Xuất huyết (chảy máu) xảy ra khi chuyển dạ có thể là một mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khoẻ và tính mạng sản phụ, và sẽ cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Chảy máu có thể được chia thành ba thời điểm: trước khi chuyển dạ, trong khi chuyển dạ và sau sinh.
1. Những nguyên nhân gây chảy máu khi chuyển dạ và sinh con
- Do rau bám thấp (rau tiền đạo): Bình thường rau bám ở thân và đáy tử cung, nhưng cũng có trường hợp rau bám thấp xuống đoạn dưới tử cung, có khi che lấp cả lỗ tử cung (gọi là rau tiền đạo), gây ra chảy máu từng đợt vào các tháng cuối của thời kỳ thai nghén, đến khi chuyển dạ, đoạn dưới tử cung căng giãn ra (do cơn co tử cung đẩy thai xuống phía dưới) làm cho diện rau bám bị trượt và bong ra, gây chảy máu trầm trọng, sản phụ bị tử vong nhanh chóng.
- Do tử cung: Thông thường sau khi sinh, cơ tử cung co lại, ép các mạch máu nằm trong cơ, có tác dụng cầm máu, gọi là hiện tượng “cầm máu sinh lý”. Đờ tử cung là do cơ tử cung bị căng giãn quá mức trong thời kỳ có thai hoặc trong khi chuyển dạ, triệu chứng của đờ tử cung gồm có: chảy máu ngay sau khi sổ nhau là triệu chứng phổ biến nhất, tử cung giãn to, mềm nhão, co hồi kém hoặc không co hồi, không có khối an toàn, có thể dẫn đến choáng nếu không xử trí kịp thời.
Đờ tử cung thường xảy ra trong các trường hợp sau:
- Chuyển dạ quá lâu (trên 12 giờ đối với con rạ, hoặc trên 16 giờ đối với con so).
- Tử cung bị giãn quá mức do thai sinh đôi, sinh ba, đa ối, thai quá to.
- Tử cung bị nhão do đẻ nhiều lần.
- Bất thường do bong nhau, sổ nhau:
- Sót nhau, sót màng: Chảy máu thường xuất hiện sau khi sổ nhau, tử cung có thể co hồi kém, ra máu rỉ rả, lượng máu ra có thể ít hoặc nhiều, máu đỏ tươi lẫn máu cục. Có thể phát hiện sớm sót nhau bằng cách kiểm tra nhau và màng nhau. Nếu phát hiện muộn, không kịp thời, mất máu nhiều có dấu hiệu choáng.
- Nhau không bong: Nhau không bong trong vòng 30 phút sau khi sổ thai hoặc dùng biện pháp xử trí tích cực giai đoạn 3 của chuyển dạ không kết quả. Nhau bám chặt và không chảy máu. Nhau cài răng lược bán phần thì sau khi thai đã sổ 30 phút nhau không bong hoàn toàn, chảy máu nhiều hay ít tùy theo diện nhau bong rộng hay hẹp. Nhau cài răng lược toàn phần: ít gặp, không chảy máu.
- Chấn thương đường sinh dục: rách âm hộ, âm đạo, tầng sinh môn, cổ tử cung, vỡ tử cung, tụ máu đường sinh dục
- Tai biến vỡ tử cung làm đứt các mạch máu ở chỗ bị vỡ gây chảy máu ra ngoài âm hộ hay vào trong ổ bụng. Đây là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm, nếu không được phát hiện kịp thời có thể nhanh chóng dẫn tới tử vong của mẹ. Thường hay gặp ở những trường hợp làm thủ thuật khó khăn như forcep khi ngôi còn lọt cao, nội xoay thai, hoặc ở sản phụ có sẹo mổ cũ.
- Rách cổ tử cung, rách âm đạo, âm hộ: Khi sinh, cơn co tử cung đẩy thai xuống làm cho cổ tử cung mở ra, âm đạo, âm hộ và các cơ ở vùng âm đạo cũng giãn để thai có thể lọt qua. Nếu thời gian chuyển dạ quá nhanh, sản phụ rặn mạnh, quá sớm khi cổ tử cung chưa mở hết hoặc các cơ vùng âm đạo, âm hộ chưa giãn đủ mức, sẽ gây rách các bộ phận này. Tổn thương rách có thể nông, sâu, làm cho máu chảy nhiều hoặc rỉ ít một và kéo dài hàng giờ, nếu không phát hiện được, sản phụ sẽ bị tử vong.
- Rối loạn đông máu: Có thể tiên phát do các bệnh về máu nhưng thường là thứ phát do chảy máu nhiều, mất sinh sợi huyết (đông máu nội quản lan tỏa). Đông máu nội mạch lan tỏa có thể kết hợp với tiền sản giật nặng, thai chết trong tử cung, nhau bong non thể ẩn, nhiễm trùng ối hay thuyên tắc ối. Tất cả các tình trạng bệnh lý này có thể dẫn đến tiêu sinh sợi huyết.
2. Làm sao để nhận biết sản phụ chảy máu bất thường?
Trước khi chuyển dạ, nếu bị chảy máu thì sản phụ tự mình có thể phát hiện được và tới bệnh viện để khám, nhưng khi sinh hoặc sau khi sinh do sản phụ quá mệt mỏi, ngủ thiếp đi (giấc ngủ sinh lý sau đẻ), nên không thể tự phát hiện được, do vậy sản phụ cần được đội ngũ y tế theo dõi hết sức cẩn thận trong thời gian từ 3 đến 6 giờ sau sinh mới phát hiện và xử trí được kịp thời.
Trắc nghiệm: Dấu hiệu cảnh báo chuyển dạ thực sự
Chuyển dạ là quá trình thai phụ bước vào giai đoạn “đẻ đau” để kết thúc thời gian “mang nặng”. Thời gian và dấu hiệu chuyển dạ sẽ khác nhau tùy vào vào từng người và nhiều yếu tố. Theo dõi bài trắc nghiệm dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn các dấu hiệu chuyển dạ một cách chính xác và an toàn.3. Phòng ngừa chảy máu khi sinh con bằng cách nào?
Trong và sau sinh, tai biến chảy máu thường xảy ra một cách nhanh chóng và bất ngờ nên rất khó kiểm soát bệnh được nên tốt hơn cả là sản phụ cần thực hiện những biện pháp sau để đề phòng tai biến:
- Khám thai thường xuyên theo chỉ định và lời hẹn từ bác sĩ để sớm phát hiện các bệnh về máu cũng như các trường hợp thai nhi bất thường khác.
- Đến điều trị trước sinh tại các cơ sở y tế đối với các trường hợp có bệnh về máu, bệnh có liên quan đến rối loạn đông máu, có sẹo mổ cũ, thai to, thai sinh đôi, sinh ba, thai đa ối, rau tiền đạo.
- Trong quá trình chuyển dạ, sản phụ cần bình tĩnh, tin tưởng và lắng nghe chỉ dẫn từ phía bác sĩ.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec mang đến Chương trình chăm sóc thai sản trọn gói cho các sản phụ ngay từ khi bắt đầu mang thai từ những tháng đầu tiên với đầy đủ các lần khám thai, siêu âm 3D, 4D định kỳ cùng các xét nghiệm thường quy để đảm bảo người mẹ luôn khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện. Sản phụ sẽ không còn cô đơn khi bước vào cuộc chuyển dạ vì có người thân đồng hành giúp quá trình sinh con luôn mang đến sự an tâm và hạnh phúc.
Sản phụ sẽ được tư vấn và kiểm tra sức khỏe dưới sự theo dõi sát sao của các Bác sĩ Sản khoa giàu kinh nghiệm, chuyên môn, giúp các bà mẹ có thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe trong thai kỳ cũng như giảm thiểu những biến chứng ảnh hưởng tới mẹ và con.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.