Chỉ số xét nghiệm FSH: Khi nào tăng, khi nào giảm?

FSH là một trong những hormone quan trọng đối với cơ thể đặc biệt là trong vấn đề sinh sản. Cùng với LH, FSH sẽ giúp điều hòa các chức năng sinh sản ở cả hai giới. Nồng độ của FSH trong máu có thể thay đổi tăng hoặc giảm và khi đó sẽ ảnh hưởng đến các vấn đề của hệ sinh dục như xuất tinh, kinh nguyệt và thậm chí nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh con.

1. Hormon hướng sinh dục FSH

Hormone FSH là một trong những yếu tố nội tiết quan trọng ở nữ giới có tác dụng kích thích noãn bào phát triển, đồng thời liên quan trực tiếp đến sự sản xuất của hormone progesterone. FSH cùng với LH (nội tiết tố tạo hoàng thể) giúp điều hòa, kích thích sự phát triển của các tuyến sinh dục (buồng trứng và tinh hoàn) một cách đồng bộ. FSH có trong cơ thể của cả nam giới và nữ giới.

Chỉ số FSH ở nữ giới: Trong cơ thể nữ giới, nồng độ FSH thay đổi khác nhau ở mỗi giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt.

  • Giai đoạn tạo nang trứng: 1,68 - 15 IU/L.
  • Giai đoạn giữa chu kỳ kinh nguyệt: 21,9 - 56,6 IU/L.
  • Giai đoạn tạo hoàng thể: 0,61 - 16,3 IU/L.
  • Giai đoạn mãn kinh: 14,2 - 15,3 IU/L.

Chỉ số FSH ở nam giới: 1,24 - 7,8 IU/L.

Trước tuổi dậy thì, chỉ số FSH trong cơ thể trung bình vào khoảng từ 1,0 - 4,2 IU/L.

Vai trò của FSH:

Ở nữ giới:

  • Khi có kích thích, vùng dưới đồi sẽ tiết ra hormone GnRH, hormone này kích thích vùng tuyến yên tiết FSH và LH. FSH sẽ kích thích sự phát triển của noãn bào đồng thời tăng tiết estrogen phối hợp với LH (làm trứng chín rồi rụng, tạo thể vàng tiết ra progesterone và estrogen làm niêm mạc tử cung dày lên, điều này là một phần trong chu kỳ kinh nguyệt. Ở những người có nồng độ FSH quá thấp sẽ không thể kích thích gây ra tình trạng rụng trứng nên dẫn đến vô sinh.

Ở nam giới:

  • Cũng tương tự như ở nữ giới, khi có tác động của các kích thích, vùng dưới tiết hormone GnRH kích thích vùng tuyến yên tiết FSH và LH. Sau đó, FSH sẽ kích thích sự phát dục của ống sinh tinh, đồng thời thúc đẩy quá trình sản sinh tinh trùng. Đồng kết hợp với LH, một hormone kích thích tế bào kẽ tăng sản xuất testosterone để kích thích sản sinh tinh trùng.
  • Thúc đẩy quá trình sản xuất các protein gắn với androgen.

Ở những người có nồng độ FSH quá thấp sẽ không thể kích thích gây ra tình trạng rụng trứng nên dẫn đến vô sinh
Ở những người có nồng độ FSH quá thấp sẽ không thể kích thích gây ra tình trạng rụng trứng nên dẫn đến vô sinh

2. Các trường hợp thay đổi chỉ số FSH

Trong cơ thể, nồng độ FSH rất quan trọng. Việc định lượng hormone FSH có thể giúp bác sĩ đánh giá được chức năng của trục dưới đồi - tuyến sinh dục ở cả hai giới. Kết hợp định lượng FSH và LH sẽ có giá trị chẩn đoán một số tình trạng bệnh lý như:

Các rối loạn xảy ra ở vùng dưới đồi, tuyến yên hay tại tuyến sinh dục.

  • Đánh giá sự suy giảm chức năng của tuyến sinh dục, báo trước nguy cơ vô sinh, rối loạn kinh nguyệt hay khả năng dậy thì sớm cũng như dấu hiệu của sự mãn kinh.
  • Có thể giúp phát hiện một số bệnh bẩm sinh mà trong đó có sự bất thường về nhiễm sắc thể, hội chứng buồng trứng đa nang...

Định lượng FSH nên làm vào ngày thứ 2 hoặc ngày thứ 3 của chu kỳ kinh nguyệt do ở khoảng thời gian này, nồng độ của estrogen và progesterone xuống thấp nhất và lúc này, nồng độ của FSH được coi là mức chỉ số cơ bản để đánh giá với các trường hợp tăng giảm lượng hormone. Chỉ số FSH biến động có thể là tăng cao hoặc giảm đi tùy theo từng trường hợp bệnh lý khác nhau.

2.1. Nồng độ FSH tăng cao

Chỉ số FSH tăng cao khi:

Mắc các bệnh lý về hệ sinh dục:

  • Vô kinh nguyên phát.
  • Suy tuyến sinh dục.
  • Suy chức năng sinh dục.
  • Phụ nữ giai đoạn sau mãn kinh hoặc đang trong giai đoạn giữa chu kỳ kinh nguyệt.
  • Do bất thường của cấu trúc hệ sinh dục, nam giới không có một hoặc không có cả 2 tinh hoàn.
  • Sau phẫu thuật cắt tử cung hay cắt bỏ tinh hoàn.
  • Suy giảm chức năng buồng trứng hoặc tinh hoàn.
  • Bị hội chứng buồng trứng đa nang.

Bị buồng trứng đa nang có thể khiến chỉ số FSH tăng cao
Bị buồng trứng đa nang có thể khiến chỉ số FSH tăng cao

Do các bệnh lý ở tuyến yên: FSH được sản xuất ra ở thùy trước của tuyến yên nên mọi nguyên nhân bệnh lý có ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của tuyến yên đều có thể làm thay đổi nồng độ của FSH trong cơ thể.

  • Bị cường tuyến yên: biểu hiện đặc trưng của bệnh lý này là hội chứng lâm sàng do tăng đơn độc một loại hormone nào đó của tuyến yên, hoặc cùng lúc tăng nồng độ của hai hay nhiều hormone khác nhau trong tuyến yên. Và tăng FSH cũng có thể là một trong những triệu chứng dễ gặp phải trong bệnh lý cường tuyến yên.
  • Có khối u tuyến yên.

Dậy thì sớm khi hệ thống nội tiết chưa phát triển hoàn chỉnh cũng sẽ có nguy cơ gây rối loạn nồng độ các hormone dẫn đến tăng FSH.

Ngoài ra, tăng FSH còn có thể gặp trong các bệnh lý như hội chứng Turner, khối u vùng dưới đồi, hội chứng to đầu chi...

2.2.Nồng độ FSH giảm

Chỉ số FSH giảm khi:

Gặp các vấn đề liên quan đến sinh dục:

  • Dậy thì muộn.
  • Vô kinh thứ phát, vô tinh trùng ở nam giới.
  • Bị giảm nồng độ các hormone hướng sinh dục.
  • Ung thư buồng trứng hay ung thư tinh hoàn

Do các bệnh lý của các tuyến nội tiết và vùng dưới đồi:

  • Tăng sản tuyến thượng thận.
  • Bị rối loạn chức năng vùng dưới đồi.
  • Giảm FSH sau phẫu thuật cắt tuyến yên.
  • Ung thư tuyến thượng thận.
  • Suy tuyến yên: ngược với trường hợp cường tuyến yên, suy tuyến yên là hiện tượng suy giảm chức năng hoạt động sản xuất và tổng hợp các hormone. Điều này có thể dẫn tới sự suy giảm nồng độ FSH do FSH được sản xuất ra ở tuyến yên.
  • Do dùng thuốc như thuốc tránh thai, estrogen, progesterone...
  • Do các căng thẳng, stress.
  • Chế độ ăn uống và dinh dưỡng không hợp lý.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe