Chú ý theo dõi đau đầu kèm co giật vùng thái dương

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh An Thiên - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Trong thực tế, đau đầu vùng thái dương là triệu chứng không đặc hiệu, có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân và bệnh lý khác nhau như bệnh lý về thần kinh, bệnh lý về động mạch hoặc bệnh lý của mắt. Dù có căn nguyên như thế nào thì việc đau đầu kèm thái dương bị giật cũng cần được bệnh nhân chú ý theo dõi để phát hiện sớm nguyên nhân của bệnh.

1. Đau đầu vùng thái dương do bệnh lý động mạch

Một nguyên nhân dẫn đến đau đầu dai dẳng vùng thái dương đó là bệnh viêm động mạch toàn thân khu trú ở động mạch thái dương (bệnh Horton). Đây là chứng bệnh nguy hiểm có thể gây rối loạn thị giác và thậm chí là mù lòa.

Nguyên nhân của bệnh Horton được xác định là do hiện tượng miễn dịch làm viêm lớp chun trong của động mạch, đặc biệt là động mạch thái dương nông và nhánh của động mạch cảnh ngoài.

Các dấu hiệu để nhận biết bệnh Horton gồm có:

  • Đau đầu vùng thái dương: Có thể xuất hiện một hoặc hai bên, cơn đau tự nhiên hoặc sau kích thích rất nhẹ, đau dai dẳng và lan ra cả vùng trán hoặc hốc mắt, đỉnh chẩm cùng bên. Cường độ đau sẽ tăng lên khi lạnh, thỉnh thoảng còn có các cơn đau kịch phát khiến bệnh nhân vật vã và kêu la. Vùng thái dương có thể sưng nề, da đỏ và sờ vào thấy nóng hơn các vùng khác chính là biểu hiện của viêm động mạch thái dương nông;
  • Động mạch mắt và chẩm bị tổn thương: Có thể kèm theo cả tổn thương động mạch mặt gây thiếu máu cục bộ cơ nhai khiến bệnh nhân đau nhiều khi nhai, gọi là triệu chứng khập khiễng của hàm;
  • Triệu chứng ở mắt: Bệnh nhân thường sợ ánh sáng, song thị, lác mắt do liệt cơ vận nhãn, nhìn thấy màn sương hoặc rối loạn thị trường. Biến chứng nặng nhất là mù hẳn và thường diễn biến rất đột ngột, không hồi phục làm mất thị lực trong vài giờ cho đến vài ngày nếu không được điều trị;
  • Triệu chứng toàn thân: Bệnh nhân có thể mệt mỏi, mất ngủ, chán ăn và đôi khi có sốt.

Để điều trị bệnh thì corticoid là biện pháp điều trị duy nhất có hiệu quả và cần được điều trị sớm cũng như theo dõi sát sao việc sử dụng thuốc corticoid. Liều thường dùng là Prednisolone 0,5-1 mg/kg trong 24 giờ sau khi có cơn đau đầu tiên, liều giảm dần và điều trị củng cố trong 12-36 tháng.


Đau đầu vùng thái dương có thể xuất hiện một hoặc hai bên
Đau đầu vùng thái dương có thể xuất hiện một hoặc hai bên

2. Đau đầu vùng thái dương do bệnh lý thần kinh

Căn nguyên liên quan đến thần kinh của triệu chứng đau đầu vùng thái dương rất đa dạng, trong đó biểu hiện phù gai thị là triệu chứng chính của viêm gai thị và tăng áp lực nội sọ, hai bệnh điển hình của chương thần kinh.

U não cũng là một nguyên nhân dẫn tới đau đầu vùng thái dương với biểu hiện phong phú và khó lường. Bệnh nhân có thể có những cơn choáng ngất vô cớ hoặc thay đổi về tâm lý hành vi. Bên cạnh đó thì u nền sọ hoặc tuyến yên lại thường biểu hiện bằng khuyết thị trường và thay đổi nội tiết như rối loạn kinh nguyệt, tiết sữa bất thường.

Đau nửa đầu Migraine cũng là căn nguyên điển hình ở các bệnh nhân nữ lớn tuổi. Cơn đau nửa đầu có dấu hiệu báo trước về thị giác - ám điểm nhấp nháy rồi tiếp tục là nhìn mờ thoáng qua hoặc ngạt mũi, buồn nôn, đau thường kèm nôn hoặc giảm nhẹ sau nôn. Nằm nghỉ sẽ giúp cải thiện triệu chứng đáng kể.

3. Đau đầu vùng thái dương do bệnh lý về mắt


Lão thị gây nhức mắt mỗi khi đọc cũng có thể dẫn tới đau đầu
Lão thị gây nhức mắt mỗi khi đọc cũng có thể dẫn tới đau đầu

Thực tế thì có vô số các nguyên nhân đến từ mắt gây đau đầu vùng thái dương, điển hình là cơn glocom cấp góc đóng. Nguyên nhân nguy hiểm nhất là hẹp động mạch cảnh, hẹp động mạch tiểu não và thông động - tĩnh mạch cảnh xoang hang.

Lão thị gây nhức mắt mỗi khi đọc cũng có thể dẫn tới đau đầu, hay viêm củng mạc sâu gây đau nhức khó chịu mỗi khi liếc hay nằm. Đau điểm ròng rọc hay viêm gân cơ chéo lớn, viêm tổ chức hốc mắt, u hốc mắt gây cảm giác đau sâu và tăng khi cúi đầu. Ngoài ra còn có viêm màng bồ đào, viêm thị thần kinh cũng khiến bệnh nhân đau đầu kèm thái dương co giật.

Bệnh nhân than phiền về tình trạng đau đầu kèm thái dương bị giật rất phổ biến ở các phòng khám hiện nay. Qua phân tích cũng đã cho thấy rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Đây là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm, chính vì thế người bệnh không nên chủ quan mà cần đi khám bác sĩ để biết chính xác nguyên nhân và có biện pháp can thiệp kịp thời. Hiện nay, chuyên khoa Nội thần kinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec luôn đi đầu trong lĩnh vực khám và điều trị các bệnh liên quan đến hệ thần kinh trung ương cũng như hệ thần kinh ngoại vi. Với đội ngũ y - bác sĩ có từ 20 - 40 năm kinh nghiệm...Vinmec đã chẩn đoán và điều trị thành công các bệnh thuộc chuyên ngành thần kinh, bao gồm: Tai biến mạch máu não, sa sút trí tuệ, đau đầu, chóng mặt, bệnh lý thần kinh - cơ,... cho rất nhiều trường hợp bệnh nhân. Đặc biệt, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec còn có dịch vụ khám chữa bệnh toàn diện, đa dạng và đạt tiêu chuẩn cao, cũng như hệ thống trang thiết bị hiện đại, vô trùng tuyệt đối - là địa chỉ điều trị khám đau đầu được nhiều bệnh nhân chọn lựa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe