Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Duy Chinh - Đơn nguyên Kỹ thuật cao Điều trị bại não và Tự kỷ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Hiện nay, tỉ lệ người dân Việt Nam bị trĩ là không nhỏ. Bệnh xuất phát từ chứng táo bón. Sau quá trình chạy chữa bằng tăng cường vận động, điều chỉnh chế độ ăn mà vẫn không khỏi, bệnh nhân thường phải cam chịu, nguy cơ bị trĩ từ đó. Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec đã áp dụng phương pháp điều trị táo bón mới bằng cách kích thích phục hồi hệ thần kinh chỉ đạo phản xạ đại tiện. Hàng chục bệnh nhân ở những độ tuổi khác nhau đã đạt được kết quả điều trị mong muốn.
1. Chữa táo bón ở trẻ em
Cháu Linh (ở Hà Nội) năm nay 10 tuổi và bị táo bón từ năm 2 – 3 tuổi. Cứ 3 - 5 ngày cháu mới đi cầu, mỗi lần đều đau khóc, bố mẹ phải hỗ trợ. Bụng ấm ách nên nhiều ngày kết quả tiếp thu bài cũng bị ảnh hưởng. Cháu bé đi khám bệnh ở nhiều nơi, bác sĩ tư vấn cháu ăn nhiều rau củ, kết hợp uống thuốc nhuận tràng; O gần 1 năm. Nhưng bệnh chỉ đỡ một thời gian. Năm 2013, anh Tuấn - bố cháu Linh đưa con sang Thái Lan khám bệnh, uống thuốc theo đơn của các bác sĩ này được 6 tháng. Theo chỉ định, liều thuốc sau 6 tháng sẽ giảm dần, nhưng thuốc giảm đến đâu, bệnh lại tái phát đến đó.
Tìm hiểu thông tin trên internet, anh Tuấn cho rằng có khả năng đó là bệnh phình đại tràng, dài trực tràng và nếu như thế phải mổ. Khi biết Vinmec điều trị táo bón, đưa con đây đến khám, với tinh thần cho con nghỉ học để mổ. Các bác sĩ Vinmec đã khám, chẩn đoán bé bị giảm phản xạ đại tiện do nguyên nhân thần kinh. Gia đình cháu cũng được tư vấn về điều trị táo bón bằng kích thích điện hậu môn. Điều bất ngờ là sau điều trị 9 buổi, không dùng thuốc, kết hợp tập mỗi ngày 2h với các bài xoa bụng hỗ trợ nhu động ruột, cháu bé đã có thể đại tiện dễ dàng và tình trạng ngày càng được cải thiện hơn. Đến nay, cháu Linh đã có thể đại tiện bình thường như chưa từng bị táo bón.
Một trường hợp khác, cháu Nguyễn Hồng Hà Minh (3,6 tuổi, ở Hà Nội) bị táo bón từ khi mới sinh. Tháng 4.2015 vừa qua, mẹ bé là chị Cao Hồng Hạnh – đã đưa bé tới Vinmec điều trị hai liệu trình liên tiếp. Sau khi thấy con có biểu hiện tốt, đi ngoài được bình thường, chị Hạnh đã đưa thêm cháu họ là bé Tạ Vũ Cao Nguyên (7 tuổi, bị táo bón từ lúc 5 tuổi) đến điều trị. Bé Nguyên cũng đã đi ngoài được bình thường sau một liệu trình.
ThS, BS Vũ Duy Chinh – Chuyên khoa Phục hồi chức năng Vinmec cho biết: “Tại khoa thường xuyên có những người bệnh bị táo bón đến điều trị bằng phương pháp này. Đặc biệt là thời gian các cháu nghỉ hè, số bệnh nhi đến tăng lên. Sau khi kết thúc điều trị, bệnh nhân dù đã đi ngoài bình thường vẫn tiếp tục được theo dõi 10 ngày. Nếu táo bón trở lại, bệnh nhân sẽ tiếp tục được điều trị cách ngày để củng cố thần kinh phản xạ đại tiện mới. Tuy nhiên, các bệnh nhân sau 1 tuần – 1 tháng kiểm tra, trong số hơn hàng trăm ca điều trị bằng phương pháp này, chưa có ai phải dùng thuốc táo bón hỗ trợ hoặc quay trở lại tình trạng bệnh ban đầu.
2. Khi nào chữa được táo bón bằng kích thích điện hậu môn?
Nguyên nhân gây nên táo bón có thể do thói quen sinh hoạt ngồi nhiều, ăn ít chất cơ, uống ít nước, gọi là táo bón cơ năng. Khi đó, bệnh có thể chữa bằng thuốc, điều chỉnh chế độ ăn, tăng cường vận động, tập bài bổ trợ thành bụng. Còn với táo bón do bệnh lý giảm hoặc mất phản xạ đại tiện, đây là bệnh thực thể cần có can thiệp điều trị bằng máy móc, phẫu thuật. Theo BS Chinh: Khi kích thích điện hậu môn để phục hồi phản xạ thần kinh đại tiện, khả năng đáp ứng của từng bệnh nhân khác nhau, có người chỉ cần 1 liệu trình đã đạt hiệu quả. Nhưng có những người bị bệnh lâu năm, cần kiên trì thêm vài liệu trình nữa. Tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá thành công điều trị là bệnh nhân đi ngoài đều đặn hàng ngày. Ngoài ra, họ cũng được đánh giá qua các can thiệp cận lâm sàng như chụp khung đại tràng có thuốc cản quang, đo áp lực hậu môn trực tràng, đánh giá chức năng đại tiện và các bệnh lý liên quan đến vùng sàn chậu.
Bác sĩ Chinh cho biết thêm: Tại Vinmec, trường hợp cao tuổi nhất là 73 tuổi, phổ biến nhất là trẻ em. Trước khi điều trị, bệnh nhân cần được khám, chẩn đoán cận lâm sàng, thăm dò chức năng để đo mức độ bệnh. Điều trị bằng máy kích thích phục hồi hệ thần kinh phản xạ đại tiện là phương pháp tiếp cận mới trong chẩn đoán điều trị táo bón. Tại phía Nam, ĐH Y dược TP.HCM đã áp dụng. Còn khu vực phía Bắc, Bệnh viện Vimec Times City là nơi đầu tiên thực hiện.
3. Tác hại của táo bón
- Các bệnh nhân táo bón thường ăn không ngon miệng.
- Các cháu nhỏ nếu không được bố mẹ hỗ trợ thụt tháo, rất dễ chán ăn và suy dinh dưỡng.
- Thời gian các cháu “ôm” bồn cầu 30 – 60 phút, gia đình không tránh khỏi stress mỗi lần đi thụt tháo.
- Mặt khác, phân ứ lâu ngày trong ruột già có mùi khó chịu. Cơ thể bị tái hấp thu lại nước và chất độc hại từ phân, sẽ không có lợi.
Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.