thỉu hoặc ngất.
Để tránh các hiện tượng này, không nên thay đổi tư thế một cách đột ngột.
Siêu âm tim thấy hở nhẹ van tim, mặc dù bà không cho biết là van gì, tình trạng kích thước buồng tim ra sao nhưng với 1 van tim bị hở nhẹ thường không gây ra các triệu chứng nào. Bà nên khám để được siêu âm tim định kì 6 tháng 1 lần để theo dõi và đánh giá tình trạng van tim.
Tôi đi siêu âm tim bác sĩ nói tôi bị hở van 2 lá , van 3 lá, van động mạch phổi nhẹ, hở van động mạch chủ vừa, huyết áp 120/80 mmHg, nhịp tim nhanh.Hiện tại bác sĩ chưa cho tôi điều trị thuốc tim. Xin bác sĩ cho biết bệnh của tôi có nguy hiểm ko? .
Đào Thị Oanh, 53 tuổi, Phúc Thọ - Hà Nội
Bác sĩ Nguyễn Bằng Phong :
Khi hở các van tim mức độ nhẹ thì thường không nguy hiểm. Bà bị bác sĩ siêu âm nói là bị hở van 2 lá, van 3 lá và van động mạch phổi nhẹ nhưng hở van động mạch chủ vừa lâu dầu có thể dẫn đến suy tim. Vì vậy, khi phát hiện hở van động mạch chủ vừa thì phải dùng thuốc có tác dụng ngăn ngừa suy tim như thuốc ức chế men chuyển, lợi tiểu kháng Aldosteron. Một số trường hợp có thể dùng chẹn beta bởi một bác sĩ chuyên khoa tim mạch.
Tôi bị tiểu đường 6 năm nay, có tăng huyết áp và uống thuốc . Thấy trong người vẫn khoẻ, đánh tenis 4 buổi còn đi bơi biển 3 buổi một tuần. Xin hỏi BS tôi phải chú ý như thế nào khi van động với căn bệnh nói trên
Phan Thái, 60 tuổi, ở 110 Quang Trung Đà nẵng
Bác sĩ Pháp Olive Bertrand :
Bạn nên khám bác sĩ tim mach và làm nghiệm pháp gắng sức, khi đó bác sĩ có thể cho bạn câu trả lời chính xác hơn về mức độ vận động cho phép.
Tôi bị cao huyết áp, uống thuốc không giảm, huyết áp lúc nào cận trên cũng 200 cận dưới 138, tôi thấy có người bảo dùng thuốc A cung xe đỡ. Xin hỏi bác sỹ người ta nói thế có đúng không
Nguyễn Văn Hùng, 38 tuồi
Bác sĩ Pháp Olive Bertrand :
Bạn nên đi kiểm tra tim mạch sớm vì huyết áp ở mức 200/138 nằm trong ngưỡng nguy hiểm có thể có nguy cơ nhồi máu não. Do đó, bạn cần gặp bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được tư vấn cụ thể và không nên dùng thuốc khi không có sự chỉ định của bác sĩ.
Xin kính chào các BS năm 2010 tôi đã được điều trị thay van động mạch chủ nhân tạo và bắc 3 cầu động mạch vành. Từ khi ra viện đến nay tôi được BS khám và cho uống thuôc liên tục cho đến nay gồm : 1- Sintrom 4mg ; 2- Samgel 75mg ; 3- Nodon 5mg ; 4- Asomex 5mg ; 6 - Telma 20mg ; 7- Lipovan 10mg. Tôi xin hỏi uống những thuôc trên suốt đời sẽ có ảnh hưởng (tác dụng phụ ) như thế nào và có phương pháp nào để giảm bớt tác dụng phụ đó dược không ? Xin cám ơn các BS cho lời khuyện!
Nguyễn việt Toàn , 58 tuổi - TP HCM , văn phòng
Bác sĩ Nguyễn Bằng Phong :
Không rõ van động mạch chủ nhân tạo của bác là loại cơ học hay sinh học. Ở tuổi 58 của bác khả năng đây là van cơ học.
Với van nhân tạo cơ học và 3 cầu động mạch vành, thì dùng thuốc như của bác đang dùng là phù hợp, bao gồm kháng vitamin K, Clopidogrel, ức chế men chuyển, chẹn canxi, chẹn beta và statin.
Những thuốc này ít nhiều có thể có tác dụng phụ, ví dụ ức chế men chuyển có thể gây ho, thay bằng ức chế thụ thể AT1, Clopidogrel có thể gây loét hoặc xuất huyết dạ dày, thường kết hợp thêm với các thuốc giảm tiết axit ở dạ dày.
Để giảm bớt tác dụng phụ khi dùng thuốc, nếu có bất kì 1 bất thường nào thì cần báo cho bác sĩ điều trị để xử lí.
Bác sỹ Nguyễn Bằng Phong: Xin bác sỹ cho biết những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch? Vào ùa đông, những người mắc benh cần phải phòng chống như thế nào?
Nguyễn Thị Vân Anh, 45 tuổi, buôn bán, Quảng Ninh
Bác sĩ Nguyễn Bằng Phong :
Có nhiều bệnh tim mạch và mỗi loại bệnh thì có nguy cơ riêng. Ví dụ đối với bệnh mạch vành thì yếu tố nguy cơ gồm: tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipit máu, hút thuốc lá, béo phì, tuổi,...
Vào mùa đông, những người mắc bệnh tim mạch cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Tránh thay đổi môi trường đột ngột
- Tránh ra ngoài trời lạnh tập thể dục quá sớm: Nên đợi có ánh nắng mặt trời hãy tập.
- Không nên ra ngoài những hôm thời tiết quá lạnh dưới 10 độ.
- Mặc đủ ấm, ăn đủ dinh dưỡng
Bác sỹ Olive Bertrand: Gia đình tôi có 5 người thì 4 người mắc bệnh tim mạch (bố, mẹ, anh trai và chị gái). Bác sỹ cho biết, bệnh tim mạch có yếu tố di truyền không và đã có nghiên cứu nào về vấn đề này chưa?
Lê Hải Triều, 34 tuổi, tự do, Đà Nẵng
Bác sĩ Pháp Olive Bertrand :
Di truyền là một trong những yếu tố nguy cơ cao của bệnh tim mạch, đã có nghiên cứu về vấn đề này nhưng cho tới nay chưa có phương pháp điều trị sớm để ngăn chặn nguy cơ này. Do đó, nếu gia đình bạn có tới 4 người mắc bệnh tim mạch thì bạn nên phòng tránh những nguy cơ khác liên quan đến chế độ sinh hoạt ăn uống để hạn chế tối đa nguy cơ (tiểu đường, mỡ máu, tăng huyết áp) và đi khám định kỳ để phát hiện sớm.
Bác sĩ Khoa tim mạch, bệnh viện Đại học y Hà Nội chẩn đoán tôi bị bệnh tim, bị rung nhĩ (rối loạn nhịp tim), tôi theo dõi thì thấy cứ khoảng 1 tuần hoặc 10 ngày bị 1 lần, tim đập nhanh khoảng 120 hoặc trên 120nhipj/phút. Tôi đang uống viên cordaron, cách ngày 1 viên. Xin hỏi bác sĩ liệu bệnh của tôi có chữa khỏi không? và điều trị như thế nào cho đúng, hiện nay cứ 2 tháng tôi đi khám 1 lần có được không? Xin cảm ơn bác sĩ.
Trần Thị Kim Liên, 53 tuổi, Đống Đa, Hà Nội, chế bản sách
Bác sĩ Nguyễn Bằng Phong :
Trường hợp của chị khả năng là bị rung nhĩ mạn tính trong bệnh cảnh suy nút xoang, gây ra hội chứng nhịp lúc nhanh lúc chậm. Trước hết, phải đến khám chuyên khoa tim mạch để xác định có suy nút xoang hay không vì nếu có suy nút xoang mà dùng cordaron thì có thể dẫn đến nhịp tim chậm quá mức gây xỉu ngất.
Trong trường hợp đó thì cần phải cấy máy tạo nhịp. Nếu không có suy nút xoang thì có thể dùng cordaron. Nhưng quan trọng nữa là phải dùng thuốc chống đông để phòng tắc mạch: Thuốc chống đông có thể là kháng ngưng tập tiểu cầu, có thể là kháng vitamin K, hoặc 1 số thuốc mới gần đây. Dùng kháng ngưng tập tiểu cầu hay kháng vitamin K thì dựa vào thang điểm CHADS 2 (C là suy tim: 1 điểm, H là tăng huyết áp: 1 điểm, A là tuổi trên 75: 1 điểm, D là tiểu đường: 1 điểm, S là đột quỵ: 2 điểm).
Nếu thang điểm CHADS 2 từ 2 điểm trở lên thì dùng kháng vitamin K.
Còn nếu 1 điểm thì dùng kháng ngưng tập tiểu cầu.
Xin hỏi triệu chứng của bệnh giãn tĩnh mạch ra sao? Tôi đang mang thai, rất lo lắng vì được biết thai nghén cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ giãn tĩnh mạch, và làm thế nào để phòng tránh cũng như điều trị?
Nguyễn Thị Quỳnh, 26 tuổi, Hà Nội
Bác sĩ Pháp Olive Bertrand :
Bệnh suy tĩnh mạch – Giãn tĩnh mạch có các triệu chứng: Phù chân, tê bì như có cảm giác kiến bò, cơ co rút, sưng nề. Nặng hơn có thể thấy các biểu hiển của loạn dưỡng.( sậm sắc tố, loét).
Phụ nữ mang thai thì có nguy cơ giãn tĩnh mạch chi dưới – âm hộ - trĩ cao hơn những người bình thường từ 5-10% ở lần mang thai thứ 2 trở đi.
Cách phòng tránh nguy cơ này là hạn chế ngồi một chỗ trong thời gian lâu, nên đi bộ, khi ngủ gác chân lên cao, uống nhiều nước và không hút thuốc lá. Ngoài ra có thể sử dụng thuốc bảo vệ tĩnh mạch (theo đơn của bác sĩ)
Chào bác sĩ, mẹ tôi đã phẫu thuật hở van tim cách đây 05 năm, từ đó đến nay mẹ tôi luôn phải dùng thuốc, tôi có nghe nói sau 20 năm sẽ phải phẫu thuật lại có đúng không ạ? Và nếu quên uống thuốc thì có ảnh hưởng hay nguy hiểm gì hay không?
Trần Lâm, 26 tuổi, Hà Tĩnh
Bác sĩ Pháp Olive Bertrand :
Tuổi thọ trung bình của van nhân tạo phụ thuộc vào từng loại và vị trí, cơ học là 25 năm, sinh học từ 12-15 năm.
- Bệnh nhân không phải thay van định kỳ mà cần được theo dõi, siêu âm tim định kỳ đều đặn nhằm tiên lượng thời điểm van tim hoạt động kém.
- Nguy cơ quên uống thuốc phụ thuộc vào loại thuốc đang dùng: nếu là thuốc chống đông thì quên uống thuốc sẽ có nguy cơ hình thành cục máu đông. Nếu là thuốc chống loạn nhịp thì nguy cơ sẽ là loạn nhịp. Các loại thuốc khác nếu quên không uống thì có thể có nguy cơ suy tim.
Tôi bị tắc 3 động mạch vành và được các y bác sĩ BV TƯ Huế kịp thời cứu chữa. Đặt 3 stend cách đây gần 3 tháng, hiện nay tình trạng bệnh ổn. Hàng tháng tôi phải định kỳ đến bệnh viện để nhận thuốc uống theo chỉ định của BS. Xin hỏi các stend này duy trì được bao lâu trong trái tim và cần ăn uống như thế nào, kiêng cử ra làm sao. Nên tránh những gì. Xin cám ơn!
Trương văn Đính, 53 tuổi
Bác sĩ Nguyễn Bằng Phong :
Việc ổn định của các stent trong động mạch vành tùy thuộc rất nhiều vào việc tuân thủ điều trị, tập luyện, ăn uống hợp lý.
Về điều trị, bắt buộc phải dùng Aspirin kéo dài, ngoài ra, tùy loại stent có dùng thêm Clopidogrel hay không: Nếu là stent có tẩm thuốc thì phải kết hợp với Clopidogel ít nhất là 1 năm. Bên cạnh đó, phải dùng các thuốc Statin, ức chế men chuyển, chẹn beta (nếu không có chống chỉ định).
Cần tập luyện vừa sức: Thể dục dưỡng sinh, thái cực quyền, bơi,...
Bỏ thuốc lá, rượu, bia. Không ăn các thực phẩm giàu lipit: bơ, pho mát, mỡ - nội tạng động vật, hạn chế thịt bò (3-5 lạng/tháng).
Cháu bi nhip xoang nhanh trên 100 nhip/phút thi thoảng bị chóng mặt. Bệnh của cháu có nguy hiểm không? cần phải điều trị như thế nào?
Nguyễn Ngọc Anh, Hà Nội
Bác sĩ Nguyễn Bằng Phong :
Nhịp tin trên 100 lần thì gọi là nhịp nhanh. Trước khi nói về điều trị thì cần xác định nguyên nhân của nhịp nhanh là gì. Có một số nguyên nhân gây ra nhịp nhanh như sau: Hội chứng cường giáp, suy tim, tình trạng cường giao cảm,... Nhiều trường hợp thường gặp ở người trẻ có nhịp nhanh xoang như trường hợp của bạn, thường không nguy hiểm, không phải điều trị gì. Bạn nên đến khám bác sĩ để tìm xem có các nguyên nhân như đã nói ở trên hay không.
Chào bác sĩ, gia đình tôi có người mắc bệnh tim, nhưng không phải tim bẩm sinh, bác sĩ cho hỏi bệnh tim có di truyền không, nguyên nhân và cách phòng tránh như thế nào?
Nguyễn Thị Loan, 53 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội
Bác sĩ Pháp Olive Bertrand : Yếu tố di truyền :
Chúng ta có thể tính đến yếu tố di truyền trong bệnh tim mạch nếu một hay nhiều người có cùng huyết thống trong gia đình bị tai biến ( Tai biến mạch máu não hoặc nhồi máu cơ tim) : Trước 55 tuổi ( nam: bố, anh trai) hoặc trước 65 tuổi ( nữ: mẹ, chị).
- Không có nghiên cứu nói về nguyên nhân của di truyền và cũng chưa có phương pháp điều trị tính di truyền ( Liệu pháp gen)
- Phòng ngừa : Điều chỉnh các hoạt động sống ( tăng cường hoạt động thể chất, chế độ ăn uống lành mạnh, không hút thuốc lá). Kiểm tra định kỳ nhằm phát hiện sớm các nguy cơ có thể thay đổi được ( mỡ máu cao, tiểu đường, tăng huyết áp).
Em năm nay 18 tuổi là nam. Hiện em đau thắt ngực, khó thở và tăng huyết áp. Đi khám bác sĩ nói nhồi máu cơ tim. Vậy mong bác sĩ cho em chế độ ăn và kiêng ăn gì? Em có thể tham gia các môn thể thao, đá bóng được không? Em xin cám ơn!
Thanh Duy, 18 tuổi, Thanh Hóa
Bác sĩ Pháp Olive Bertrand :
- Chế độ ăn uống: Giảm lượng muổi tránh nguy cơ suy tim, giảm lượng mỡ tránh nguy cơ mỡ máu cao và nhồi máu tái phát.
- Có thể chơi được thể thao hay không phu thuộc vào nhiều yếu tố: Tình trạng động mạch nuôi tim, tống máu tim có đủ hay không và khoảng cách của lần mới bị nhồi máu là bao lâu.
- Tôi khuyên bạn nên làm nghiệm pháp gắng sức trước khi quay trở lại hoạt động thể thao sau khi bị nhồi máu. Kết quả nghiệm pháp gắng sức có thể cho bạn câu trả lời có thể chơi bóng đá được hay không.
- Nếu công việc của bạn liên quan đến hoạt động chân tay, thì bạn cũng cần phải làm test gắng sức.
Tôi bị đôi lúc choáng đầu, đo nhịp tim 140/90. Xin hỏi bác sỹ bệnh của tôi là gì? phòng và điều trị như thế nào?
Trần Thị Phương, 55 tuổi, Quảng Ngãi
Bác sĩ Nguyễn Bằng Phong :
Bác có nói là nhịp tim 140/90, điều này không đúng. 140/90 là huyết áp. Tăng huyết áp có thể là nguyên nhân gây chóang đầu, nhưng cũng còn nhiều nguyên nhân khác: Suy nhược thần kinh, bệnh ở não, màng não, bệnh Migraine,...
Ở trường hợp của bà huyết áp là 140/90 mới chớm tăng, bà nên tiếp tục theo dõi huyết áp: Đo huyết áp ngày 3 lần - sáng, chiều, tối trong vòng 1 tuần. Sau đó đem kết quả đo huyết áp đến khám 1 bác sĩ chuyên khoa tim mạch.
Chào bác sĩ, mẹ cháu bị bệnh hẹp 2 van, hở 2 van, đã tiến hành phẫu thuật, vậy thường ngày nên ăn uống thế nào ạ? Có cần kiêng món gì không?
Ngọc Mai, 25 tuổi, Sơn Tây
Bác sĩ Pháp Olive Bertrand :
Bệnh van tim và chế độ ăn :
Thông thường những người mắc bệnh van tim được khuyến cáo nên ăn ít đồ giàu canxi và mỡ. Cũng giống như các bệnh tim khác, người bệnh nên hạn chế muối nhằm tránh nguy cơ suy tim và tăng huyết áp.
Tôi nghe nói có bệnh “ máu đông trong lòng tĩnh mạch”. Vì làm công việc văn phòng, thường xuyên ngồi, ít đi lại nên tôi rất lo lắng. Liệu có thể phòng ngừa để không mắc phải căn bệnh này hay không? Nếu mắc bệnh, việc điều trị có khó khăn không?
Phạm Hải, 46 tuổi, Hà Nội
Bác sĩ Pháp Olive Bertrand :
Đó là bệnh huyết khối tĩnh mạch và để phòng ngừa bạn cần thường xuyên đeo quần tất, vớ và đai đồng thời hạn chế thời gian ngồi một chỗ hoặc khi ngủ nên gác chân lên cao. Bên cạnh đó, ban nên đi bộ, ngừng hút thuốc và uống nhiều nước.
Còn khi bị mắc bệnh, viiệc điều trị tắc tĩnh mạch phải được tiếh hành dựa trên nguyên tắc chống đông máu. Người bệnh cần dung thuốc liên tục tối thiểu trong 03 tháng tùy theo nguyên nhân.
Việc điều trị bằng thuốc cần kết hợp với chế độ phòng ngừa trong tối thiểu 2 năm và cần siêu âm Doppler kiểm soát nhằm theo dõi loại trừ di chứng.
Tôi bị đau bắp chân mỗi khi đi lại, đó có phải bị bệnh động mạch không?
Đức Tùng, 67 tuổi, Điện Biên
Bác sĩ Nguyễn Bằng Phong :
Đau bắp chân là một trong những biểu hiện quan trọng để phát hiện ra bệnh động mạch chi dưới. Thuật ngữ chuyên môn gọi là đau cách hồi, tức là đi lại thì đau nhưng nghỉ thì hết. Nguyên nhân là do động mạch chi dưới bị sơ vữa gây ra hẹp dẫn đến tình trạng giảm tưới máu cho các cơ ở chân.
Tôi là diễn viên múa, năm nay 28 tuổi. Tôi nghe nói những người phải đứng nhiều có nguy cơ mắc bệnh tắc động mạch chi dưới. Điều này có đúng không? Nếu đúng vậy, tôi cần phải làm gì để phòng bệnh?
Hà Anh, 28 tuổi, Hà Nội
Bác sĩ Nguyễn Bằng Phong :
Một số người làm công việc phải đứng lâu như giáo viên, người đứng máy,... thì dễ mắc bệnh suy tĩnh mạch. Nhưng bạn nói là diễn viên múa thì là người hoạt động liên tục nên nguy cơ bị bệnh suy tĩnh mạch không cao.
Thưa BS, nhịp tim của tôi hay bị loạn,mổi lần như vậy tôi làm mệt một chút chóng mặt và như không có không khí ở cổ, vùng ngực bên trái tim có vẻ nặng, thưa BS, bệnh tôi là bệnh gì ạ? Tôi có siêu âm tim va đo điệm tim nhưng BS phòng khám nói tôi bình thường. Huyết âp cúa tôi luôn ờ mức 12/7- 13,3/8, nhưng nhịp tim có 55 thôi. Tôi cám ơn quý BS và chương trình cùng báo Lao Động.
Trần thị Mùi, 66 tuồi Biên Hoà Đồng Nai
Bác sĩ Nguyễn Bằng Phong :
Trường hợp của bà khả năng là do hội chứng suy nút xoang, nhịp tim lúc nhanh lúc chậm. Bà nên đến khám chuyên khoa tim mạch để được ghi điện tâm đồ liên tục trong vòng 24h - 48h, gọi là kĩ thuật Holter điện tâm đồ. Khi ghi điện tâm đồ liên tục trong thời gian 24h - 48h thì có thể phát hiện được nhiều sự kiện về nhịp tim hơn là ghi điện tâm đồ bình thường.
Có khi nào bệnh động mạch vành mà không đau ngực không?
Cấn Thương, 37 tuổi
Bác sĩ Pháp Olive Bertrand :
Ở những người bị tiểu đường thì biểu hiện của bệnh động mạch vành thường không rõ ràng.
Nam giới bị bệnh tim mạch có ảnh hưởng đến khả năng tình dục? Liệu họ có bị yếu sinh lý?
Nguyễn Văn Tuấn, 47 tuổi, nhân viên văn phòng
Bác sĩ Pháp Olive Bertrand :
Có, bệnh yếu sinh lý có thể do bệnh về mạch và do đó người ta đã thấy 2 bệnh hay đi cùng với nhau ở những người có độ tuổi trên 40 tuổi.
Chúng ta có thể có những xét nghiệm thăm dò xem một động mạch ở bộ phận sinh dục có bị tổn thương hay không và có thể chữa được hay không. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa các yếu tố nguy cơ (tiểu đường, thuốc lá, huyết áp cao).
Tôi đang dùng thuốc chống đông máu, vậy cần phải lưu ý những gì ?
Hoàng Việt, 39 tuổi, Ninh Bình
Bác sĩ Nguyễn Bằng Phong :
Trước hết phải xem bạn dùng thuốc chống đông loại gì? Để điều trị bệnh gì? Đối với bệnh mạch vành thì thuốc chống đông là các thuốc kháng ngưng tập tiểu cầu như Aspirin, Clopidogrel,... Đối với bệnh nhân mang van tim nhân tạo hoặc bị rung nhĩ, hay huyết khối tĩnh mạch chi dưới thì thuốc chống đông là kháng vitamin K. Đối với tất cả các loại thuốc chống đông thì phải lưu ý 2 điều:
- Thứ nhất là dùng chưa đủ liều dẫn đến hiệu quả của thuốc không đầy đủ.
- Thứ 2 là dùng quá liều gây ra chảy máu như chảy máu tiêu hóa, chảy máu não, xuất huyết dưới da,...
Để đánh giá hiệu quả của thuốc chống đông, người ta dùng các xét nghiệm đông máu.
Ngoài ra, khi dùng thuốc kháng vitamin K thì phải lưu ý đặc biệt các trường hợp có thai hoặc cho con bú là chống chỉ định.
Tôi bị thừa cân. Chế độ ăn uống hiện tôi áp dụng để giảm cân và để ổn định cân nặng là không ăn cơm hoặc ăn ít cơm, ăn nhiều rau và thịt. Tôi nghe nói ở các nước châu Âu, tỉ lệ người dân bị tim mạch cao vì thói quen ăn nhiều thịt. Vậy việc ăn nhiều thịt như của tôi có thể có nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch?
Đỗ Tiến Hoà, 27 tuổi, Hà Nội
Bác sĩ Pháp Olive Bertrand :
Chế độ ăn như vậy không có ảnh hưởng tới tim nhưng có thể tác động tới thận. Bạn cần cân bằng chế độ ăn của mình và bạn cũng nên chú ý không nên giảm cân quá nhanh và giảm cân một cách từ từ với chế độ ăn hợp lý chứ không nên quá thiên lệch.
Từ nhỏ đến giờ, mỗi khi lao động quá sức hay chơi thể thao thì tim tôi lại bị đập nhanh và kéo dài, chỉ khi nằm nghỉ ngơi thì nó mới thôi. Gần đây( 53 tuổi) tôi bị lo lắng thì nó lại bị đập nhanh và dù có nằm nghỉ thì mà cũng không hết, sau đó phải vào bệnh viện cấp cứu. BS chẩn đoán là “ Cơn nhịp nhanh trên thất”, sau đó tự hết và tôi về nhà( BS bảo phải nhập viện), một tháng sau tôi bị cảm thì nó lại “ lên cơn” đập nhanh và cũng không chịu dừng, lại phải vào cấp cứu và BS cùng chẩn đoán như trên. Sau đó tôi đi khám Bs tại nhà, sau khi xem điện tim do BV đo và siêu âm màu, BS đề nghị tôi “ Mổ, đốt điện”. Tôi lo lắng quá, tôi muốn hỏi bệnh nầy có thể uống thuốc để khỏi phải mổ không? BS chỉ đinh như thế có chính xác không? ( Tôi nói thêm, trước kia tôi bị viêm xoang, BS chỉ định mổ xoang, nhưng sau khi mổ xong thì bệnh cũng y như cũ nên tôi bị ám ảnh, lo sợ). Xin được tư vấn, xin cám ơn.
Trần Thị Loan, 53 tuổi
Bác sĩ Pháp Olive Bertrand :
Loạn nhịp trên thất rất đa dạng. Tôi xin phép nói một cách khái quát và không đi vào chi tiết.
- Nguyên nhân khởi phát là do gắng sức quá mức, do ảnh hưởng của thời tiết lạnh giá, sốt
- Ở bệnh nhân mắc bệnh này, các thời kỳ xuất hiện yếu tố khởi phát có thể tiên lượng rõ. Tôi nghĩ rằng, bệnh nhân có thể điều trị chống loạn nhịp (chẹn Beeta, Amiodarone, Dòng I). Nếu dùng thuốc nhưng không có hiệu quả có thể nghĩ tới cần đốt điện (bằng sóng RF( sóng Radio tần sô cao), Cryo, cô lập tĩnh mạch phổi). Tuy nhiên, chỉ định đốt điện chỉ phù hợp với những bệnh nhân dưới 65 tuổi có loạn nhịp cơn nhưng không có bệnh tim. Theo quy chuẩn điều trị quốc tế, có 2 lựa chọn trong 2 khả năng: đốt điện hoặc điều trị bằng thuốc. Trường hợp của bạn có thể lựa chọn cả hai và tham khảo thêm bác sĩ của bạn.
Em tôi bị bệnh hẹp van hai lá ? Có phải là bệnh di truyền không ? Bệnh này có chữa được không ? Có những biện pháp nào để điều trị?
Bình Dương, 27 tuổi, Quảng Bình
Bác sĩ Nguyễn Bằng Phong :
Hẹp van 2 lá không phải là bệnh di truyền mà là di chứng của bệnh thấp khớp hay còn gọi là thấp tim. Tuỳ mức độ hẹp và tình trạng của van 2 lá mà có các chỉ định điều trị khác nhau. Nếu hẹp nhẹ thì chỉ cần điều trị nội khoa: lợi tiểu, thuốc chống đông phòng tắc mạch nếu có rung nhĩ. Nếu có hẹp nhiều mà van 2 lá chưa vôi hóa nhiều thì có thể áp dụng kĩ thuật nong hẹp van 2 lá bằng bóng.
Nếu hẹp nhiều, van vôi hóa nhiều, có tổn thương phối hợp như hẹp hở chủ, hở 2 lá, hoặc có huyết khối ở trong nhĩ trái thì có chỉ định mổ thay van nhân tạo.
Tôi có hội chứng tim đập nhanh từ năm 1998. Đến nay ít đập nhanh nhưng thỉnh thoảng nháy tim rất khó chịu. Đang bình thường tim như đập lỗi một nhịp. Đã chụp mạch vành có vôi hoá đoạn Lcx1. Đề nghị BS cho biết tôi bị bệnh gì, những lúc như thế thì làm thế nào. Xin trân trọng cảm ơn!
Nguyễn Thị Xuân, 56 tuổi, ở Hải Phòng
Bác sĩ Pháp Olive Bertrand :
Cảm giác khó chịu của bạn có thể là do chứng hẹp khít mạch vành hoặc do tiền sử nhịp tim nhanh. Do các triệu chứng bạn cung cấp còn chưa thật rõ ràng nên bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để có hướng điều trị.
------------------------------------------------------------------
Sau hơn 2 tiếng giao lưu cùng bạn đọc, hai chuyên gia tim mạch của BV đa khoa Quốc tế Vinmec đã trả lời nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi đến. Do thời gian có hạn, nhiều câu hỏi của bạn đọc chưa được giải đáp hết. Nếu độc giả còn bất kì thắc mắc nào xin vui lòng gửi vào địa chỉ sau, chúng tôi sẽ chuyển đến các chuyên gia và trả lời trong thời gian sớm nhất.
https://www.facebook.com/Vinmec?ref=br_tf