Chỉ số bilirubin vàng da ở trẻ sơ sinh

Chỉ số bilirubin trong máu trẻ sơ sinh là cơ sở để đánh giá mức độ vàng da của trẻ. Kết hợp chỉ số bilirubin cao ở trẻ sơ sinh với độ tuổi, tình trạng sức khỏe, biểu hiện lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định liệu pháp điều trị phù hợp. Cùng tìm hiểu nguyên nhân và hậu quả khi chỉ số bilirubin trong máu trẻ sơ sinh tăng cao qua bài viết dưới đây.

1. Chỉ số bilirubin trong máu trẻ sơ sinh là gì?

Trong cơ thể, khi tế bào hồng cầu bị thoái hóa và phá vỡ, hemoglobin trong hồng cầu sẽ phân hủy thành bilirubin, một sắc tố có màu vàng và đào thải chúng qua ruột. Khác với người lớn, trẻ sơ sinh có số lượng tế bào hồng cầu cao và chúng liên tục được phá vỡ, thay mới. Tuy nhiên, gan ở trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện, đồng thời hệ vi khuẩn ở ruột còn non kém khiến cho bilirubin không được đào thải, hấp thụ lại vào hệ tuần hoàn gây nên vàng da.

Chỉ số bilirubin trong máu trẻ sơ sinh chính là chỉ số cho biết nồng độ bilirubin và thể hiện mức độ vàng da ở trẻ. Chỉ số bilirubin bình thường được quy định như sau:

  • Bilirubin toàn phần: Dưới 10mg/dl hoặc 171μmol/L ở trẻ sơ sinh và từ 0,3 - 1,2 mg/dl hoặc 5,1 - 20,5 μmol/L ở trẻ trên 1 tháng tuổi.
  • Bilirubin trực tiếp: Từ 0 - 0,4 mg/dl hoặc 0 - 7 μmol/L.
  • Bilirubin gián tiếp: Từ 0,1 - 1,0 mg/dL hoặc 1 - 17 μmol/L.
  • Tỷ lệ bilirubin trực tiếp/bilirubin toàn phần: Dưới 20%.

Chỉ số bilirubin trong máu trẻ sơ sinh thường cao trong những ngày đầu sau khi sinh và giảm dần trong những ngày tiếp theo. Khi xét nghiệm bilirubin để kiểm tra mức độ vàng da của trẻ, tùy theo độ tuổi và nguy cơ mắc bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với định lượng bilirubin.

2. Nguyên nhân khiến chỉ số bilirubin cao ở trẻ sơ sinh

Nguyên nhân khiến chỉ số bilirubin cao ở trẻ sơ sinh bao gồm:

  • Do sinh lý: Vàng da ở trẻ sơ sinh là hiện tượng thoáng qua, thường gặp ở cả những trẻ sinh non ốm yếu hoặc đủ tháng khỏe mạnh. Cơ thể trẻ sơ sinh sản xuất hồng cầu và bilirubin liên tục, kết hợp với độ thanh thải và nồng độ vi khuẩn thấp, khiến cho nồng độ bilirubin tăng cao. Khi đó, nồng độ bilirubin toàn phần trong máu có thể tăng lên đến 18 mg/dl khi trẻ được 3 - 4 ngày tuổi. Nhưng sau đó, nồng độ này sẽ giảm dần, trẻ hết bị vàng da mà không phải điều trị.
  • Do bệnh lý: Chỉ số bilirubin cao ở trẻ sơ sinh do nguyên nhân bệnh lý được xác định khi trẻ bị vàng da trong 24 giờ đầu tiên sau khi sinh và kéo dài nhiều hơn 2 tuần. Xét nghiệm máu thấy nồng độ bilirubin toàn phần cao hơn 18 mg/dL và mức tăng bilirubin trong máu lên đến trên 5 mg/dL mỗi ngày. Mức độ vàng da của trẻ cũng nặng hơn, vàng da toàn thân, vàng mắt, kèm theo bỏ bú, mệt mỏi, hay khóc thét. Các bệnh lý gây ra tình trạng này được biết đến là viêm gan sơ sinh, ứ mật, nhiễm khuẩn huyết sơ sinh.

Một số bệnh lý có thể khiến chỉ số bilirubin trong máu trẻ sơ sinh tăng cao
Một số bệnh lý có thể khiến chỉ số bilirubin trong máu trẻ sơ sinh tăng cao

3. Hậu quả khi chỉ số bilirubin trong máu trẻ sơ sinh tăng cao

Tùy vào nguyên nhân gây tăng bilirubin trong máu, hậu quả có thể nguy hại hoặc không. Trong một số trường hợp, bất kỳ nồng độ bilirubin như thế nào, trẻ sơ sinh bị vàng da một cách tự phát vẫn rất nguy hiểm. Và khi chỉ số bilirubin trong máu trẻ sơ sinh tăng cao đến mức nhất định sẽ được đánh giá là gây ra mối nguy hại. Ngưỡng này phụ thuộc vào độ tuổi, mức độ trẻ sinh non và tình trạng sức khỏe của trẻ, cụ thể:

  • Trẻ sơ sinh đủ tháng và khỏe mạnh: Khi chỉ số bilirubin trong máu cao hơn 18 mg/dL, tương đương với 308 μmol/L.
  • Trẻ sinh non, trẻ bị nhiễm trùng máu, thân nhiệt thấp, tụt oxy máu: Không có mức tăng bilirubin nào được cho là an toàn, nồng độ bilirubin càng tăng thì nguy cơ độc hại càng cao.

Hậu quả khi chỉ số bilirubin trong máu trẻ sơ sinh tăng cao gồm có:

  • Nhiễm độc thần kinh: Đây là hậu quả chính của tình trạng tăng bilirubin trong máu ở trẻ sơ sinh và dẫn đến viêm não cấp tính, bại não, suy giảm chức năng vận động, nhận thức kém.
  • Vàng da nhân não: Đây là hậu quả nghiêm trọng nhất nhưng lại rất hiếm gặp và có để được phòng ngừa. Vàng da nhân não là tình trạng bilirubin lắng đọng trong nhân và hạch đáy của thân não và tấn công vào hàng rào máu não.

4. Điều trị khi chỉ số bilirubin cao ở trẻ sơ sinh


Đối với tăng bilirubin sinh lý, trẻ chỉ cần được theo dõi kỹ lưỡng mà không phải điều trị, triệu chứng vàng da sẽ tự biến mất khi trẻ trong 2 tuần sau khi sinh, khi gan trẻ phát triển hoàn thiện và trẻ được bú sữa đầy đủ. Tuy nhiên, vàng da ở trẻ sơ sinh cần được điều trị khi nồng độ bilirubin quá cao, để tránh các biến chứng ở não do bilirubin tấn công vào não và gây tổn thương.Ở những trẻ sinh non và tình trạng sức khỏe kém có chỉ số bilirubin tăng cao, việc điều trị dựa vào độ tuổi và các biểu hiện lâm sàng ở trẻ. Hiện nay, điều trị tình trạng chỉ số bilirubin cao ở trẻ sơ sinh gồm có 2 phương pháp chính là chiếu đèn và truyền máu.

4.1 Chiếu đèn

Chiếu đèn (hay còn gọi là quang trị liệu), là phương pháp sử dụng một loại đèn đặc biệt, có ánh sáng màu xanh dương và bước sóng nằm trong khoảng 400 - 500nm, điểm cực tương ứng với đỉnh hấp thụ bilirubin có bước sóng trong khoảng 450 - 460nm. Ánh sáng từ đèn sẽ đi xuyên qua da và phân hủy các phân tử bilirubin gián tiếp ở lớp mỡ bên dưới da, sau đó chúng được gan và thận đào thải.

Ở những trẻ được chẩn đoán vàng da bệnh lý do tăng bilirubin gián tiếp, trẻ được chỉ định chiếu đèn sau 24 giờ đầu tiên khi chưa có biểu hiện nhiễm độc thần kinh. Chỉ định chiếu đèn điều trị dự phòng khi chỉ số bilirubin cao ở trẻ sơ sinh mắc bệnh tán huyết, hộp sọ to, có bướu huyết thanh, trẻ sinh non, cụ thể:

  • Trẻ sinh non từ 35 tuần tuổi thai: Chỉ định chiếu đèn khi bilirubin cao hơn 12 mg/dL (tương đương 205,2 μmol/L). Có thể chiếu đèn trong 25-48 giờ sau sinh khi bilirubin cao hơn 15 mg/dL, trong 49-72 giờ khi bilirubin 18 mg/dL và trên 72 giờ khi bilirubin là 20mg/dL.
  • Trẻ sinh non dưới 35 tuần tuổi thai: Ngưỡng bilirubin cần điều trị được quy định thấp hơn so với trẻ từ 35 tuần tuổi do trẻ có nguy cơ nhiễm độc cao hơn.

Chỉ số bilirubin vàng da ở trẻ sơ sinh tăng cao có thể áp dụng phương pháp chiếu đèn
Chỉ số bilirubin vàng da ở trẻ sơ sinh tăng cao có thể áp dụng phương pháp chiếu đèn

Lưu ý, chiếu đèn khi chỉ số bilirubin trong máu trẻ sơ sinh tăng cao cần cởi bỏ áo quần của trẻ nhưng mắt và cơ quan sinh dục phải được che kín. Trẻ được xoay trở thường xuyên để tăng tiếp xúc ánh sáng đèn, chiếu ngắt quãng hoặc liên tiếp.

Ở những trẻ sinh đủ tháng và khỏe mạnh, sau 3 giờ chiếu đèn, trẻ có thể được đưa ra ngoài để thay tã hoặc cho trẻ bú mẹ. Chiếu đèn là phương pháp điều trị chính ở trẻ sơ sinh bị vàng da do tăng bilirubin trong máu, vì phần lớn trẻ đáp ứng tốt.

4.2 Truyền máu

Trao đổi truyền máu là phương pháp điều trị vàng da do chỉ số bilirubin cao ở trẻ sơ sinh cho phép loại bỏ bilirubin nhanh chóng, được chỉ định trong trường hợp nồng độ bilirubin máu tăng quá mức gây nguy hiểm đối với sức khỏe của trẻ (thường gặp ở trẻ bị tan máu miễn dịch). Kỹ thuật này tiến hành lấy một lượng máu nhỏ của trẻ và thay thế bởi một lượng máu khác.

Chỉ định truyền máu đối với trường hợp chỉ số bilirubin cao ở trẻ sơ sinh đủ tháng như sau:

  • Khi bilirubin ≥ 20mg/dL trong 24 - 48 giờ.
  • Khi bilirubin ≥ 25 mg/dL sau 48 giờ.
  • Trẻ đã được chiếu đèn nhưng không hiệu quả. Ngay khi trẻ sinh ra, nếu bilirubin đã cao hơn 25 mg/dL trong lần khám nghiệm ban đầu, cần chuẩn bị sẵn sàng để truyền máu trong trường hợp chiếu đèn không làm giảm bilirubin.

Đối với trẻ sinh non, tùy tuần tuổi quy định ngưỡng bilirubin để truyền máu là khác nhau.

Tùy vào nguyên nhân khiến chỉ số bilirubin trong máu ở trẻ sơ sinh tăng cao, bác sĩ sẽ đánh giá có nguy hiểm hay không và chỉ định phương pháp điều trị làm giảm nồng độ bilirubin phù hợp.

Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh dễ mắc phải, trong đó có vàng da. Tại Vinmec được trang bị hệ thống chiếu đèn an toàn, dễ thực hiện, trẻ vẫn được bú mẹ khi phải chiếu đèn, có thể kết hợp thêm truyền Glucose10%. Bên cạnh đó, tại Vinmec có nhiều loại đèn chiếu phù hợp cho từng đối tượng vàng da cần chiếu đèn: Đèn dạng nôi (trẻ nằm trực tiếp lên trên, dạng đèn kép chiếu trên dưới (dùng trong các trường hợp cần chiếu đèn tích cực), đèn dạng chăn, túi quấn quanh người trẻ (rất thuận tiện cho mẹ khi chăm sóc bé: vừa bế lên được để cho bú, vừa chiếu đèn).

Nếu như điều trị trẻ vàng da nặng khi chiếu đèn không hiệu quả hay trẻ bị vàng da nặng đến muộn, có nồng độ bilirubin trong máu quá cao, bác sĩ sẽ có chỉ định sử dụng biện pháp thay máu là biện pháp cuối cùng. Khi thay máu ta có thể lấy được nhanh bilirubin đang lưu hành trong lòng mạch, dẫn đến giảm bilirubin trong máu và nhờ đó cũng giảm được bilirubin ở ngoài tổ chức.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe