Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Bác sĩ chuyên khoa Sản - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Khi bị động thai, bà bầu cần kiêng cữ đúng cách hoặc bổ sung dinh dưỡng phù hợp. Thai phụ nên tìm hiểu bị động thai ăn gì và kiêng gì để phòng tránh và điều trị hiệu quả tình trạng này.
1. Động thai là gì?
Động thai là dấu hiệu điển hình của tình trạng dọa sảy thai, đe dọa tới tính mạng thai nhi trong bụng mẹ. Dấu hiệu của động thai là bà bầu bị ra một ít máu màu đỏ hoặc đen, lẫn dịch nhầy ở âm đạo, đi kèm tình trạng mỏi vai, đau bụng, bụng dưới căng tức.
Động thai thường xảy ra ở 3 tháng đầu và 3 tháng giữa thai kỳ. Động thai có thể xuất hiện không rõ nguyên nhân hoặc do một vài bất cẩn của người mẹ trong ăn uống, vận động. Khi bị động thai, thai nhi vẫn sống. Cổ tử cung vẫn đóng kín hoặc mở nhưng thai nhi chưa bị sổ ra ngoài mà vẫn năm trong buồng tử cung.
Ngay khi có những dấu hiệu cảnh báo động thai, bà bầu nên đi khám bác sĩ ngay để được xử trí kịp thời, tránh nguy cơ xảy ra biến chứng khó lường.
2. Dinh dưỡng khi bị động thai
Khi bị động thai, các bà bầu cần chú trọng tới chế độ dinh dưỡng để giúp an thai và cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cho thai nhi phát triển. Bạn nên bổ sung thêm các loại thực phẩm dễ tiêu hóa vào bữa ăn hằng ngày, ăn nhiều trái cây, rau xanh.
Có nhiều thực phẩm bổ dưỡng có tác dụng dưỡng thai, dễ làm mà thai phụ có thể tham khảo để bổ sung vào thực đơn ăn uống của mình:
2.1 Cháo cá chép
Chuẩn bị: 1 con cá chép khoảng 500g + 100g gạo nếp + hành hoa + gia vị.
Cách chế biến: Làm sạch cá chép, cho cả con cá cùng gạo nếp vào nồi, thêm 500ml và nấu sôi. Khi cháo sôi được một lúc, vớt cá ra và tiếp tục đun gạo tới khi chín nhừ. Về phần cá, bạn gỡ thịt cá ra, xé nhỏ, phi hành, gừng lên rồi cho cá vào đảo qua, nêm nếm gia vị vừa ăn. Tiếp theo, cho thịt cá vừa xào vào nồi cháo, đun sôi và tắt bếp. Cuối cùng, cho hành hoa hoặc rau vào tùy sở thích và ăn ngay khi còn nóng.
Công dụng: Cháo cá chép là món ăn giàu dinh dưỡng, thơm ngon, dễ ăn và có tác dụng an thai rất tốt. Mẹ bầu có thể thường xuyên ăn món này trong thai kỳ, đặc biệt là trong vòng 3 tháng đầu.
2.2 Cháo gà gạo nếp
Chuẩn bị: 1 con gà + 200g gạo nếp + hành hoa + gia vi.
Cách chế biến: Làm sạch gà, chặt nhỏ, cho vào nồi đun với gạo nếp và một lượng nước vừa đủ tới khi chín nhừ thì nêm gia vị, múc ra bát, cho hành hoa vào và thưởng thức. Ngoài ra, bạn còn có thể chế biến bằng cách khác: để nguyên con gà, nấu sôi một lúc thì vớt ra, xé thịt riêng, băm nhỏ. Sau đó, đem xào thịt với hành khô, gia vị rồi cho vào nồi cháo đã nhừ, khuấy đều và ăn nóng.
2.3 Cháo đậu đen gạo nếp
Chuẩn bị: 100g gạo nếp + 30g đỗ đen + gia vị.
Cách chế biến: Rửa sạch các nguyên liệu, cho vào nồi với khoảng 1 lít nước, đun sôi tới khi nhừ là có thể ăn được. Bà bầu có thể thêm đường hoặc muối vào món cháo tùy theo khẩu vị để dễ ăn hơn.
2.4 Canh khổ qua nấu cá rô
Chuẩn bị: 2 trái khổ qua (mướp đắng) + 1 con cá rô + 20g hạt câu kỷ tử + 2 miếng gừng + 4 muỗng rượu gạo + muối.
Cách chế biến: Rửa sạch, bỏ hạt, cắt miếng khổ qua. Cá rô cần làm sạch, bỏ ruột, cắt miếng rồi trụng với nước sôi và vớt ra. Sau đó, bạn cho tất cả nguyên liệu vào tô, thêm nước, gia vị rồi cho vào nồi nấu 20 phút với lửa lớn.
Công dụng: Món canh này bổ dưỡng cho các thai phụ, giúp làm giảm chứng động thai, ăn nhiều không sợ béo.
2.5 Cháo bầu dục
Chuẩn bị: 1 đôi bầu dục lợn + 50g gạo tẻ + 12g đỗ trọng + gia vị.
Cách chế biến: Làm sạch bầu dục lợn và ướp với các loại gia vị. Gạo tẻ xay thành bột, cho đỗ trọng vào nồi với 300ml nước, đun sôi kỹ, chắc lấy 250ml nước. Sau đó, cho bầu dục vào nồi nước đỗ trọng, đun nhỏ lửa. Khi bầu dục lợn chín thì cho bột gạo vào, khuấy đều, đun tiếp tới khi cháo chín là được. Chia ăn 2 lần/ngày vào lúc đói, nên ăn liền 5 ngày.
Công dụng: Món ăn này rất bổ dưỡng cho phụ nữ bị động thai.
2.6 Thịt gà hầm
Chuẩn bị: 250g thịt gà mái tơ hoặc gà ác + 8g sâm cao ly cắt phiến + 15g cao gạc hươu cắt vụn + gia vị.
Cách chế biến: Làm sạch gà, lọc bỏ mỡ rồi chặt thành miếng. Sau đó, cho tất cả các nguyên liệu vào hầm cách thủy trong khoảng 3 - 4 giờ. Cuối cùng, bắc nồi ra, nêm gia vị, dùng ăn trong ngày.
Công dụng: Món canh này thích hợp với những thai phụ gầy yếu, lưng đau, gối mỏi, tinh thần mệt mỏi, bị động thai ra huyết ít và loãng, thiếu máu, thai nhi phát triển chậm.
*Lưu ý: Không dùng món ăn này cho thai phụ thể huyết nhiệt với các biểu hiện: Mặt đỏ môi hồng, tâm phiền, bất an, lòng bàn tay và chân nóng, âm đạo ra huyết đỏ tươi hoặc đỏ tía, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, miệng khô họng khát, lưỡi đỏ, ít rêu,...
Ngoài những món ăn trên, các bà bầu bị động thai còn có thể tham khảo cách làm các món ăn khác như: Cháo bí ngô, nước hạt sen trần bì tô ngạnh, nước lá sen,... Các món ăn này dễ ăn, có tác dụng dưỡng thai tốt, giúp bảo vệ thai nhi khỏe mạnh cho tới khi chào đời.
3. Động thai nên kiêng gì?
Khi bị động thai, bà bầu cần tránh ăn những loại thực phẩm sau:
- Thức ăn có quá nhiều dầu mỡ và gia vị;
- Thức uống có chất kích thích mạnh: Cà phê, rượu, bia, nước ngọt có ga,...;
- Thức ăn sống: Gỏi, rau sống, sushi,...;
- Thực phẩm có tính hàn: Dưa hấu, rau ngót, nghêu, sò, ốc, hến,...
4. Một số biện pháp phòng tránh động thai
Ngay từ khi bắt đầu mang thai, các bà bầu nên tìm hiểu kỹ về những biện pháp giúp phòng tránh động thai để có 1 thai kỳ khỏe mạnh:
- Giữ tư tưởng, tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng thần kinh;
- Ăn uống đủ chất, đặc biệt là chất đạm (thịt, cá, sữa, đậu, trứng), hoa quả, rau xanh,... trong suốt quá trình mang thai;
- Nghỉ ngơi phù hợp và không thức quá khuya;
- Tránh lao động nặng hoặc sinh hoạt vợ chồng nhiều trong những tháng đầu và tháng cuối thai kỳ;
- Đi lại, vận động nhẹ nhàng, cẩn thận, tránh nguy cơ té ngã;
- Tập luyện thể dục với cường độ vừa phải theo hướng dẫn của bác sĩ để tăng cường sức khỏe;
- Khám thai định kỳ để thường xuyên theo dõi sức khỏe của mẹ và bé.
Bà bầu bị động thai cần đảm bảo bữa ăn phối hợp đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng để sớm khôi phục sức khỏe, giúp cả mẹ và bé đều khỏe mạnh. Đồng thời, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào cảnh báo nguy cơ động thai, chị em nên đi khám bác sĩ ngay.
Khoảng thời gian 9 tháng 10 của thai kỳ vừa mang đến nhiều khó khăn và cũng nhiều niềm hạnh phúc đối với người mẹ. Chính vì vậy, người mẹ cần được chăm sóc về cả sức khỏe lẫn tinh thần. Tình trạng động thai có thể xảy ra ở một số mẹ bầu, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của cả mẹ và thai nhi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.