Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Văn Quảng - Bác sĩ Tai Mũi Họng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. BSCKI. Lê Văn Quảng là chuyên gia về lĩnh vực Tai Mũi Họng với 15 năm kinh nghiệm.
Bệnh nhân viêm sụn vành tai và tụ máu vành tai có thể được chỉ định thực hiện nhiều phương pháp điều trị khác nhau, trong đó có chọc hút dịch vành tai. Kỹ thuật này giúp dẫn lưu dịch, tạo áp lực âm để làm giảm lượng dịch tích tụ trong vành tai, hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.
1. Các bệnh lý cần điều trị chọc hút dịch vành tai
Bệnh nhân viêm tụ dịch, tụ máu ở vành tai không có nhiễm trùng sẽ được chỉ định chọc hút dịch vành tai. Kỹ thuật này chống chỉ định với áp xe sụn vành tai. Đặc điểm của 2 bệnh lý được chỉ định chọc hút dịch như sau:
1.1 Viêm sụn vành tai
Là tình trạng viêm nhiễm trùng thứ phát sau chấn thương va đập hoặc tụ máu vành tai. Nguyên nhân gây viêm sụn vành tai có thể do chấn thương gây tổn thương lớp màng sụn ở vành tai, làm cản trở lưu lượng máu tới nuôi dưỡng sụn vành tai, dẫn tới xuất tiết dịch.
Ban đầu có thể là dịch vô khuẩn, tiếp theo đó là dịch nhiễm trùng thứ phát do bội nhiễm. Dịch thường khu trú ở giữa lớp sụn và lớp màng sụn, làm cản trở nuôi dưỡng sụn vành tai. Nếu không điều trị, chọc hút dịch kịp thời thì có thể dẫn tới viêm hoại tử vành tai.
1.2 Tụ máu vành tai
Là tình trạng tích tụ máu ở vùng vành tai, chủ yếu xuất hiện sau chấn thương va đập. Cơ chế chấn thương là gây đứt mạch máu màng sụn, làm máu chảy ra, tụ lại giữa lớp sụn và lớp màng sụn, làm tách lớp màng sụn ra khỏi sụn. Nếu không điều trị sớm tình trạng này thì khối máu tụ sẽ chèn ép làm viêm hoại tử sụn vành tai và dẫn tới biến chứng vành tai hình bông cải (tai súp lơ). Tình trạng này vừa gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ vừa có thể dẫn tới ù tai, nghe kém, đau đầu,...
2. Quy trình chọc hút dịch vành tai điều trị viêm sụn và tụ máu vành tai
2.1 Chuẩn bị
- Nhân sự thực hiện: Bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng;
- Phương tiện: Kẹp phẫu tích, dao nhọn, kéo nhỏ, kìm mang kim, sonde hút, bơm tiêm các cỡ, gạc, bông băng, khay quả đậu, khăn vuông,...;
- Thuốc: Thuốc tê và cồn iod 1%;
- Bệnh nhân: Được chỉ định thực hiện các xét nghiệm cơ bản như: Chức năng đông máu, HIV,... Bệnh nhân cũng được bác sĩ hướng dẫn vệ sinh cá nhân (tắm rửa, gội đầu,...), được giải thích về quy trình điều trị.
2.2 Tiến hành thủ thuật
- Sát khuẩn tại chỗ vùng vành tai;
- Tiêm tê tại chỗ;
- Dùng dao nhọn chích 1 vết nhỏ kích thước khoảng 2 - 3mm đủ để thoát dịch, luồn dây dẫn lưu vào dưới da vành tai, rạch vùng thấp nhất của khối sưng (tụ máu);
- Đặt dẫn lưu vào, đầu dây dẫn nằm ở vùng thấp nhất của khối tụ dịch;
- Khâu kín chân ống dẫn lưu, dùng bơm có kích cỡ tùy theo lượng dịch để hút liên tục;
- Sát khuẩn, đặt gạc băng kín và thực hiện thay băng hằng ngày.
2.3 Theo dõi và xử trí tai biến
- Theo dõi tình trạng tụt dẫn lưu, dẫn lưu không kín hoặc bị choáng váng do đau;
- Dẫn lưu không kín: Cần khâu lại chân ống dẫn lưu;
- Dị ứng thuốc: Xử trí đúng theo phác đồ dị ứng;
- Đau: Cần cho bệnh nhân nằm nghỉ ngơi, theo dõi và xử trí theo tình huống cụ thể;
- Viêm tấy sụn vành tai: Điều trị như các trường hợp viêm sụn vành tai thông thường (dùng thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm, giảm đau, vệ sinh sạch sẽ, chọc hút và băng ép,...).
Viêm sụn vành tai và tụ máu vành tai là 2 bệnh lý phổ biến. Việc điều trị sớm sẽ đem lại hiệu quả tốt, ít tốn kém, tránh được nguy cơ viêm hoại tử, biến dạng vành tai gây ảnh hưởng tới chức năng tai, mất thẩm mỹ, điều trị phục hồi khó khăn và tốn kém. Do đó, ngay khi có dấu hiệu sưng đau, tụ dịch ở vành tai, bệnh nhân nên đi khám sớm tại các cơ sở chuyên khoa tai mũi họng để được điều trị sớm, hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.