Người mắc bệnh sa sút trí tuệ thường khởi đầu âm thầm. Một số trường hợp bệnh sẽ tự phục hồi, hoặc sau khi điều trị sẽ được phục hồi. Bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer thì bệnh sẽ tiến triển nặng dần.
1. Chẩn đoán bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi
Những người bị sa sút trí tuệ thường có các biểu hiện sau:
- Trí nhớ bị suy giảm
- Suy giảm chức năng nhận thức
- Suy giảm khả năng trí tuệ
- Suy giảm trí nhớ lành tính ở người già hoặc suy giảm nhận thức nhẹ, những triệu chứng này tuy không gây giảm hoạt động các chức năng hàng ngày nhưng có thể sẽ tiến triển thành sa sút trí tuệ trong 18 tháng.
- Sảng: giảm sự chú ý và ý thức
Hiện nay, việc chẩn đoán bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi sẽ dựa vào các yếu tố sau:
1.1 Dựa vào các tiêu chuẩn chẩn đoán
- Suy giảm nhận thức:
Người bệnh sẽ được thực hiện các bài test đánh giá sa sút trí tuệ bằng các trắc nghiệm đọc xuôi và ngược các dãy số. Bên cạnh đó người bệnh có thể sẽ được nghe ba từ, sau khoảng 5 phút sẽ yêu cầu nhắc lại. Hoặc có thể kiểm tra trí nhớ của người bệnh bằng xem ba đồ vật, sau đó cất đi rồi yêu cầu bệnh nhân đọc lại. Một bài test khác có thể được đưa ra đó là cho bệnh nhân nghe một đoạn văn rồi sau đó yêu cầu bệnh nhân kể lại.
Để kiểm tra trí nhớ dài hạn của người bệnh, có thể hỏi các câu hỏi về bản thân người bệnh rồi kiểm chứng qua lời của người thân. Đưa ra các câu hỏi phù hợp với nền tảng kiến thức và văn hóa của bệnh nhân để kiểm tra.
- Rối loạn nhận thức:
Rối loạn ngôn ngữ ở người bị bệnh sa sút trí tuệ, gồm thất ngôn cổ điển, khó tìm từ để diễn đạt còn thể hiện qua các câu nói trống rỗng, không có đầy đủ danh, động từ. Khi người bệnh ở giai đoạn đầu, nên yêu cầu người bệnh nói càng nhiều tên con vật càng tốt. Những người mắc bệnh Alzheimer sẽ không nói được quá 10 tên con vật và thường sẽ có sự trùng lặp trong câu trả lời.
- Khó thực hiện được các động tác mặc dù chức năng vận động vẫn bình thường.
- Không có khả năng xác định được đồ vật mặc dù chức năng giác quan vẫn bình thường
- Suy giảm khả năng lên kế hoạch, tổ chức...
- Khả năng trừu tượng bị suy giảm, người bệnh không có khả năng phân loại sự giống nhau và khác nhau giữa các đồ vật...
- Khi người bệnh bị sảng thì các sự suy giảm này sẽ không xảy ra.
1.2 Dựa vào tiền sử của người bệnh
Cần tìm hiểu tiền sử của người bệnh về các thông tin như bệnh án, đơn thuốc, kết quả xét nghiệm, các bài test đánh giá sa sút trí tuệ...
Cần xác minh các triệu chứng khởi phát cấp, bán cấp hay từ từ. Nếu các triệu chứng khởi phát cấp thì thường là người bệnh bị sảng hơn là sa sút trí tuệ. Thực hiện các chẩn đoán phân biệt với các nguyên nhân nhiễm trùng, mạch máu, chấn thương, tâm thần hoặc các nguyên nhân khác. Nếu các triệu chứng khởi phát bán cấp, thường gặp trong các nguyên nhân nhiễm trùng hoặc ung thư. Nếu các triệu chứng từ từ, thường gặp trong tình trạng sa sút trí tuệ.
1.3 Khám tổng quát, bao gồm khám thần kinh
Thực hiện khám tổng quát, khám thần kinh để tìm các dấu hiệu của bệnh tai biến mạch máu não, bệnh Parkinson...
1.4 Thực hiện các bài trắc nghiệm tâm lý
Thực hiện các bài test đánh giá sa sút trí tuệ để phân biệt các thể của sa sút trí tuệ cũng như theo dõi quá trình tiến triển của bệnh.
2. Điều trị bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi
2.1 Sử dụng các loại thuốc để làm chậm tiến triển của bệnh
Sử dụng thuốc ức chế acetylcholinesterase để cải thiện khả năng nhận thức với người mắc bệnh Alzheimer. Các loại thuốc bao gồm: donepezil năm 1997, galantamine năm 2001, rivastigmin năm 2000.
Các loại thuốc trên đều có tác dụng kháng cholinesterase trong bệnh Alzheimer, cũng như làm tăng chức năng điều hành, trí nhớ.
2.2 Điều trị các rối loạn hành vi ở người bệnh
Thay đổi môi trường sống:
- Cần tìm ra các yếu tố khởi phát bệnh.
- Quản lý hành vi của người bệnh nhưng vẫn tôn trọng nhu cầu kiểm soát của bệnh nhân
- Tăng cường tập thể dục thể thao, tham gia các hoạt động xã hội
- Làm giảm sự đau đớn của người bệnh và gánh nặng cho người chăm.
- Bệnh nhân cần được đảm bảo an toàn
Thực hiện điều trị trầm cảm:
- Cần nhận biết các biểu hiện của trầm cảm
- Bệnh nhân được quyền lựa chọn và kiểm soát
- Tìm hiểu những hoạt động yêu thích của người bệnh
- Cần tăng cường khả năng nhận thức
Thực hiện điều trị mất ngủ:
- Không nên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê...
- Các hội chứng rối loạn tâm thần cần được điều trị
- Các thuốc chống trầm cảm có thể khiến tình trạng suy giảm trí nhớ thêm trầm trọng
Điều trị tình trạng kích động, bạo lực ở người bệnh:
- Cần tìm yếu tố khởi phát
- Lựa chọn cách thức giao tiếp phù hợp
- Thay đổi môi trường sống của người bệnh
- Có thể sử dụng thuốc nếu cần
Điều trị tình trạng loạn thần ở người bệnh
- Xác định được các triệu chứng hoang tưởng của người bệnh
- Sử dụng các loại thuốc chống loạn thần thế hệ cũ hoặc thế hệ mới
2.3 Sử dụng thuốc có tác dụng bảo vệ thần kinh
- Có các chiến lược về dinh dưỡng
- Sử dụng Estrogen: có tác dụng không rõ ràng trong việc làm chậm sự khởi phát của bệnh Alzheimer, nên điều trị sớm để có kết quả tốt.
- Sử dụng Statins: có tác dụng ngăn ngừa sự lắng đọng amyloid trong não thông qua việc hình thành cholesterol, không phải tất cả các statin đều có tác dụng như nhau và các bằng chứng về hiệu quả vẫn còn là đề tài gây ra nhiều tranh cãi.
2.4 Tăng cường các hoạt động xã hội và hoạt động thể lực
Giúp người bệnh hòa nhập xã hội, không thu hẹp và cô lập bản thân. Tập thể dục đều đặn, tham gia các hoạt động xã hội sẽ có tác dụng tích cực để phòng bệnh sa sút trí tuệ.
Để chăm sóc được người bị bệnh sa sút trí tuệ, người chăm sóc cần phải có những kiến thức nhất định, và điều quan trọng nhất, người bệnh cần được thăm khám và điều trị kịp thời bởi các chuyên gia y tế.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.