Triglyceride là 1 chỉ số đánh giá sức khỏe tim mạch. Triglyceride trong máu tăng cao sẽ làm cứng động mạch, dày thành động mạch dẫn đến nguy cơ đột quỵ, các bệnh lý về tim và có thể gây ra tình trạng viêm tụy cấp.
1. Chỉ số Triglyceride là gì?
Triglyceride là một dạng chất béo chiếm 95% lượng chất béo mà chúng ta tiêu thụ hàng ngày qua chế độ ăn uống, bao gồm cả dầu thực vật và động vật. Sau khi tiêu hóa Triglyceride sẽ được tiêu thụ dưới dạng năng lượng tế bào và thường được xét nghiệm tìm thấy ở trong máu.
Triglyceride chứa 3 axit béo. Sau khi Triglyceride được đưa vào cơ thể thông qua việc ăn uống sẽ được đưa đến ruột non và phân tách - kết hợp với cholesterol để tạo thành năng lượng. Năng lượng này sẽ được tích trữ ở các tế bào gan và mỡ. Nếu cơ thể tích tụ triglyceride quá cao sẽ khiến chỉ số mỡ máu triglyceride tăng cao và gây hại cho cơ thể. Triglyceride bám vào các thành mạch tạo thành các mảng mỡ bám trên động mạch làm cản trở quá trình lưu thông máu.
Chỉ số Triglyceride cao ở mức 200 - 499 mg/dL (2 - 6 mmol/L) và triglyceride rất cao: trên 500 mg/dL (trên 6 mmol/L). Các chỉ số này cảnh báo nguy cơ xơ vữa động mạch, mỡ máu, nhồi máu cơ tim, gan nhiễm mỡ và đột quỵ...
2. Nguyên nhân dẫn đến Triglyceride cao
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến triglyceride cao, một trong số những nguyên nhân chủ yếu bao gồm:
- Thừa cân, béo phì;
- Lười vận động;
- Lamj dụng các đồ uống có cồn, chất kích thích: rượu bia, thuốc lá, nước ngọt,...
- Tiêu thụ nhiều chất béo từ động vật. tinh bột chế biến sẵn;
- Yếu tố di truyền;
- Mắc các bệnh lý như suy giáp, tiểu đường, tim mạch, tăng huyết áp,...;
- Sử dụng một số loại thuốc như estrogen, protease và corticosteroid.
3. Chỉ số triglyceride cao có nguy hiểm không?
Hàm lượng Triglyceride trong máu cao sẽ ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển máu và gây nhiều tác động xấu đến sức khỏe. Một số biến chứng khi chỉ số triglyceride tăng cao bao gồm:
- Viêm tụy: Chỉ số triglyceride tăng cao có thể gây sưng tụy gây sốt, đau bụng dữ dội, nôn mửa. Nếu dịch tiêu hóa bị rò rỉ ra ngoài tuyến tụy có thể đe dọa tính mạng.
- Tiểu đường tuýp 2: Triglyceride cao là một phần của tình trạng gọi là hội chứng chuyển hóa, bao gồm huyết áp cao, tăng mỡ bụng, HDL thấp và lượng đường trong máu cao. Khi chỉ số triglyceride cao kết hợp với bất kỳ hai trong số các điều kiện khác, làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2 cao gấp 5 lần.
- Bệnh tim: Triglyceride cao và hội chứng chuyển hóa làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tim. Lượng chất béo tích tụ trong máu gây cản trở vận chuyển oxy đến cơ tim, đặc biệt là những người trẻ tuổi có triglyceride rất cao có nguy cơ mắc bệnh tim cao gấp 4 lần so với người có triglyceride tăng nhẹ.
- Đột quỵ: Việc giảm đột ngột cung cấp máu đến các tế bào não làm tổn thương não dẫn đến đột quỵ mà chỉ số triglyceride tăng cao có thể hạn chế lưu lượng máu trong các mạch cung cấp cho não.
- Gan nhiễm mỡ không do rượu có đến khoảng hơn 10% trọng lượng gan được thay thế bằng chất béo. Tình trạng này có thể dẫn đến sẹo trong gan, ung thư gan, suy gan và đe dọa đến tính mạng.
- Ảnh hưởng đến chân: Chất béo trong máu quá cao tạo ra các mảng bám hình thành trong các động mạch chảy đến chân, có thể dẫn đến bệnh động mạch ngoại biên (PAD), gây đau và tê ở chân, nhất là khi đi bộ, và làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng ở chân hoặc bàn chân.
- Mất trí nhớ: Tuổi tác và chỉ số triglyceride cao là những yếu tố nguy cơ lớn gây ra chứng mất trí nhớ. Đã có báo cáo về triglyceride cao có thể làm hỏng các mạch máu bên trong não và tích tụ một loại protein độc hại gọi là amyloid.
4. Làm thế nào để giảm triglyceride máu?
Khi nồng độ triglyceride trong máu cao, bạn cần thực hiện những điều sau để có thể làm giảm nồng độ triglyceride về giới hạn bình thường.
- Giảm tiêu thụ đường: Những người có mức tiêu thụ đường hằng ngày không vượt quá 10% lượng calo hằng ngày sẽ có nồng độ triglyceride trong máu thấp nhất. Mức tiêu thụ đường hằng ngày tốt nhất là 5% đồng nghĩa với việc không tiêu thụ vượt quá 150g đường/ ngày đối với nam giới và 100g/ ngày với phụ nữ.
- Tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt; Các thực phẩm giàu axit béo omega-3 có trong các loại cá béo như: cá trích, cá hồi và cá mòi để làm giảm nồng độ triglyceride máu. Nên ăn ít nhất từ 2 bữa cá/tuần và kết hợp bổ sung omega-3.
- Tập thể dục đều đặn: Mỗi ngày bạn hãy dành ra 30 phút để hoạt động thể chất. Thói quen tốt này có thể làm giảm triglyceride và tăng cholesterol tốt. Bạn có thể kết hợp hoạt động thể chất với việc leo cầu thang hoặc đi bộ.
- Tránh đường và carbohydrate tinh chế (bột mì trắng) có thể làm tăng triglyceride.
- Giảm cân: Nếu chỉ số triglyceride máu của bạn ở mức độ nhẹ đến trung bình, bạn hãy tập trung vào việc cắt giảm lượng calo tiêu thụ hằng ngày. Lượng calo bổ sung hàng ngày được chuyển đổi thành triglyceride và được lưu trữ dưới dạng chất béo, tương đương với việc giảm lượng calo sẽ làm giảm chỉ số triglyceride trong máu.
- Hạn chế tiêu thụ rượu: Rượu chứa nhiều calo và đường có thể làm tăng chất béo trung tính.
- Hạn chế ăn uống sau 8 giờ tối vì sau thời điểm này thức ăn đưa vào cơ thể rất khó hấp thu và đọng lại tại thành mạch.
- Không nên thức khuya sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, dễ tăng cân và có mức chỉ số triglyceride tăng cao. Thói quen thức khuya còn khiến tuyến thượng thận hoạt động không hiệu quả, làm tăng triglyceride kèm theo tích tụ chất béo ở thành bụng và cơ mông.
- Sử dụng thuốc điều trị tăng mỡ máu: Nhóm statin, Nhóm fibrat, Thuốc niacin, Nhóm renin, Nhóm acid béo không bão hòa - omega-3. Ngoài ra, còn có nhóm ức chế sự hấp thu cholesterol và điều trị thay thế bằng hormone. Tuy nhiên, những loại thuốc này cần có sự chỉ định từ chuyên viên y tế.
Nếu bạn cố gắng kiên trì thực hiện tốt các thói quen lành mạnh hàng ngày, bạn đã có thể kiểm soát nồng độ triglyceride ở mức độ an toàn mà không lo ảnh hưởng đến sức khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.