Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nông Ngọc Sơn - Bác sĩ hóa trị và điều trị giảm nhẹ - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Ung thư vú là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nữ giới. Tuy nhiên, chị em hoàn toàn có thể phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời bằng kỹ thuật chụp nhũ ảnh và các xét nghiệm sàng lọc ung thư vú.
1. Thế nào là xét nghiệm sàng lọc bệnh lý?
Đây là những xét nghiệm chuyên biệt, được sử dụng để xác định khả năng mắc một hoặc một vài bệnh lý nào đó. Xét nghiệm sàng lọc bệnh lý mang ý nghĩa phòng bệnh và giúp bệnh nhân điều trị sớm hơn, khả năng khỏi bệnh cao hơn.
2. Tại sao nên thực hiện sàng lọc ung thư vú?
Tại Hoa Kỳ, một trong tám phụ nữ sẽ bị ung thư vú ở tuổi 75. Trong khi đó, bằng việc thực hiện sàng lọc ung thư vú định kỳ, người bệnh có thể phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm và cơ hội chữa trị thành công sẽ cao hơn. Xét nghiệm sàng lọc ở vú còn giúp phát hiện các bệnh lý khác không phải là ung thư.
3. Chụp nhũ ảnh là gì?
Chụp nhũ ảnh (hay chụp mammography) là một kỹ thuật y khoa, trong đó sử dụng tia X-quang để sàng lọc ung thư vú và các vấn đề khác. Hình ảnh thu được sau khi thực hiện gọi là mammogram (hình ảnh chụp X-quang khối u ở vú).
4. Lưu ý trước khi chụp nhũ ảnh
Trước ngày thực hiện, bác sĩ thường dặn dò bạn không nên thoa phấn, đánh phấn, sử dụng nước thơm và chất khử mùi. Bởi hầu hết các sản phẩm này đều có chứa các chất có thể hiển thị trên hình ảnh X-quang. Chúng gây nhiễu kết quả chụp mammography và rất khó để bác sĩ kết luận chính xác.
5. Chụp nhũ ảnh được thực hiện như thế nào?
Để tiến hành chụp nhũ ảnh, bạn cần thay toàn bộ phần trang phục phía trên bằng một chiếc áo choàng được chuẩn bị sẵn. Về cơ bản, chụp nhũ ảnh cũng tương tự như chụp X-quang:
- Bạn đứng trước một chiếc máy X-quang và đặt một phần ngực lên một mặt phẳng.
- Tiếp theo, kỹ thuật viên X-quang sẽ sử dụng một băng dính ghi dấu X-quang nhỏ, dán lên phần vú, nơi nghi ngờ có khối u.
- Sau đó, một tấm plastic phẳng được đặt đè lên phần ngực còn lại. Tấm plastic sẽ ép chặt ngực càng nhiều càng tốt để ghi nhận được hình ảnh của nhiều mô nhất có thể. Bạn sẽ cảm thấy ngực của mình bị ép mạnh và khó chịu đôi chút.
Các bước trên sẽ được lặp đi lặp lại, lần lượt hai bên vú để có được một hình ảnh đầy đủ nhất.
6. Chụp nhũ ảnh có đau không?
Đôi khi, áp lực từ các tấm plastic phẳng ép vào ngực khiến cho bạn bị đau. Tuy nhiên, sự khó chịu này thường chỉ thoáng qua. Nếu đang trong kỳ kinh nguyệt nhạy cảm, bạn có thể dời lại xét nghiệm sau khi qua kỳ kinh.
7. Kết quả chụp mammography được đánh giá thế nào?
Các bác sĩ X-quang sử dụng một hệ thống gọi là BI-RADS để phân loại kết quả chụp nhũ ảnh theo điểm số từ 0 đến 5 như sau:
- 0 - Thông tin là chưa đủ để kết luận.
- 1 - Không có gì bất thường. Bạn nên tiếp tục kiểm tra định kỳ.
- 2 - Phát hiện u nang lành tính (là khối u nhưng không phải ung thư). Bạn nên tiếp tục kiểm tra định kỳ.
- 3 - Phát hiện bất thường nhưng chưa chắc là ung thư. Nên thực hiện chụp nhũ ảnh trong vòng 6 tháng tiếp theo.
- 4 - Phát hiện có yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư. Bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết để xác định.
- 5 - Phát hiện nguy cơ cao xảy ra ung thư. Bạn cần phải sinh thiết để xác định.
8. Thế nào là nguy cơ trung bình mắc bệnh ung thư vú?
Khi một người phụ nữ được phát hiện có các yếu tố nguy cơ nhất định gây ra bệnh ung thư vú, thì đây là trường hợp nguy cơ cao mắc bệnh. Những yếu tố nguy cơ này bao gồm:
- Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú, ung thư buồng trứng hoặc các loại ung thư di truyền khác
- Đột biến gen BRCA1 và BRCA2
- Điều trị bệnh lý ở ngực bằng liệu pháp bức xạ khi còn trẻ
- Đã từng có kết quả sinh thiết vú cho thấy có nguy cơ cao.
Phụ nữ không có các yếu tố nguy cơ kể trên được xem là có nguy cơ trung bình mắc bệnh ung thư vú.
9. Khi nào nên bắt đầu chụp nhũ ảnh?
Đối với các chị em có nguy cơ mắc bệnh ở mức trung bình, nên bắt đầu chụp nhũ ảnh sàng lọc ung thư vú mỗi 1-2 năm/lần, kể từ lúc 40 tuổi và không quá 50 tuổi. Xét nghiệm sàng lọc nên thực hiện định kỳ cho đến ít nhất là năm 75 tuổi.
10. Kết quả chụp nhũ ảnh có chính xác không?
Giống như các xét nghiệm sàng lọc bệnh lý khác, chụp mammography sàng lọc ung thư vú đôi khi cũng cho kết quả sai lệch. Chụp nhũ ảnh có thể không phát hiện được bất kỳ dấu hiệu nào, ngay cả khi bạn đang mắc bệnh (gọi là âm tính giả). Kết quả âm tính giả sẽ dẫn đến sự chậm trễ trong tiến trình điều trị.
Ngược lại, chụp nhũ ảnh đôi khi lại cho thấy một bất thường nào đó được cho là ung thư, nhưng khi thực hiện xét nghiệm chẩn đoán sâu hơn thì kết quả cho thấy bạn không bị ung thư (dương tính giả). Những hiện tượng này là hoàn toàn bình thường, nhưng rất hiếm khi xảy ra. Trên thực tế, các xét nghiệm y khoa nói chung sẽ không thể tránh khỏi những sai sót như vậy.
11. Khám nghiệm vú lâm sàng được thực hiện như thế nào?
Bác sĩ thường sẽ khám và tầm soát các vấn đề ở vú trong những lần kiểm tra định kỳ. Đây được gọi là khám nghiệm vú lâm sàng. Quy trình khám nghiệm có thể được thực hiện trong tư thế nằm hoặc ngồi. Bác sĩ sẽ kiểm tra hai bên ngực đối với các chỉ số như: kích thước, hình dạng, nếp nhăn, chỗ trũng hoặc độ đỏ của da. Từ đó, bác sĩ có thể nhận định phần nào đó về nguy cơ xảy ra ung thư vú.
12. Nên khám nghiệm vú lâm sàng bao lâu một lần?
Đối với những phụ nữ có nguy cơ trung bình mắc ung thư vú và không có biểu hiện gì bất thường, có thể thực hiện với tần suất như sau:
- Thực hiện mỗi 1-3 năm trong độ tuổi 25-39.
- Thực hiện hàng năm từ 40 tuổi trở lên.
13. Tại sao phụ nữ cần phải tự nhận thức về tình trạng của vú?
Phụ nữ cần chú ý ghi nhớ trạng thái bình thường của bộ ngực, để từ đó có thể kịp thời phát hiện những thay đổi xảy ra. Bởi vì đa số những ca ung thư vú là do chính bản thân người phụ nữ phát hiện ra:
- Gần một nửa số trường hợp ung thư vú ở phụ nữ ngoài 50 tuổi là do tự phát hiện ra.
- Hơn 70% số ca mắc bệnh ung thư vú ở phụ nữ dưới 50 tuổi được tìm thấy bởi chính họ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Acog.org