Chỉ số BMI là chỉ số phổ biến nhất trên thế giới dùng để xác định một người gầy hay béo. Tuy nhiên, cách đánh giá chỉ số BMI của người già lại khác biệt so với người trẻ. Hãy cùng tìm hiểu về chỉ số BMI người cao tuổi và những cách điều chỉnh chỉ số này về mức hợp lý, an toàn với sức khỏe.
1. Chỉ số BMI là gì?
BMI (viết tắt của “Body Mass Index”) là chỉ số khối cơ thể, chỉ số thể trọng giúp đánh giá cơ thể của một người là gầy hay béo thông qua một chỉ số. Theo khuyến nghị thì tất cả người ở độ tuổi trưởng thành nên duy trì chỉ số BMI từ 18-25. Nếu BMI>25 này có khả năng cao là thừa cân, và trên 30 báo hiệu tình trạng béo phì. Tuy nhiên chỉ số BMI còn có mức đánh giá chênh lệch tùy theo thể trạng và độ tuổi của mỗi người.
2. Chỉ số BMI người cao tuổi và những vấn đề về sức khỏe
Thông thường, công thức BMI được tính bằng cách chia cân nặng (kg) cho chiều cao (m2). Đã có nhiều nghiên cứu được đặt ra để xác định mối tương quan của chỉ số BMI với tình trạng sức khỏe của người cao tuổi. Ví dụ có nhiều yếu tố tác động khiến chỉ số BMI người cao tuổi cao hơn thông thường như bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý mạch máu...và ngược lại cũng có những tình trạng khiến chỉ số BMI của người già thấp hơn mức bình thường.
Nhìn chung, chỉ số BMI ở người già có thể góp phần nhận diện một số vấn đề sau:
2.1. Nguy cơ thiếu cân
Nhiều người cho rằng với người lớn trên 65 tuổi thì tình trạng thừa cân sẽ nguy hiểm hơn, nhưng thực tế nghiên cứu đã chỉ ra rằng chính thiếu cân mới làm tăng nguy cơ tử vong cao hơn ở người già.
Tình trạng thiếu cân sẽ khiến cơ thể không đủ chất dinh dưỡng, quá trình trao đổi chất bị ảnh hưởng, sức đề kháng kém gây ảnh hưởng đến sức khỏe và giảm khả năng phục hồi nếu mắc bệnh. Những người cao tuổi sụt cân sau đột quỵ cũng có khả năng biến chứng nặng hơn so với các bệnh nhân khác.
Do vậy để cân nặng của người già duy trì ở mức hợp lý, nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và vận động thể lực nhẹ nhàng hàng ngày để tăng cường khả năng phòng bệnh của cơ thể.
2.2. Những thách thức và rủi ro về sức khỏe
Ngược lại ở một số người cao tuổi bị thừa cân, một số bệnh mãn tính như bệnh tim, tiểu đường, huyết áp cao, bệnh xương khớp, bệnh gút và rối loạn hô hấp như chứng ngưng thở khi ngủ...lại có xu hướng diễn tiến trầm trọng hơn gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Ví dụ:
- Người béo phì tăng nguy cơ thoái hóa khớp, tỉ lệ loãng xương cao gây đau nhức cơ thể.
- Tình trạng rối loạn lipid máu, mỡ máu hoặc cholesterol cao tạo điều kiện gây xơ hóa lòng mạch máu, tăng huyết áp, nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
- Béo phì dễ khiến quai ruột bị một lượng mỡ dư thừa bám vào gây táo bón hoặc trĩ. Trường hợp phân bị ứ đọng sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, bao gồm cả ung thư đại tràng.
Người béo phì thường dễ bị gan nhiễm mỡ, mà nếu không được xử lý kịp thời sẽ có thể dẫn tới xơ gan.
3. Vai trò của việc cân bằng chỉ số BMI của người già
Có một thực tế rằng, càng lớn tuổi thì quá trình trao đổi chất ngày càng suy giảm khiến nhiều vấn đề về sức khỏe nảy sinh, dẫn tới việc điều chỉnh chỉ số BMI của người lớn tuổi về lại mức cân bằng ngày càng khó khăn.
Nếu có thể duy trì cân nặng của người già ở mức hợp lý và ổn định sẽ giảm thiểu rất lớn những nguy cơ gây tới sức khỏe, đồng thời còn giúp họ năng động, tâm lý thoải mái, yêu đời hơn.
Ngoài ra, cũng có nhiều nghiên cứu đã chứng minh chế độ ăn uống, sinh hoạt và vận động có thể tạo ra một sự thay đổi đáng kể về sức khỏe cho những người cao tuổi. Đây cũng là cách để cân bằng chỉ số BMI của người già hợp lý và an toàn nhất.
4. Biện pháp cân bằng chỉ số BMI của người già
Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, chỉ số BMI người cao tuổi nên duy trì trong khoảng 25-27 là tốt nhất. Tuy nhiên chỉ số BMI lý tưởng không giống nhau đối với mọi người mà cần linh hoạt điều chỉnh tùy vào tình trạng sức khỏe và thể chất của người bệnh. Ví dụ:
- Đối với người cao tuổi mắc tiểu đường, việc thay đổi chế độ ăn có thể được đề xuất.
- Đối với người cao tuổi bị thiếu máu, bệnh nhân sẽ được chỉ định bổ sung chất dinh dưỡng.
Một số gợi ý giúp cân bằng chỉ số BMI của người già:
- Chế độ dinh dưỡng tập trung chất lượng hơn số lượng: Cung cấp ít năng lượng nhưng hàm lượng dinh dưỡng cao hơn, đặc biệt là protein, vitamin nhóm B và canxi.
- Thường xuyên tính toán lượng calorie nạp vào cơ thể: Đồng thời chú ý phát hiện tình trạng sụt cân bất thường (nếu có) và sẵn sàng thực hiện các biện pháp điều chỉnh trước khi tình trạng trở nên nghiêm trọng.
- Người cao tuổi không nên quá bắt ép bản thân theo đuổi những chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt hay giảm cân tích cực. Thay vào đó nên hướng tới mục tiêu ăn uống lành mạnh và phù hợp với tình trạng cơ thể.
- Nên cân nhắc trao đổi trực tiếp với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn về mục tiêu cân nặng và các loại vitamin, khoáng chất cần bổ sung (nếu cần).
Nhìn chung, sẽ không bao giờ là quá trễ để tận hưởng những lợi ích của chế độ dinh dưỡng cân bằng và tập luyện thể dục thể thao mang lại. Việc này sẽ giúp chỉ số BMI của người già dần ổn định hơn và thay đổi sức khỏe, năng lượng và tâm trạng theo chiều hướng tốt hơn. Nếu nghi ngờ bản thân có dấu hiệu thừa cân béo phì thì người cao tuổi cần phải đi khám sức khỏe tại các cơ sở y tế uy tín để xác định tình trạng và có biện pháp xử trí kịp thời, ngăn ngừa biến chứng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.