Hẹp nhánh động mạch phổi là bệnh tim bẩm sinh, khi bị hẹp nặng sẽ gây ra tình trạng suy tim phải, phương pháp điều trị chính là nong hẹp nhánh động mạch phổi, tỷ lệ thành công cao, có kết quả khả quan.
1. Hẹp nhánh động mạch phổi là gì?
Hẹp nhánh động mạch phổi là bệnh tim bẩm sinh, bệnh có thể gặp trong bệnh tim bẩm sinh khác như: Hẹp nhánh động mạch phổi kết hợp với hẹp trên van và van động mạch phổi trong hội chứng Rubella bẩm sinh, hẹp nhánh động mạch phổi sau phẫu thuật bệnh Fallot 4...
Thay vì mở và đóng để cho phép máu đi từ tim đến phổi, van được hình thành như một mô rắn. Vì vậy, máu không thể di chuyển bình thường để lấy oxy từ phổi. Thay vào đó, một lượng máu đi đến phổi qua các con đường tự nhiên khác trong tim và động mạch của nó. Khi bị hẹp động mạch phổi nặng sẽ gây ra tình trạng suy tim phải, phương pháp điều trị chính là nong hẹp nhánh động mạch phổi, tỷ lệ thành công cao, có kết quả khả quan.
2. Chỉ định nong hẹp nhánh động mạch phổi
Nong hẹp nhánh động mạch phổi được chỉ định trong trường hợp:
- Trẻ sơ sinh hẹp van động mạch phổi có triệu chứng, chênh áp qua van động mạch phổi <40mmHg trong bệnh cảnh cung lượng tim thấp hoặc bình thường, còn ống động mạch shunt phải-trái.
- Trẻ bị hẹp van động mạch phổi vừa và nặng có triệu chứng thì cần nong hẹp nhánh động mạch phổi. Tiến hành khi trẻ 9-12 tháng tuổi.
- Ở người lớn nong động mạch phổi trong trường hợp hẹp động mạch phổi với chênh áp qua van >64mmHg.
- Người lớn có triệu chứng lâm sàng do hẹp van động mạch phổi; suy thất phải; thất phải hai buồng; rối loạn nhịp tim liên quan đến hẹp van động mạch phổi; luồng thông phải-trái trong tim.
- Người lớn bị hẹp van động mạch phổi kèm theo các tổn thương phức tạp khác cần điều trị phẫu thuật như: hẹp kèm theo hẹp đường ra; hẹp vòng văn; kèm thông liên thất; Bệnh nhân đang trong tình trạng nhiễm trùng nặng; rối loạn đông máu nặng...
- Van động mạch phổi đã bị vôi hóa nhiều, xơ hóa ở người lớn.
3. Quy trình nong hẹp nhánh động mạch phổi
- Bước 1: Yêu cầu người bệnh nằm ngửa, hai tay đưa lên cao trên đầu. Sau đó, gây mê theo quy trình gây mê.
- Bước 2: Chọc đường tĩnh mạch đùi, trong trường hợp cần thiết thì chọc thêm động mạch đùi. Đưa catheter cùng dây dẫn vào nhĩ phải qua tĩnh mạch đùi, rồi qua van ba lá vào thất phải, lên động mạch phổi.
- Bước 3: Đo áp lực thất phải, động mạch phổi.
- Bước 4: Chụp thất phải, thân động mạch phổi và nhánh động mạch phổi bằng thuốc cản quang với tư thế nghiêng trái 90 độ, thẳng mặt chếch đầu 20 độ với nghiêng trái hoặc phải 30 độ.
- Bước 5: Đo đường kính thân, nhánh và vị trí hẹp của nhánh động mạch phổi trên máy chụp mạch. Chọn bóng nong van có tỷ lệ đường kính bóng và đường kính hẹp của nhánh động mạch phổi là 1,2 – 1,4 lần
- Bước 6: Đưa bóng lên vị trí nhánh động mạch phổi hẹp, rồi bơm căng bóng sau đó làm xẹp bóng thật nhanh trong khoảng < 15 giây, có thể làm lại vài lần.
- Bước 7: Đo lại áp lực thất phải, thân động mạch phổi và đoạn xa sau vị trí hẹp của nhánh động mạch phổi rồi đánh giá kết quả
- Bước 8: Sau khi nong động mạch phổi xong thì rút toàn bộ ống thông, dây dẫn, bộ mở đường mạch máu ra khỏi tĩnh mạch đùi, ép tĩnh mạch đùi bằng tay, khi hết chảy máu thì băng ép bằng băng keo chun.
4. Xử trí tai biến
- Chảy máu màng ngoài tim: Trong trường hợp này cần truyền máu, chọc hút máu màng ngoài tim, phẫu thuật khi cần thiết.
- Chảy máu tĩnh mạch do rách: băng ép, truyền máu, phẫu thuật khi cần thiết cho người bệnh.
- Rối loạn nhịp tim: Dùng thuốc loạn nhịp, sốc điện...
- Tụ máu nơi chọc tĩnh mạch đùi: Cần phải băng ép, khâu cầm máu...
XEM THÊM