Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mận - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Viêm cổ tử cung là tình trạng viêm cổ tử cung thuộc phần cuối của tử cung. Viêm cổ tử cung có thể biểu hiện triệu chứng hoặc không bao gồm dịch tiết âm đạo bất thường, đau khi giao hợp... Nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến viêm nhiễm lan đến tử cung, buồng trứng và ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này. Điều trị bằng thuốc kháng sinh đều thành công trong hầu hết các trường hợp, tuy nhiên ở các trường hợp khác bác sĩ phải kết hợp điều trị bằng tia laser hoặc phẫu thuật.
1. Triệu chứng viêm cổ tử cung
Các triệu chứng của viêm cổ tử cung bao gồm:
- Âm đạo bị ngứa hoặc kích thích
- Chảy máu giữa kỳ kinh nguyệt
- Đau khi quan hệ tình dục
- Chảy máu sau khi quan hệ
- Đau khi khám cổ tử cung
- Đi tiểu thường xuyên và đau đi tiểu
- Có dịch màu xám hoặc màu trắng bất thường có thể có mùi
- Cảm giác nặng nề ở vùng chậu
- Đau lưng dưới
- Đau bụng
Một số phụ nữ có thể không gặp bất kỳ triệu chứng nào khi họ bị viêm cổ tử cung nhưng nếu bị viêm nặng có thể dẫn đến dịch tiết âm đạo dày, màu vàng hoặc màu xanh lá cây giống như mủ.
2. Nguyên nhân dẫn đến viêm cổ tử cung
Các nguyên nhân dẫn đến viêm cổ tử cung do nhiễm trùng cao hơn do nguyên nhân không nhiễm trùng, bao gồm:
- Nhiễm trùng âm đạo
- Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) (ví dụ, lậu, Chlamydia và trichomonas)
- Nhiễm HIV
- Nhiễm virus herpes (mụn rộp sinh dục)
- Nhiễm virus papilloma ở người (HPV, mụn cóc sinh dục)
- Bắt đầu hoạt động tình dục sớm
- Quan hệ với nhiều người
- Tiền sử bệnh lây truyền qua đường tình dục
- Bị tổn thương hoặc kích thích cổ tử cung
- Kích thích cổ tử cung có thể là do các hóa chất có trong dung dịch vệ sinh phụ nữ, tampon... Kích thích có thể khiến cổ tử cung dễ bị nhiễm trùng hơn.
- Dị ứng với các thành phần có trong chất diệt tinh trùng để tránh thai hoặc latex trong bao cao su
3. Chẩn đoán viêm cổ tử cung
Để chẩn đoán viêm cổ tử cung, ngoài việc hỏi về các triệu chứng hiện tại, yếu tố nguy cơ, tiền sử bệnh tật, bác sĩ có thể sẽ thực hiện kiểm tra như sau:
- Khám vùng chậu. Bác sĩ sẽ sử dụng mỏ vịt đặt trong âm đạo để kiểm tra vùng âm đạo và cổ tử cung có bị sưng, đau, vết đỏ hoặc vết loét, dịch bất thường .
- Lấy dịch âm đạo, bác sĩ sẽ sử dụng tăm bông nhỏ hoặc bàn chải phết nhẹ để lấy mẫu dịch ở cổ tử cung và âm đạo. Bác sĩ sẽ gửi mẫu đến phòng xét nghiệm để kiểm tra xem nguyên nhân dẫn đến viêm có phải là do nhiễm trùng hay không và nếu có thì loại nào. Ngoài ra, Pap smear là một xét nghiệm được sử dụng để loại trừ khả năng người bệnh mắc tiền ung thư hoặc ung thư cổ tử cung.
4. Chữa viêm cổ tử cung
Điều trị viêm cổ tử cung phụ thuộc vào nguyên nhân.
Bệnh lậu thường được điều trị bằng cách tiêm kháng sinh ceftriaxone (Rocephin) và azithromycin đường uống. Chlamydia thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh đường uống như azithromycin (Zithromax), doxycycline, ofloxacin (Floxin) hoặc levofloxacin (Levaquin). Trichomonas được điều trị bằng metronidazole. Nếu bạn bị dị ứng với bất kỳ loại kháng sinh nào, bác sĩ sẽ thay thế bằng các loại thuốc khác.
Nếu bạn bị mụn rộp sinh dục, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc chống vi-rút kê toa. Có thể là acyclovir (Zovirax), valacyclovir (Valtrex) hoặc famciclovir (Famvir). Bạn sẽ cần dùng thuốc tối đa 10 ngày kể từ lần đầu tiên bạn bị mụn rộp sinh dục. Đối với sự herpes tái phát, bạn có thể dùng thuốc trong ba đến năm ngày.
Nếu bạn được chẩn đoán bị nhiễm bệnh lây qua đường tình dục, bạn cần phải cho đối tác tình dục gần đây biết họ cũng phải đi khám sức khỏe để xét nghiệm xem có mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục hay không và nếu có, cần điều trị sớm.
Viêm cổ tử cung do chấn thương hoặc đặt vòng tránh thai được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Người bệnh cần tránh quan hệ tình dục cho đến khi các triệu chứng được cải thiện để tránh kích thích hoặc gây tổn thương thêm đến cổ tử cung.
5. Phòng tránh viêm cổ tử cung
Bạn có thể giảm nguy cơ bị viêm cổ tử cung bằng cách thực hiện các bước sau:
- Thường xuyên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
- Hạn chế số lượng bạn tình.
- Không quan hệ tình dục với bạn tình có vết loét ở bộ phận sinh dục hoặc có tiết dịch bất thường ở dương vật.
- Hạn chế sử dụng các sản phẩm vệ sinh phụ nữ không an toàn do những sản phẩm này có thể gây kích thích âm đạo và cổ tử cung.
- Nếu bạn bị tiểu đường, hãy cố gắng duy trì kiểm soát tốt lượng đường trong máu.
- Kiểm tra sức khỏe thường xuyên và làm xét nghiệm PAP smear kể cả khi không có bất kỳ triệu chứng nhiễm trùng nào.
- Đề nghị bạn tình cũng thường xuyên kiểm tra định kỳ, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Hiện nay tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang triển khai Gói khám, sàng lọc bệnh lý phụ khoa cơ bản, giúp khách hàng phát hiện bệnh sớm các bệnh lý viêm nhiễm giúp điều trị dễ dàng, không tốn kém; Sàng lọc phát hiện sớm ung thư phụ khoa (Ung thư cổ tử cung).
Với đội ngũ bác sĩ phụ khoa dày dặn kinh nghiệm tại bệnh viện Vinmec, sẵn sàng thăm khám và điều trị cho bạn. Khi thấy những biểu hiện của viêm cổ tử cung hãy nên đi khám và điều trị càng sớm càng tốt để tránh gặp những rắc rối trong cuộc sống hàng ngày.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org, webmd.com, medicalnewstoday.com