Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng - Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng - Bác sĩ tim mạch can thiệp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Tuy cholesterol là thành phần không thể thiếu nhưng khi hàm lượng này cao có thể gây hại cho cơ thể. Do đó, đo mức độ cholesterol sẽ cho biết nồng độ này cao hay thấp trong máu để có hướng xử trí phù hợp.
1. Cholesterol là gì?
Cholesterol là một thành phần của mỡ trong máu, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong hầu hết các hoạt động của cơ thể, giúp tế bào giữ đúng công việc của chúng. Cholesterol là một yếu tố không thể thiếu trong quá trình hoạt động của tế bào thần kinh, là thành phần trong việc sản xuất một số loại hormone, giúp cơ thể hoạt động bình thường và khỏe mạnh.
Chúng ta thường liên hệ Cholesterol với những thực phẩm nhiều dầu mỡ, nhưng phần lớn hợp chất này được tạo ra bởi cơ thể. Gan sản xuất 75% lượng cholesterol lưu thông trong máu chúng ta, 25% còn lại đến từ thức ăn.
Nếu nó ở nồng độ bình thường thì giúp cơ thể hoạt động tốt hơn, nhưng nếu có tình trạng tăng cholesterol sẽ gây ra nhiều bệnh lý liên quan tới hệ tim mạch.
Lượng lipid trong máu có liên quan tới nguy cơ mắc bệnh lý về tim mạch, cho nên người ta cần kiểm soát nó. Dưới đây là một số dạng cholesterol có thể gây ảnh hưởng tới cơ thể:
- Cholesterol xấu hay LDL-Cho: Hầu hết cholesterol trong máu được mang theo bởi các protein được gọi là lipoprotein mật độ thấp hoặc gọi là LDL. Đây được gọi là cholesterol xấu vì nó kết hợp với các chất khác làm tăng nguy cơ tắc nghẽn động mạch. Một chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa và chuyển hóa có xu hướng làm tăng nồng độ cholesterol LDL. Đối với mọi người thì mức độ LDL-cho dưới 100 mg/dl (2,6 mmol/l) được coi là tối ưu và khi ≥ 190 mg/dL (4,9 mmol/L) ở mức nguy hiểm và cần dùng thuốc.
- Cholesterol "Tốt" hay HDL-Cho: 1/3 lượng cholesterol trong máu được kết hợp với các lipoprotein mật độ phân tử cao hoặc gọi là HDL. Đây được gọi là cholesterol tốt vì nó giúp loại bỏ cholesterol xấu ra khỏi lòng mạch đưa chúng về gan và ngăn chặn sự tích tụ bên trong các động mạch. Nồng độ cholesterol HDL cao thì càng tốt hơn. Những người có quá ít HDL-cho có khả năng mắc bệnh tim mạch cao. Ăn chất béo lành mạnh và tập thể dục cũng giúp tăng lượng HDL.
- Cholesterol toàn phần: Cholesterol toàn phần đo sự kết hợp của LDL, HDL và VLDL (mật độ lipoprotein rất thấp) trong máu của bạn. VLDL là tiền chất của LDL, cholesterol xấu. Cholesterol toàn phần nếu nhỏ hơn 200 mg/dL (5,1 mmol/L) được coi là nồng độ lý tưởng, nếu chúng lớn hơn hoặc bằng 240 mg/dL (6,2 mmol/L) thì kết luận là tăng cholesterol trong máu và nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch gấp 2 người thường.
- Triglyceride: Đây là một thành phần khác của lipid máu ngoài cholesterol. Nó cũng góp phần là tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Cơ thể chuyển đổi lượng calo, đường dư thừa thành triglyceride và được lưu trữ trong các tế bào mỡ trên khắp cơ thể. Những người thừa cân, không hoạt động, hút thuốc hoặc nghiện rượu nặng có xu hướng chất béo trung tính cao. Điểm triglyceride từ 150mg/dl trở lên khiến bạn có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa, có liên quan đến bệnh tim mạch và tiểu đường.
Như vậy mức độ cholesterol trong máu giúp nhận định được nguy cơ gây bệnh của chúng. Kiểm soát mỡ máu tốt là điều rất quan trọng để hạn chế nguy cơ bệnh tim mạch, huyết áp.
2. Triệu chứng tăng cholesterol
Nồng độ cholesterol cao không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Nhưng nó gây ra nguy cơ bệnh tiềm ẩn trong cơ thể. Trải qua một thời gian tăng cholesterol sẽ dẫn đến sự tích tụ của mảng bám trong động mạch (thường được gọi là chứng xơ vữa động mạch). Tình trạng này gây hẹp, làm hạn chế lưu lượng máu trong lòng mạch và có thể là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch. Tuy không phát hiện thông qua các triệu chứng thông thường, nhưng nồng độ cholesterol cao được phát hiện 1 cách đơn giản qua xét nghiệm máu.
Kiểm tra nồng độ cholesterol trong máu nên thực hiện ở những người trên 20 tuổi với chu kỳ 4-6 năm một lần. Đây chỉ đơn giản là xét nghiệm máu, thường được gọi là kiểm tra mỡ lúc đói. Khi tiến hành xét nghiệm sẽ đo các dạng cholesterol khác nhau đang lưu thông trong máu sau khi bạn không dùng bữa trong vòng từ 9 đến 12 tiếng. Kết quả cho bạn thấy nồng độ cholesterol toàn phần, cholesterol "xấu", cholesterol "tốt" và chất béo trung tính(triglyceride) trong máu.
Từ việc xét nghiệm máu khi đói giúp phát hiện và có những chỉ định điều trị phù hợp với từng trường hợp cholesterol cao hay thấp.
3. Cách làm giảm hàm lượng cholesterol
3.1. Thay đổi thói quen ăn uống và lối sống
- Ăn nhiều chất xơ
Thay đổi chế độ ăn uống một cách mạnh mẽ để chống lại cholesterol cao. Nếu bạn đã từng tự hỏi tại sao một số loại ngũ cốc tốt cho tim thì đó là vì hàm lượng chất xơ. Chất xơ hòa tan có trong nhiều loại thực phẩm giúp giảm LDL-cholesterol.
Các nguồn chất xơ hòa tan tốt bao gồm bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt, bột yến mạch, trái cây, trái cây khô, rau và các loại đậu.
- Hiểu rõ về nhu cầu chất béo hàng ngày
Không quá 35% lượng calo hàng ngày của bạn đến từ chất béo. Chất béo bão hòa (từ các sản phẩm động vật) làm tăng cholesterol LDL tốt. Chất béo chuyển hóa tăng cholesterol xấu.
2 chất béo xấu này được tìm thấy trong nhiều món nướng hay thực phẩm chiên, bơ thực vật và bánh quy. Chất béo không bão hòa có thể làm giảm LDL khi kết hợp với sự thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh khác. Chúng được tìm thấy trong dầu ô liu và đậu phộng...
- Chất đạm tốt nhất
Bạn có thể giảm cholesterol LDL bằng cách chuyển sang protein đậu nành (chẳng hạn như đậu phụ) trong một số bữa ăn.
Một số loại cá cũng là lựa chọn tốt, ví dụ như cá hồi rất giàu axit béo omega-3, có thể cải thiện mức cholesterol. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo nên ăn cá ít nhất 2 lần/tuần.
- Chế độ ăn Low-carb (ít tinh bột)
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy ăn kiêng low-carb có thể tốt hơn chế độ ăn ít chất béo để cải thiện nồng độ cholesterol.
Trong một nghiên cứu kéo dài 2 năm do Viện Y tế Quốc gia tài trợ của Mỹ, những người theo kế hoạch low-carb có nồng độ HDL (cholesterol tốt) cao hơn đáng kể so với những người theo kế hoạch ít béo.
- Bỏ hút thuốc lá
Từ bỏ thuốc lá khiến lượng cholesterol tốt của bạn có khả năng cải thiện tới 10%. Bạn có thể thành công hơn nếu kết hợp một số biện pháp cai thuốc lá. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có những lựa chọn tốt nhất.
- Tập thể dục
Nếu bạn là người khoẻ mạnh nhưng không phải tuýp người năng động, hãy bắt đầu với chương trình tập thể dục nhịp điệu để cải thiện cholesterol tốt. Các bài tập thể dục cơ bản cũng làm giảm cholesterol xấu.
Hãy chọn 1 hoạt động giúp bạn cải thiện nhịp tim như chạy bộ, bơi lội hoặc đi bộ nhanh. Cần vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày.
3.2. Điều trị tăng cholesterol máu
- Sử dụng thuốc điều trị tăng cholesterol máu
Nếu gia đình bạn có tiền sử cholesterol cao nhưng chế độ ăn và tập thể dục không giúp cải thiện tình trạng bệnh thì việc sử dụng thuốc có thể được chỉ định.
Statins luôn là lựa chọn đầu tiên. Nó có thể chặn việc sản xuất cholesterol của gan. Những lựa chọn khác gồm các chất ức chế hấp thu cholesterol và axit mật. Bác sĩ sẽ khuyến cáo bạn về việc điều trị kết hợp các loại thuốc này cùng nhau
- Các thực phẩm bổ sung (thực phẩm chức năng)
Một số chất bổ sung có thể giúp cải thiện được nồng độ cholesterol. Chúng bao gồm sterol thực vật, lúa mạch, yến mạch, chất xơ và trà xanh.
- Các loại thảo dược
Một số nghiên cứu cho thấy tỏi có thể loại bỏ vài phần trăm tổng lượng cholesterol (cholesterol toàn phần). Nhưng thuốc tỏi có thể có tác dụng phụ và tương tác với thuốc khác. Các loại thảo mộc khác có thể làm giảm cholesterol bao gồm chiết xuất lá atiso, cỏ ba lá, húng chanh, lá sen...
Chính vì hàm lượng cholesterol trong máu có liên quan tới các biến cố tim mạch, đột quỵ, tăng nguy cơ mắc bệnh alzheimer... Cho nên mức độ cholesterol cao hay thấp rất được quan tâm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com