Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS, BS. Đặng Mạnh Cường - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Đặt stent đường mật là một kỹ thuật cao, được sử dụng để điều trị tắc nghẽn xảy ra trong ống mật. Theo đó, kỹ thuật chụp mạch máu số hóa xóa nền (chụp DSA) ứng dụng tia X để nghiên cứu mạch máu trong cơ thể, giúp thấy rõ thương tổn trước khi chỉ định can thiệp.
1. Tổng quan
1.1. Định nghĩa
Mật là chất dịch do gan sản xuất, giúp cơ thể tiêu hóa được chất béo. Mật được bài tiết qua các ống mật và dự trữ trong túi mật. Mật sẽ tiết vào ruột non sau một bữa ăn có chứa chất béo. Một cơ vòng (cơ thắt) có tên Oddi, nằm tiếp giáp giữa ống mật chủ và ruột non (tá tràng), có nhiệm vụ điều khiển bài tiết mật.
1.2. Nguyên nhân tắc mật
Một số nguyên nhân gây tắc mật thường gặp là:
- Ung thư đầu tụy (nguyên nhân ác tính phổ biến nhất);
- Ung thư đường mật hoặc túi mật;
- Ung thư gan và đại tràng;
- Tổn thương di căn vào rốn gan;
Những trường hợp chít hẹp đường mật không do ung thư bắt nguồn từ:
- Phẫu thuật cắt bỏ túi mật làm tổn thương đường mật (chiếm 80%);
- Viêm tụy hoặc viêm xơ đường mật nguyên phát;
- Sỏi túi mật;
- Bệnh nhân sau xạ trị hoặc chấn thương bụng;
1.3. Điều trị tắc mật
Stent đường mật là một ống bằng nhựa tổng hợp hoặc kim loại, được đưa vào trong lòng đường mật để giảm bớt sự chít hẹp ống mật. Có hai phương pháp đặt stent đường mật được áp dụng nhiều nhất là: Chụp mật tụy ngược dòng qua nội soi và Chụp đường mật xuyên gan qua da.
Ngoài ra, phẫu thuật là biện pháp thay thế chủ yếu cho đặt stent đường mật. Các bác sĩ thường cắt bỏ chỗ chít hẹp và tạo một cầu nối ống mật chủ - hỗng tràng hoặc giữa ống gan và ruột non. Điều trị ngoại khoa đạt hiệu quả tốt ở 85 - 98% bệnh nhân, các biến chứng cũng ít xảy ra. Nhưng tùy vào giai đoạn phát hiện tổn thương, sẽ có bệnh nhân không được chỉ định phẫu thuật triệt căn. Trong đó, bệnh lý tắc mật thường là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tử vong.
Để giải quyết vấn đề này, từ thập niên 70 của thế kỷ XX, các chuyên gia đã tiến hành can thiệp đường mật qua da nhằm giải phóng đường mật. Đây là kỹ thuật can thiệp tối thiểu nhưng mang đến hiệu quả cao, ít biến chứng, thời gian phục hồi cũng khá nhanh.
2. Khi nào cần đặt stent đường mật qua da?
2.1. Chỉ định
Bên cạnh việc chụp và dẫn lưu đường mật qua da, kỹ thuật đặt stent đường mật qua da cũng thường được tiến hành để điều trị các trường hợp tắc mật ác tính mà không còn khả năng phẫu thuật. Nguyên nhân có thể là do:
- Tổn thương u giai đoạn muộn;
- Tuổi già;
- Có các bệnh lý khác kèm theo như bệnh tiểu đường, tim mạch...
2.2. Chống chỉ định
Không được thực hiện đặt stent đường mật qua da trong trường hợp:
- Nhiễm khuẩn nặng (nên dẫn lưu đường mật trước để điều trị ổn định);
- Chẩn đoán hẹp đường mật ác tính chưa rõ ràng;
- Có khả năng phẫu thuật cắt hoàn toàn tổn thương;
- Có tiền sử dị ứng với chất I-ốt trong thuốc cản quang.
3. Chuẩn bị
- Người thực hiện: Bác sĩ chuyên khoa (điện quang, gây mê, ngoại...), điều dưỡng và kỹ thuật viên;
- Phương tiện thực hiện cần có: Máy chụp mạch số hóa xóa nền (chụp DSA), máy siêu âm,đầu dò, phim, máy in, hệ thống lưu hình ảnh, bộ áo che chắn tia X...
- Thuốc men: Gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân (tùy theo chỉ định), thuốc đối quang I-ốt tan trong nước, dung dịch sát khuẩn...
- Vật tư y tế thông thường: Bơm tiêm các cỡ, nước cất hoặc dung dịch nước muối sinh lý, đồ phẫu thuật, bộ dụng cụ can thiệp vô trùng, bông băng phẫu thuật, hộp cấp cứu tai biến...
- Vật tư y tế đặc biệt: Kim Chiba chọc đường mật, bộ ống vào lòng mạch, dây dẫn tiêu chuẩn, dây dẫn cứng, ống thông chụp mạch, ống dẫn lưu đuôi lợn, bóng nong và giá đỡ (stent) đường mật, cuối cùng là chỉ khâu da.
- Người bệnh: Được giải thích kỹ về thủ thuật, nhịn ăn uống trước 6 giờ, nằm ngửa và lắp máy theo dõi các chỉ số sinh tồn, sát trùng da, phủ khăn lỗ vô khuẩn. Nếu có rối loạn đông máu thì được điều trị bổ sung vitamin K, tiêm tĩnh mạch kháng sinh dự phòng trước 6 giờ, cho thuốc an thần khi quá kích thích, không nằm yên...
- Phiếu xét nghiệm: Hồ sơ bệnh án, phiếu chỉ định, và phim ảnh chụp chẩn đoán nếu có.
4. Các bước tiến hành
4.1. Chụp đường mật qua da
Kỹ thuật cần được thực hiện trong điều kiện vô khuẩn. Theo đó, các bác sĩ thường sử dụng kim nhỏ 22G (Chiba) chọc vào đường mật dưới hướng dẫn của siêu âm, chụp chụp mạch số hóa xóa nền.
4.2. Dẫn lưu đường mật
Tiến hành sau khi chụp đường mật nhằm đánh giá hệ thống đường mật. Các bước như sau:
- Chọc kim cỡ 16-18 F vào đường mật dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc màn chiếu tia X;
- Luồn ống thông, sau đó thay bằng dây dẫn;
- Đặt ống thông dẫn lưu đường mật ra ngoài, hoặc đưa đầu của ống thông xuống tá tràng (gọi là dẫn lưu trong - ngoài).
4.3. Đặt stent đường mật qua da
Kỹ thuật này tương tự như khi đặt dẫn lưu đường mật, cụ thể:
- Đặt dây dẫn cứng vào hệ thống đường mật;
- Tiến hành nong đường vào;
- Đặt stent có đường kính 8 - 10 mm vào vị trí hẹp.
Tùy thuộc vào quá trình can thiệp có xuất huyết đường mật hay không mà có thể đặt ống thông dẫn lưu dự phòng vào hệ thống đường mật. Lưu ý, ống thông dẫn lưu này sẽ được kẹp lại sau 24 giờ. Nếu không có biến chứng, bệnh nhân không đau hay sốt thì có thể rút ống thông dự phòng sau 48 giờ.
5. Nhận định kết quả
Kỹ thuật đặt stent đường mật qua da được xem là thành công khi:
- Ống dẫn lưu và khung giá đỡ (stent) nằm trong đường mật ở vị trí an toàn, đúng nơi tổn thương;
- Dịch mật chảy tự nhiên qua ống dẫn lưu;
- Không có tụ dịch hay máu dưới bao gan, cũng như trong ổ bụng;
- Giảm tắc nghẽn và giúp mật lưu thông tốt hơn sau đặt stent.
6. Tai biến và xử trí
Một số tai biến có nguy cơ xảy ra bao gồm:
- Sốc nhiễm khuẩn;
- Viêm phúc mạc;
- Chảy máu trong ổ bụng;
- Tràn khí màng phổi;
- Rò chất cản quang vào ổ bụng;
- Nhiễm trùng huyết hoặc tại vị trí tiêm chích;
- Stent di chuyển khỏi vị trí đã đặt, tắc nghẽn và gây thủng ruột.
Tùy thuộc vào từng loại biến chứng cụ thể mà đội ngũ y bác sĩ sẽ hội chẩn chuyên khoa, từ đó đưa ra hướng điều trị theo phác đồ cụ thể.
Sau thủ thuật đặt stent đường mật qua da, người bệnh cần được theo dõi sát để nhanh chóng phát hiện biến chứng nếu có. Cần hướng dẫn bệnh nhân nằm nghiêng về bên phải trong ít nhất 6 giờ để giảm nguy cơ chảy máu ở vị trí tiêm. Để bảo đảm stent hoạt động tốt, bác sĩ nên tái khám thường xuyên để sớm phát hiện dấu hiệu tắc mật tái phát.
Đặt stent đường mật qua da là kỹ thuật đòi hỏi cần có trình độ kinh nghiệm cao của bác sĩ thực hiện cùng với sự phối hợp hoàn hảo của bệnh nhân. Ngoài ra để đạt hiệu quả chẩn đoán cao thì bệnh nhân cần chọn các địa chỉ uy tín có máy chụp số hóa nền, điều này giúp thấy rõ thương tổn trước khi chỉ định can thiệp.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là bệnh viện có hội tụ đầy đủ các bác sĩ đa khoa và chuyên khoa thực hiện, thăm khám, phẫu thuật, chẩn đoán hình ảnh và điều trị các bệnh về đường mật, tiêu hóa. Đặc biệt, tại Vinmec cũng có thực hiện kỹ thuật đặt stent điều trị nhiều bệnh lý khác nhau và đem lại kết quả điều trị tối ưu cho quý khách hàng.
Trước khi nhận công tác tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park từ tháng 12 năm 2017, Bác sĩ Đặng Mạnh Cường có trên 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực siêu âm – chẩn đoán hình ảnh ở các Bệnh viện Giao thông vận tải Hải Phòng, Phòng MRI bệnh viện Nguyễn Tri Phương và khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Quốc tế Becamex.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.