Hiện tại đã có một vài báo cáo về chủng mới của SARS-CoV 2 do virus đã biến chủng, khiến cho mức độ nguy hiểm của dịch tăng lên. Mặc dù vậy đây vẫn là một vấn đề còn gây rất nhiều tranh cãi bởi các bằng chứng đưa ra có thể là chưa đủ mạnh để đưa ra kết luận chính xác cuối cùng.
1. Chủng của virus là gì
Khi các nhà khoa học sử dụng từ chủng của virus, họ đang đề cập đến các dòng virus khác biệt về mặt di truyền, có thể được tạo ra bằng một hoặc nhiều đột biến từ một chủng khác. Các chủng có thể giống nhau hoặc khác nhau về mặt sinh học (hay chức năng). Hai chủng sẽ được coi là khác nhau về mặt sinh học nếu chúng gây ra những phản ứng khác nhau lên hệ thống miễn dịch của con người, hoặc nếu chúng khác nhau về phương thức lây truyền bệnh.
2. Virus biến thể là gì
Khi virus xâm nhập vào trong tế bào, chúng sẽ bắt đầu nhân lên và tạo ra các bản sao của chính nó, bằng cách sao chép các thông tin di truyền và nhân lên. Bộ gen của virus Covid-19 được mã hóa trong một phân tử RNA. Quá trình nhân lên của các virus RNA này rất dễ xảy ra lỗi dẫn tới sự tích lũy và đột biến gen tương đối nhanh theo thời gian. SARS-CoV-2 được các nhà khoa học báo cáo rằng chứa bộ gen có tỉ lệ đột biến thấp hơn nhiều so với các loại virus RNA khác như virus cúm hay virus HIV.
3. Có phải virus SARS-CoV-2 đã biến đổi sang một chủng mới nguy hiểm hơn?
Các nhà khoa học đã khẳng định rằng virus Covid-19 đã biến chủng và chủng virus corona mới đang lưu hành hiện nay có khả năng lây nhiễm cao gấp 6 lần so với chủng nguyên thể ở Vũ Hán.
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học Cell đã đưa ra nghiên cứu trong phòng thí nghiệm khi xác định những thay đổi nhỏ trong protein nhô ra khỏi bề mặt của virus Covid-19. Sự thay đổi này đã được xác định tại thời điểm tháng 6 vừa qua và sự thay đổi này làm tăng khả năng truyền virus từ người này sang người khác, tuy nhiên không làm tăng hay giảm các triệu chứng.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos ở New Mexico, Đại học Duke ở Bắc Carolina và nhóm nghiên cứu Covid-19 Genomics của Đại học Sheffield.
Nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu trên 999 bệnh nhân người Anh đang được điều trị với tình trạng nặng, đồng thời cũng tiến hành các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm để đánh giá về độ mạnh của virus khi nó xâm nhập vào tế bào con người. Các nhà khoa học đánh giá kết quả của họ vào tháng 6 vừa qua sau khi thực hiện các quy trình nghiên cứu chặt chẽ. Các kết quả cho thấy chủng hiện tại - D614G - có khả năng lây nhiễm cao gấp ba đến sáu lần so với chủng đầu tiên được phát hiện tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc. Tuy nhiên mức độ lây nhiễm này như thế nào ở môi trường bên ngoài phòng thí nghiệm thì vẫn chưa đánh giá được.
4. Tại sao việc theo dõi đột biến virus lại rất quan trọng?
Đột biến trong virus có thể phát hiện bằng cách giải mã trình tự bộ gen của virus được phân lập từ các bệnh nhân trên khắp thế giới. Các thông tin này sẽ giúp các nhà khoa học phát hiện các biến thể mới của virus và các đột biến gen nào đã xảy ra, từ đó tăng thêm hiểu biết về loại virus này và xác định xem liệu đột biến có làm thay đổi tính chất của virus hay không. Các đột biến trong tương lai có thể tác động tiêu cực (hoặc tích cực) đến tỷ lệ mắc bệnh và các hậu quả đến sức khỏe của con người. Do đó, việc theo dõi di truyền và đặc tính sinh học của các đột biến mới là những nghiên cứu luôn được ưu tiên cao.
5. WHO nói gì về chủng virus corona mới được tìm thấy ở Việt Nam và cuối tháng 7
Sau khi các ca bệnh mới được xác định tại ổ dịch Đà Nẵng, các nhà chuyên môn đã xác định đây là một chủng SARS-CoV 2 mới chưa từng có ở Việt Nam trước đó. Tuy nhiên chuyên gia WHO nói rằng chủng virus này là chủng đang lưu hành ở nhiều nước và không đáng lo ngại, do chủng virus này so với chủng cũ thì không có mức độ lây truyền mạnh hơn và động lực cũng không thay đổi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: nzherald.co.nz, coronavirusexplained.ukri.org