Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Bạn có thể chưa mang thai, nhưng có nhiều điều bạn cần biết và có thể làm để đảm bảo sức khỏe tốt nhất trước khi chào đón một thiên thần bé nhỏ! Vậy bạn cần làm gì trước khi mang thai?
1. Đặt hẹn với bác sĩ Sản phụ khoa của bạn
Bạn có thể sẽ gặp bác sĩ Sản phụ khoa của bạn thường xuyên sau khi mang thai, nhưng bạn cũng nên gặp bác sĩ của bạn trước khi thụ thai để sàng lọc bất kỳ vấn đề nào có thể gây khó khăn cho bạn và sức khoẻ của con bạn.
Nếu như gia đình bạn hoặc gia đình chồng bạn đã có thành viên có các bệnh lý như xơ nang hoặc bệnh hồng cầu hình liềm, bạn cũng nên tư vấn di truyền hoặc thực hiện các xét nghiệm sàng lọc trước khi mang thai.
2. Kiểm tra bệnh nướu răng
Sức khỏe răng miệng tốt đã được chứng minh có mối liên hệ tới một thai kỳ khỏe mạnh. Bệnh nướu răng có thể gây ra nguy cơ sinh sớm và sinh nhẹ cân. Vì vậy, bạn nên đi khám các bệnh nướu răng để ngăn chặn các nguy cơ trên.
3. Từ bỏ hút thuốc và uống rượu
Việc hút thuốc và uống rượu trong thời gian mang thai có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển và sức khỏe của trẻ sau này.
Hút thuốc và uống rượu có thể làm cho việc mang thai khó khăn hơn và tăng nguy cơ sảy thai. Nếu bạn có thói quen hút thuốc hoặc uống rượu, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về các chương trình cai các thói quen xấu.
4. Giảm thiểu lượng caffeine
Nếu bạn uống hơn hai ly cà phê hoặc 05 chai nước ngọt mỗi ngày (khoảng 250mg caffeine), bạn có thể gặp khó khăn khi mang thai và tăng nguy cơ sảy thai.
Việc giảm thiểu lượng caffeine trước khi thụ thai có thể giúp bạn không cảm thấy thèm caffeine trong những tuần đầu mang thai.
5. Chế độ ăn khoa học và hợp lý
Hãy đảm bảo rằng bạn không ăn các loại đồ ăn vặt và những đồ ăn có hại cho sức khỏe. Bạn nên ăn nhiều hoa quả, rau, các loại hạt, và thịt nạc mỗi ngày.
Một chế độ ăn khoa học và lành mạnh trước khi mang thai có thể giảm nguy cơ tiểu đường thai kỳ.
6. Kiểm soát cân nặng
Việc thừa cân có thể tăng nguy cơ tiểu đường và huyết áp cao trong thai kỳ - các triệu chứng của bệnh lý tiền sản giật.
Bạn không nên giảm cân trong quá trình mang thai, do vậy thời gian thích hợp nhất để giảm cân là trước khi thụ thai.
7. Tiêm phòng bệnh đầy đủ khi chuẩn bị mang thai
Một số các bệnh lý trong lúc mang thai có thể có hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng tới sức khoẻ của con bạn. Hãy hỏi bác sĩ của bạn về các mũi tiêm vắc xin cần thiết trước khi mang thai và trong quá trình mang thai.
Bác sĩ có thể tiêm phòng cho bạn trong lúc mang thai để ngăn chặn các bệnh như ho gà để con bạn cũng có thể được bảo vệ.
8. Xem xét lại các loại thuốc bạn đang dùng
Bác sĩ cần biết tất cả các loại thuốc bạn đang dùng - thuốc kê đơn và không kê đơn, các loại vitamin và thảo mộc. Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến con bạn.
Bây giờ là thời gian thích hợp để bổ sung vitamin hoặc acid folic để giảm nguy cơ của các dị tật bẩm sinh.
9. Chọn lọc các loại cá và hải sản
Có thể bạn đã từng được nghe về việc nên tránh các loại cá có hàm lượng thuỷ ngân cao trong quá trình mang thai. Dù vậy, vì thuỷ ngân có thể mất đến một năm để được hoàn toàn loại bỏ khỏi cơ thể, bạn chỉ nên ăn cá hai lần một tuần và tránh các loại cá có hàm lượng thuỷ ngân cao như cá kiếm, cá đầu vuông, cá mackerel và cá mập.
10. Tập thể dục thường xuyên
Việc tập thể dục có thể giúp bạn kiểm soát cân nặng và có thể giúp bạn chuẩn bị cho việc chuyển dạ và sinh con. Hãy tìm những lớp học thể dục trước khi mang thai phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.