Chỉ số hematocrit hay còn gọi tắt là hct là thước đo tỉ lệ hồng cầu so với thể tích máu. Người có 40ml hồng cầu trong 100ml máu thì mức hct của họ sẽ là 40%. Có nhiều nguyên nhân khiến nồng độ hematocrit tăng, bao gồm thói quen sinh hoạt ăn uống và yếu tố môi trường. Khi bệnh nhân có hàm lượng HCT cao quá mức cho phép sẽ dẫn đến nhiều biến chứng có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
1. Tìm hiểu về chỉ số Hematocrit trong máu
Về cơ bản, Hematocrit (HCT) là phương pháp đo tỷ lệ phần trăm hồng cầu có trong máu. Các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy và hemoglobin đi khắp cơ thể, cũng là nguyên nhân chính tạo cho máu màu đỏ tươi. Vì vậy, cần phải có lượng Hematocrit vừa đủ trong cơ thể để giữ cho hoạt động trong cơ thể diễn ra một cách bình thường.
“Lượng HCT tăng là gì?”. Thực tế, khi tỉ lệ hồng cầu trong máu quá cao so với tiêu chuẩn sẽ dẫn đến những tình trạng bệnh lý cho người mắc, và tỉ lệ hồng cầu này có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố lối sống và môi trường. Theo nghiên cứu, những người sống ở các vùng núi có độ cao lớn sẽ có xu hướng lượng hồng cầu cao hơn bình thường.
2. HCT tăng trong trường hợp nào?
Một nghiên cứu khác vào năm 2018 cho rằng, việc tập thể dục đặc biệt là luyện tập sức đền có thể khiến hàm lượng HCT trong máu tăng. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ áp dụng trên một nhóm nhỏ, nên chưa thể đưa ra công bố chính thức.
Dựa vào một số thông tin y tế, mức hematocrit bình thường ở nam là 41-50%, ở nữ là 36-48% và ở trẻ em là 30-44%, tùy theo độ tuổi và giới tính. Khi xét nghiệm nồng độ HCT, lưu ý nếu bệnh nhân được truyền máu trong thời gian gần trước khi xét nghiệm có thể ảnh hưởng đến kết quả. Ngoài ra, lượng HCT trong thời kỳ mang thai sẽ giảm vì cơ thể tăng lượng máu, làm loãng đi hematocrit.
3. Nguyên nhân và triệu chứng khi HCT trong máu tăng
Một số triệu chứng phổ biến thường thấy ở người có mức HCT trong máu tăng cao bao gồm:
- Da ửng đỏ;
- Chóng mặt;
- Các vấn đề về thị lực;
- Đau đầu.
Ngoài ra, một số triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể bắt nguồn từ bệnh lý khác như:
- Lá lách to: Khi kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có lá lách to, thường báo hiệu bệnh đa hồng cầu, một bệnh lý mà cơ thể sản xuất quá nhiều tế bào hồng cầu, dẫn đến máu đặc hơn và khó lưu thông. Hiện nay, chưa có phương pháp nào có thể chữa tận gốc bệnh đa hồng cầu, việc điều trị thường tập trung vào quản lý triệu chứng nhằm tránh được tình trạng đột quỵ và huyết khối tĩnh mạch sâu. Một số trường hợp bệnh nhân uống không đủ nước, nồng độ huyết tương trong máu sẽ giảm xuống, và làm tăng tỉ lệ tế bào hồng cầu trong thế tích máu. Tình trạng này có thể điều trị bằng cách cung cấp thêm nước vào cơ thể.
- Bệnh phổi: Bệnh nhân có vấn đề phổi sẽ không hấp thụ oxy hiệu quả, cơ thể sẽ bù đắp lượng oxy thiếu hụt bằng cách tạo ra nhiều hồng cầu hơn, thường từ bệnh thuyên tắc phổi.
- Bệnh tim: Nếu tim không đủ khả năng bơm máu đi khắp cơ thể, các cơ quan quan trọng sẽ thiếu hụt oxy. Khi đó, cơ thể sẽ sản xuất nhiều tế bào hồng cầu hơn để khắc phục tình trạng này.
- Ung thư thận: Các tế bào ung thư thận có khả năng tạo ra nhiều erthropoietin hơn, kích thích tủy xương sản sinh ra nhiều tế bào hồng cầu.
- Bệnh di truyền: Khi trong huyết thống có gen JAK2 bị đột biến, cơ thể sẽ tạo ra một chất protein, kích thích tủy xương tạo thêm nhiều tế bào hồng cầu hơn vào máu.
Bệnh nhân có những dấu hiệu HCT trong máu tăng cao nên đến cơ sở y tế để được xét nghiệm và điều trị kịp thời. Đồng thời tạo thói quen sinh hoạt ăn uống điều độ để giữ hàm lượng HCT ổn định, bảo đảm sức khỏe tốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.