Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Bích Nhĩ - Bác sĩ Mắt - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Mắt là một cấu trúc nhỏ nhưng phức tạp. Cắt bỏ nhãn cầu là thuật ngữ chỉ việc phẫu thuật cắt bỏ một mắt với ba hình thức là cắt nội nhãn, cắt nhãn cầu và cắt nhãn cầu cùng tổ chức mắt xung quanh. Mỗi hình thức cắt bỏ nhãn cầu có chỉ định trong từng bệnh lý và cách thức tiến hành khác nhau.
1. Chỉ định cắt bỏ nhãn cầu
1.1. Chỉ định cắt nội nhãn
Cắt nội nhãn chỉ can thiệp đến các phần bên trong của nhãn cầu, đồng thời để lại củng mạc - lớp bên ngoài màu trắng, cứng của nhãn cầu. Bởi vì màng cứng không được loại bỏ, các cơ ngoại nhãn vẫn còn bám vào. Trong thủ thuật này, một bộ phận cấy ghép thường được đặt bên trong màng cứng để duy trì hình dạng của nhãn cầu. Hình dạng bên ngoài của nhãn cầu theo đó hầu như không thay đổi, mặc dù mắt sẽ không còn chức năng nhìn thấy như ban đầu. Thủ thuật này được thực hiện bởi bác sĩ phẫu thuật mắt để giải quyết tình trạng nhiễm trùng, đau mắt dữ dội hoặc các vấn đề bên trong mắt trong trường hợp thị lực đã bị mất; không được sử dụng cho các khối u ác tính hoặc ung thư. Quá trình can thiệp có thể được thực hiện khi chỉ cần phong bế một dây dây thần kinh tại chỗ mà không cần gây mê toàn thân. Tuy nhiên, đôi khi có thể tiêm một liều thuốc mê nhỏ để bệnh nhân nằm yên.
Chỉ định cắt nội nhãn trong các bệnh lý cụ thể như sau:
- Chấn thương xuyên thủng: Đây là một trong những chỉ định cắt nội nhãn phổ biến nhất trong trường hợp màng cứng phần lớn còn nguyên vẹn. Can thiệp nên được thực hiện trong vòng 14 ngày kể từ ngày bị thương. Trong những trường hợp ảnh hưởng ra ngoài nhãn cầu, việc nạo vét chỉ khu trú bên trong nhãn cầu có thể khó khăn mà nên thay bằng cắt nhãn cầu toàn bộ.
- Mắt mù: Loại bỏ một mắt mù do bệnh lý là can thiệp cuối cùng. Người bệnh được kiểm soát cơn đau bằng cách tiêm cồn hoặc chlorpromazine vào dây thần kinh trung ương. Ưu điểm của cắt nội nhãn trong những trường hợp này sẽ cho kết quả thẩm mỹ tốt hơn và thời gian phục hồi sau phẫu thuật ngắn hơn khi chắc chắn rằng màng cứng vẫn còn bình thường.
1.2. Cắt nhãn cầu
Can thiệp này có liên quan đến việc loại bỏ toàn bộ nhãn cầu, bao gồm cả nhãn cầu và màng cứng, nhưng vẫn giữ nguyên các tổ chức còn lại xung quanh nhãn cầu ở trong hốc mắt. Quy trình này khác với cắt nội nhãn khi màng cứng cũng bị loại bỏ và điều này cũng có nghĩa là các cơ ngoại nhãn phải được tách ra khỏi màng cứng.
Các chỉ định phổ biến nhất cần cắt nhãn cầu là bệnh ác tính nội nhãn, đau mắt mù, chấn thương xuyên thấu, tổn thương nhãn cầu rất nặng hoặc mắt dị dạng và dự phòng bệnh nhãn khoa giao cảm.
Trong đó, u hắc tố ở người lớn và ung thư võng mạc ở trẻ em là những khối u ác tính nội nhãn phổ biến nhất. Trong một số trường hợp bệnh lý ác tính, hóa trị và xạ trị có thể là giải pháp thay thế cho các ca phẫu thuật gây biến dạng hơn.
Khác với cắt nội nhãn, người bệnh khi cắt nhãn cầu đòi hỏi phải được gây mê toàn thân. Điều kiện này sẽ giúp giảm thiểu đau đớn cho người bệnh cũng như cho phép nạo vét hạch đồng thời. Một con mắt nhân tạo có thể được đặt vào một ngày sau đó.
1.3. Múc bỏ mắt toàn bộ
Đây là phẫu thuật nhằm loại bỏ nhãn cầu cùng tất cả các thành phần khác trong hốc mắt, bao gồm các cơ, hệ thống tuyến lệ, dây thần kinh thị giác cũng như các phần khác nhau của xương hốc mắt. Mí mắt đôi khi cũng có thể cắt bỏ đồng thời, tùy thuộc vào mức độ của khối u.
Chỉ định của can thiệp này là khi mắc phải các bệnh ung thư lớn của mắt, da trên mắt hoặc mí mắt, hoặc ung thư từ các khu vực khác kéo dài đến hốc mắt. Các chỉ định khác bao gồm giả viêm xơ cứng và bệnh nấm xâm lấn của nhãn cầu.
Múc bỏ mắt toàn bộ luôn được thực hiện dưới gây mê toàn thân. Vì phẫu thuật này được thực hiện đối với sự lây lan của ung thư vào hốc mắt từ một vị trí khác nên thường được thực hiện cùng với các can thiệp liên quan như cắt bỏ hàm trên hoặc cắt bỏ sọ. Sau phẫu thuật, hốc mắt thường được tái tạo bằng tạo vạt vùng hoặc vạt tự do nếu vẫn còn khiếm khuyết lớn.
2. Điều gì sẽ xảy ra khi phẫu thuật cắt bỏ nhãn cầu?
2.1. Chuẩn bị trước phẫu thuật
Trước khi phẫu thuật, cần cho bác sĩ nhãn khoa biết về tất cả các loại thuốc đang dùng để xem xét liệu có thể tiếp tục dùng chúng đến khi phẫu thuật hay không. Thông thường tất cả các loại thuốc, trừ thuốc làm loãng máu, đều nên được tiếp tục. Thời gian ngừng sử dụng chất làm loãng máu phụ thuộc vào loại chất làm loãng máu và thời gian bán hủy cũng như lý do sức khỏe mà cần sử dụng thuốc.
Khi đã chọn ngày cho cuộc phẫu thuật, hãy nhớ rằng không nên sắp xếp các hoạt động thể chất nặng nhọc và bơi lội trong hai tuần sau khi phẫu thuật. Hơn nữa, cũng có thể mất đến hai tháng để chữa bệnh trước khi có thể được lắp nhãn cầu nhân tạo. Chi tiết này giống như một kính áp tròng lớn, được bác sĩ chuyên khoa mắt sơn tùy chỉnh để giống với mắt còn lại, tương thích với ổ mắt đặt bên trong mắt khi phẫu thuật.
2.2. Quá trình phẫu thuật
Đây là những gì sẽ xảy ra ngay trước và trong khi phẫu thuật cắt bỏ nhãn cầu:
Cuộc mổ diễn ra trong phòng mổ và người bệnh sẽ được gây mê toàn thân hoặc gây tê cục bộ bằng thuốc an thần.
Chi tiết nhãn cầu nhân tạo đã được chuẩn bị sẵn để đặt vào bên trong mắt để lấp đầy hốc trống.
Với chỉ định cắt nhãn cầu đơn thuần, sáu cơ mắt ngoại nhãn được khâu vào bộ phận cấy ghép. Ngược lại, với chỉ định cắt nội nhãn, các cơ vẫn duy trì kết nối của chúng với màng cứng nên không cần phải can thiệp.
Đôi khi, mí mắt cũng được khâu lại tạm để giúp vết thương mau lành và giữ cố định nhãn cầu.
Người bệnh sẽ được băng ép lớn dán lên mắt để bảo vệ vết thương và ngăn chảy máu; đồng thời cũng giúp giảm viêm (sưng tấy, đau nhức và bầm tím).
2.3. Chăm sóc hậu phẫu
Trong một số trường hợp đơn giản, chỉ định cắt bỏ nhãn cầu có thể thực hiện ngoại trú, tức người bệnh có thể được người thân đưa về nhà sau cuộc mổ.
Bên cạnh đó, người bệnh sẽ được chỉ định dùng các loại thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh hoặc cả steroid giúp chống viêm có thể cần thiết trong một số trường hợp.
Bơi lội, tập thể dục gắng sức hoặc các hoạt động thể chất khác bị hạn chế trong hai đến bốn tuần. Người bệnh cũng nên tránh các động tác uốn cong thắt lưng và nâng các đồ vật nặng trong tối đa một tháng.
Chú ý giữ cho miếng băng che mắt luôn khô. Đôi khi băng có thể cảm thấy ngứa hoặc khó chịu, nhưng điều quan trọng là phải giữ băng che mắt theo chỉ định của bác sĩ phẫu thuật.
Việc tái khám diễn ra khoảng một tuần sau khi phẫu thuật. Tại thời điểm này, bác sĩ phẫu thuật có thể tháo băng và nhìn vào mắt để đánh giá mức độ lành vết thương.
Sau khi bác sĩ phẫu thuật nhận thấy mắt đã được chữa lành hoàn toàn, thông thường từ sáu đến tám tuần sau đó, nhãn cầu nhân tạo có thể được lắp vào.
Bộ phận giả này có thể tồn tại hàng chục năm nếu được làm sạch và bảo dưỡng đúng cách. Người bệnh cũng nên tái khám với bác sĩ chuyên khoa mắt và bác sĩ phẫu thuật một đến hai lần mỗi năm để kiểm tra sức khỏe của hốc mắt và làm sạch, đánh bóng bộ phận giả này.
3. Các vấn đề có thể xảy ra với phẫu thuật cắt bỏ nhãn cầu
Một số vấn đề do phẫu thuật cắt bỏ nhãn cầu có thể bao gồm:
- Chảy máu
- Nhiễm trùng
- Sẹo
- Mí mắt chảy xệ hoặc khó nhắm mắt
- Bộ phận nhãn cầu giả rơi ra
Nói chung, phẫu thuật cắt bỏ nhãn cầu được thực hiện để nâng cao tuổi thọ của người bệnh. Chỉ định cắt nhãn cầu thường để điều trị các khối u đe dọa tính mạng như ung thư võng mạc hoặc làm giảm đau mắt cho bệnh nhân. Quá trình tiến hành cắt bỏ nhãn cầu luôn đòi hỏi một quá trình lập kế hoạch cẩn thận và kỹ lưỡng, giảm thiểu tỷ lệ biến chứng nhằm đem đem lại sự thoải mái và hài lòng của bệnh nhân về mặt thẩm mỹ về lâu dài.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: intechopen.com