Hơi thở có mùi hôi là một trong những tác dụng phụ của chế độ ăn ít carb. Vấn đề ăn kiêng xuất hiện mùi hôi trong miệng có thể khiến nhiều người lo lắng, nhưng nếu có những hiểu biết nhất định, người muốn ăn kiêng có thể nhanh chóng vượt qua trở ngại này mà không làm giảm mục tiêu của mình.
1. Nguyên nhân khiến chế độ ăn ít carb có thể gây ra hơi thở khó chịu
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hôi miệng khi ăn kiêng với chế độ ăn ít carb. Cơ chế này là do chuyển hóa ketosis (trạng thái trao đổi chất đạt được với chế độ ăn ít carb) và chuyển hóa protein.
- Chuyển hóa ketosis
Một trong những nguồn năng lượng chính của cơ thể là glucose. Glucose được tạo ra khi đường tiêu hóa phân hủy carbohydrate từ đường phức tạp thành các phân tử glucose đơn giản.
Khi thực hiện chế độ ăn ít carb để ăn kiêng, cơ thể phải tìm nguồn nhiên liệu thay thế, cụ thể là chất béo để lấy năng lượng (một trạng thái chuyển hóa được gọi là ketosis).
Khi cơ thể phá vỡ các axit béo, một sản phẩm phụ sẽ được tạo ra gọi là ceton. Các thể ceton phổ biến có 3 dạng: Acetoacetate, beta-hydroxybutyrate và aceton. Các thể ceton này thường xuyên được loại bỏ khỏi cơ thể qua đường tiểu và hơi thở ra.
Do đó, nếu đang thực hiện chế độ ăn ít carb, cơ thể đang dựa nhiều hơn vào axit béo để cung cấp năng lượng vì không ăn nhiều carbohydrate. Khi cơ thể sử dụng nhiều chất béo hơn, nhiều ceton sẽ được giải phóng như một sản phẩm phụ của quá trình trao đổi chất tại chỗ.
Sự tích tụ quá nhiều ceton trong cơ thể có thể góp phần gây ra hiện tượng hơi thở có mùi hôi.
- Chuyển hóa protein
Những thay đổi trong chế độ ăn uống cũng có thể gây ra những thay đổi trong hơi thở. Theo đó, với chế độ ăn ít carb, sự chuyển đổi đột ngột từ carbs sang protein sẽ làm thay đổi cách cơ thể chuyển hóa thức ăn.
Lúc này, sự phân hủy protein trong cơ thể tạo ra amoniac. Sự gia tăng đột ngột của protein trong chế độ ăn uống sẽ làm tăng hiệu ứng này, làm tăng lượng amoniac trong cả khí dạ dày và nước tiểu.
Bởi vì cần nhiều nước để bài tiết amoniac, lượng nước uống vào không đủ có thể dẫn đến tình trạng hơi thở có mùi hôi trở nên tồi tệ hơn do amoniac tích tụ nhanh chóng trong cơ thể.
2. Tình trạng hơi thở có mùi hôi khi ăn chế độ ăn ít carb như thế nào?
Hơi thở có mùi hôi khi ăn chế độ ăn ít carb khác nhau ở mỗi người nhưng nhìn chung không giống với chứng hôi miệng thông thường. Nguyên nhân hơi thở có mùi mà hầu hết mọi người hay gặp phải là do vi khuẩn trong miệng gây ra.
Khi những vi khuẩn này bắt đầu phân hủy thực phẩm ăn vào còn lại trong khoang miệng, chúng tạo ra các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi, có mùi lưu huỳnh (tương tự như mùi trứng thối).
Trái lại, với tình trạng hơi thở nặng mùi do chế độ ăn ít carb, đặc điểm của mùi hơi thở sẽ thay đổi dựa trên các sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa protein và chất béo được tạo ra. Ví dụ:
- Acetoacetate và beta-hydroxybutyrate có thể khiến hơi thở có mùi thơm và mùi trái cây. Một số người mô tả mùi tương tự như mùi táo bị thâm tím hoặc thối rữa.
- Aceton trong hơi thở tạo ra nhiều mùi nhựa hơn (giống như mùi nước rửa sơn móng tay).
- Sự chuyển hóa protein dư thừa có thể khiến hơi thở và cả nước tiểu đậm mùi của amoniac.
3. Làm sao để cải thiện tình trạng hơi thở có mùi hôi khi có chế độ ăn ít carb?
Trong hầu hết các trường hợp, hơi thở có mùi hôi khi ăn chế độ ăn ít carb thực hiện trong thời gian dài sẽ tự biến mất, mặc dù có thể mất vài tuần đến một tháng. Do đó, nếu đã lựa chọn chế độ ăn ít carb như một biện pháp ăn kiêng, sau đây là một số cách để giảm thiểu các triệu chứng của hơi thở nặng mùi trong khi sự trao đổi chất của cơ thể đang được điều chỉnh:
- Uống nhiều nước hơn: Cố gắng uống từ 8 cốc nước (250ml) mỗi ngày. Điều này không chỉ giúp thải bớt ceton và các sản phẩm chuyển hóa dư thừa ra khỏi cơ thể mà còn hỗ trợ tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón.
- Thay đổi sự cân bằng của protein tiêu thụ: Mặc dù đây là một quá trình thử-và-sai, sự thay đổi nguồn protein chẳng hạn như từ thịt gà sang thịt hoặc từ thịt sang cá đôi khi có thể giúp làm thay đổi thể ceton đang được tạo ra, giúp giảm bớt mùi.
- Tăng lượng chất béo: Các nghiên cứu quan sát cho thấy rằng tăng chất béo trong chế độ ăn ít carb trong khi đồng thời giảm tiêu thụ protein có thể giúp giảm thiểu phát thải cả aceton và amoniac.
- Đừng cắt giảm carbs: Đừng quá lạm dụng chế độ ăn ít carb và cắt giảm lượng carbs nhiều hơn mức yêu cầu. Việc kiêng carbs tuyệt đối không chỉ khiến quá trình cải thiện hơi thở nặng mùi kém hiệu quả hơn mà còn khiến sự chuyển hóa năng lượng trở nên nặng nề. Do đó, người ăn kiêng vẫn cần tiêu thụ lượng carb lành mạnh trong giới hạn quy định.
- Thực hành vệ sinh răng miệng tốt: Đánh răng, dùng chỉ nha khoa và súc miệng bằng nước diệt khuẩn. Cạo lưỡi thường xuyên cũng có thể hữu ích.
- Che dấu hơi thở: Hãy thử các chất làm thơm hơi thở tự nhiên (chẳng hạn như bạc hà, mùi tây, đinh hương, quế hoặc hạt thì là) hoặc ngậm viên nén khử mùi, nhai kẹo bạc hà không đường và kẹo cao su làm bằng xylitol có thể giúp che giấu hơi thở có mùi, đồng thời tăng ó thêm các đặc tính kháng khuẩn.
Tóm lại, khi thực hiện theo chế độ ăn ít carb gây ra hơi thở có mùi hôi, cách duy nhất để loại bỏ tác dụng không mong muốn này là cần thay đổi chế độ ăn uống hợp lý hơn. Đồng thời, tuân thủ vệ sinh răng miệng tốt cũng có thể giúp giảm bớt tình trạng hôi miệng. Trong trường hợp hơi thở hôi vẫn kéo dài hơn một vài tháng ăn kiêng, cần phải thăm khám nha khoa sớm để tìm nguyên nhân gây hôi miệng và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: verywellfit.com, newtondentalassociates.com, webmd.com, healthline.com