Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ân - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Thở áp lực dương liên tục hay thở CPAP là phương pháp hỗ trợ điều trị thường được sử dụng cho trẻ em bị suy hô hấp còn khả năng tự thở tại các cơ sở y tế hiện nay. Chỉ định thở CPAP cho trẻ rất đa dạng nhưng đều nhằm mục đích giảm nguy cơ thở máy và hỗ trợ hô hấp không xâm lấn cho trẻ.
1. Thở CPAP là gì?
Thở CPAP (continuous positive airway pressure) là phương pháp hỗ trợ hô hấp cho trẻ còn khả năng tự thở, bằng cách duy trì áp lực dùng khí hằng định áp lực dương liên tục suốt chu kỳ thở và duy trì dung tích khí cặn chức năng. Ngoài ra, trong thở CPAP còn có một số cụm từ chuyên môn như sau:
- NCPAP (nasal continuous positive airway pressure): thở áp lực dương tính liên tục qua đường mũi.
- ECPAP: thở CPAP qua nội khí quản.
- Các thông số: PEEP (áp lực dương cuối thì thở ra) và FiO2 (nồng đọ oxy của khí hít vào).
2. Cấu tạo và nguyên lý hoạt động của thở CPAP
Hệ thống CPAP được cấu tạo để tạo ra dòng khí được làm ẩm và ấm nhằm cung cấp liên tục cho trẻ trong suốt chu kỳ thở, để tạo ra áp lực dương cho đường thở thì người ta sử dụng PEEP đặt ở cuối đường thở. Hệ thống sẽ được nối với bệnh nhân bằng nội khí quản, sonde mũi hoặc cannula, mask tùy thuộc vào từng loại CPAP.
Nguyên lý hoạt động: khi trẻ tự thở, áp suất đường thở sẽ âm hơn so với áp suất khí quyển trong thì hít vào, dương hơn trong thì thở ra và trở về 0 ở cuối thì thở ra. Do đó khi trẻ được thở CPAP ở mức áp lực dương là 5 cmH20 thì hệ thống CPAP sẽ tạo ra một áp lực dương liên tục trên đường thở, kể cả thời gian hít vào và thở ra. Khi đó áp lực cuối thì thở ra là +5 cmH2O.
3. Mục đích của chỉ định thở CPAP
Chỉ định thở CPAP nhằm đạt được các mục tiêu như sau:
Duy trì áp lực dương liên tục giúp:
- Tăng độ giãn nở, tăng thể tích phổi.
- Giãn phế quản nhỏ giúp trẻ dễ tống xuất đàm hơn.
- Chống xẹp phổi, giảm phù phổi và giảm máu tĩnh mạch về tim.
Bên cạnh đó, thở CPAP còn là phương pháp hỗ trợ hô hấp không xâm lấn giúp giảm nguy cơ thở máy của trẻ.
4. Chỉ định của các trường hợp thở CPAP
Các trường hợp được chỉ định thở CPAP gồm có:
- Suy hô hấp cấp ở trẻ em thất bại với điều trị oxy.
- Xẹp phổi do tắc đờm, bệnh màng trong.
- Viêm phổi hít phân su.
- Viêm tiểu phế quản.
- Ngạt nước.
- Cơn ngưng thở ở trẻ sơ sinh non tháng.
- Các bệnh lý về quá tải như phù phổi, xuất huyết phổi.
- Hậu phẫu mổ lồng ngực.
- Cai máy thở.
- Hỗ trợ trong các bệnh lý tim mạch ở trẻ như còn ống động mạch, suy tim.
Một số chống chỉ định của thở CPAP gồm:
- Dị tật đường hô hấp trên: sứt môi, hở hàm ếch, teo mũi sau, teo thực quản có dò khí - thực quản.
- Tràn khí màng phổi chưa dẫn lưu.
- Tăng áp lực nội sọ gặp trong xuất huyết hoặc viêm màng não
- Bệnh nhân mắc khí phế thũng.
- Thoát vị hoành.
- Teo ruột non, tắc ruột.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.