Chẩn đoán và điều trị giãn phế quản

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Giãn phế quản là dạng bệnh lý thường gặp ở thời kỳ chưa phát minh ra kháng sinh và rất dễ dẫn đến tàn phế và tử vong. Tuy nhiên ở thời kỳ này, tần suất mắc bệnh đã trở nên hiếm gặp hơn nhờ việc sử dụng hiệu quả kháng sinh điều trị nhiễm trùng đường hô hấp và các thuốc tạo miễn dịch ở trẻ em chống lại các bệnh như sởi, ho gà,...

1. Giãn phế quản là gì?

Giãn phế quản là tình trạng giãn thường xuyên và không hồi phục của một hay nhiều phế quản kèm theo phá hủy cấu trúc thành phế quản, gây ra các triệu chứng như ho, có đờm và nhiễm trùng hô hấp tái đi tái lại. Các phế quản giãn thành ổ không hồi phục và thường kết hợp với các bệnh khác. Giãn phế quản được chia ra các thể như: giãn phế quản hình túi, giãn phế quản hình trụ và giãn phế quản hình tràng hạt.

Bệnh giãn phế quản có thể do bẩm sinh, di truyền hoặc mắc phải, có thể hình thành ổ và giới hạn chỉ ở một phần hoặc 1 thùy phổi, tuy nhiên cũng có thể giãn lan rộng tới nhiều thùy ở một hoặc hai bên phổi.

2. Chẩn đoán giãn phế quản như thế nào?

2.1 Chẩn đoán xác định

Để chẩn đoán xác định giãn phế quản cần phải dựa vào cả triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân. Ở lâm sàng của bệnh nhân sẽ gồm triệu chứng cơ năng, thực thể và triệu chứng cận lâm sàng

Triệu chứng cơ năng:

  • Ho khạc đàm kéo dài: đây là triệu chứng rất quan trọng. Bệnh nhân có thể ho ra đàm mủ xanh hoặc vàng, có thể lẫn máu lượng ít hay nhiều (trên 150ml/ ngày). Đàm nếu được để lắng sẽ phân thành 3 lớp gồm lớp bọt ở trên, lớp nhầy mủ ở giữa và mủ đục ở dưới cùng. Một số trường hợp cũng có bệnh nhân không ho hoặc ho khan do giãn phế quản thể khô ở các thùy trên.
  • Ho ra máu: Trong một số trường hợp có thể là triệu chứng duy nhất của bệnh, ho ra máu tái đi tái lại, kéo dài trong nhiều năm. Mức độ ho ra máu có thể ít hoặc nhiều, nếu lượng lớn 500ml/ ngày có thể kèm với suy hô hấp cấp.
  • Khó thở: đây là triệu chứng thường xuất hiện muộn, có thể có thâm tím môi và đầu chi là biến chứng của suy hô hấp do tổn thương lan tỏa hai phổi.
  • Sốt: triệu chứng thường xuất hiện sau nhiễm khuẩn hô hấp, khi sốt thường kèm khạc đàm tăng hoặc thay đổi màu sắc đàm.

Trong một số trường hợp, ho ra máu có thể là triệu chứng duy nhất của bệnh
Trong một số trường hợp, ho ra máu có thể là triệu chứng duy nhất của bệnh
  • Đau ngực: là biểu hiện của nhiễm khuẩn gần màng phổi hoặc túi phế quản giãn căng.

Triệu chứng thực thể:

  • Nghe phổi thấy có ran ẩm, ran nổ là chủ yếu. Ran rít, ran ngáy chỉ nghe thấy được trong đợt cấp, có thể có hội chứng đông đặc co rút khi xẹp phổi.
  • Dấu hiệu móng tay khum gặp ở bệnh nhân bị bội nhiễm phế quản nhiều lần, dai dẳng.
  • Các triệu chứng của tâm phế mạn như: phù chân, gan to, tĩnh mạch cổ nổi,...

Triệu chứng cận lâm sàng:

  • Chụp phim X-quang phổi: có thể thấy các dấu hiệu gợi ý cho giãn phế quản như thành phế quản tạo ra các đường song song, thể tích thùy phổi co giãn, phế quản nhỏ lại hoặc có các ổ sáng như hình ảnh tổ ong.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scanner) độ phân giải cao: đây là xét nghiệm vàng để chẩn đoán giãn phế quản với các dấu hiệu như đường kính phế quản lớn hơn động mạch đi kèm, các phế quản không có đường kính nhỏ dần như quy định.

2.2 Chẩn đoán phân biệt

Thông thường cần phải chẩn đoán phân biệt khi bệnh nhân chưa được chụp cắt lớp vi tính. Chẩn đoán phân biệt thường với một số bệnh sau:

  • Áp-xe phổi: tương đối khó phân biệt khi giãn phế quản có kèm đợt bội nhiễm cấp.
  • Lao phổi.
  • Kén khí ở phổi bội nhiễm: được phân biệt bằng chụp cắt lớp vi tính.

3. Điều trị giãn phế quản như thế nào?


Kháng sinh được lựa chọn có thể dùng cho đường uống hoặc tiêm tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh nhân
Kháng sinh được lựa chọn có thể dùng cho đường uống hoặc tiêm tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh nhân

Phác đồ điều trị bệnh giãn phế quản gồm có điều trị bội nhiễm phế quản, điều trị tình trạng co thắt phế quản và điều trị ho ra máu nếu có.

3.1 Điều trị bội nhiễm phế quản

  • Kháng sinh được lựa chọn có thể dùng cho đường uống hoặc tiêm tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh nhân.
  • Thuốc giãn phế quản có bội nhiễm cho bệnh nhân thường là kháng sinh thuộc nhóm Cephalosporin thế hệ 2 kết hợp với các kháng sinh nhóm Aminoglycosid
  • Thay đổi kháng sinh có thể dựa theo đáp ứng theo lâm sàng và kết quả kháng sinh đồ nếu có. Một số kháng sinh có thể dùng để thay thế là Penicillin hoặc nếu nghi ngờ vi khuẩn tiết Beta-lactamase thì thay Penicillin G bằng Amoxicillin + Acid Clavulanic hoặc Ampicillin- Sulbactam.
  • Thời gian sử dụng kháng sinh thông thường là 1-2 tuần nhưng có thể dài hơn với các trường hợp giãn phế quản nặng, vi khuẩn kháng thuốc.
  • Hướng dẫn cho bệnh nhân ho khạc đàm, vỗ rung lồng ngực hoặc dẫn lưu theo tư thế để tránh tồn đọng gây bội nhiễm.

3.2 Điều trị co thắt phế quản

  • Tiến hành khi bệnh nhân có khó thở, phổi nghe ran rít, ran ngáy.
  • Thuốc sử dụng có thể là thuốc cường Beta-2, thuốc kháng Cholinergic hoặc kết hợp cả hai.

3.3 Điều trị ho ra máu

  • Nếu ho ra máu lượng ít có thể nằm nghỉ, ăn lỏng và dùng thuốc giảm ho.
  • Nếu ho ra máu lượng trung bình có thể dùng chế độ chăm sóc như trên kết hợp với dùng Transamin và Morphin (thận trọng trong suy hô hấp mạn).
  • Nếu ho ra máu lượng nhiều và nguy kịch cần sử dụng morphin, các thuốc co mạch, kết hợp truyền dịch, truyền máu bồi phụ khối lượng tuần hoàn. Một số trường hợp có máu đông gây bít tắc phế quản cần phải hút đàm máu, đặt nội khí quản hoặc mở khí quản để loại bỏ.
  • Tất cả các trường hợp ho ra máu từ trung bình trở lên đều phải dùng kháng sinh để đề phòng nhiễm khuẩn.

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe